Sự đổ vỡ sắp đến của Trung Cọng
David Shambaugh
· Dr. Shambaugh hiện là Giáo
sư về Quan hệ Quốc tế đồng thời giữ chức vụ Giám đốc chương trình Chính sách
Trung Quốc tại Đại học George Washington, ông cũng là cộng tác viên cao cấp của
Viện Brookings. Những cuốn sách của ông về Trung Cọng gồm “ ĐCS Trung Quốc : sự
hao mòn và sự thích ứng” và gần đây nhất là cuốn “ Trung Quốc toàn cầu hóa :
một thế lực cục bộ”.
Hôm thứ năm
tuần này Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thường niên vừa nhóm họp theo nghi
thức đã trở nên quen thuộc. Ước chừng 3 000 đại biểu “ được bầu chọn” trên khắp
mọi miền đất nước – từ những nhóm thiểu số trang phục sặc sỡ tới các tỷ phú
lịch lãm sẽ gặp mặt trong thời gian một tuần để thảo luận về tình hình đất nước
và dường như điều này tạo ra ấn tượng rằng họ đang tham gia vào đời sống chính
trị của quốc gia.
Ván bài cuối cùng của ĐCS Trung Quốc đã bắt đầu khi mà
những biện pháp tàn nhẫn của Tập Cận Bình chỉ có thể đưa đất nước tiến gần tới
tình huống nguy kịch.
Một số người nhìn nhận cuộc tụ họp đầy ấn tượng này là
một chỉ dấu cho sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc, tuy nhiên thực chất
nó lại che dấu những điểm yếu nghiêm trọng. Các chiêu trò chính trị ở Trung
Quốc xưa nay thường được ngụy trang dưới lớp vỏ đầy kịch tính với những sự kiện
dàn dựng trên sân khấu cho thấy dường như Quốc hội trao quyền lực bền vững cho
ĐCS Trung Quốc. Cán bộ nhà nước cũng như dân thường đều biết rằng họ phải tuân
thủ những nghi thức đó, tức là phải vui vẻ tham gia và nhắc lại như vẹt các
khẩu hiệu chính thức. Lối hành xử như vậy ở Trung Quốc có cái tên là "biểu
thái" (biaotai – biểu lộ thái độ), thực ra nó có ý nghĩa chỉ hơn một chút
hành động phục tùng mang tính tượng trưng.
Nếu không để ý tới vẻ bên ngoài thì về thực chất ĐCS
Trung Quốc đang rất suy yếu và không ai biết điều này hơn chính Đảng. Con người
đầy quyền lực của Trung Hoa - Tập Cận Bình đang hy vọng rằng các biện pháp
trừng trị thẳng tay bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ giúp chống đỡ một sự
sụp đổ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tập Cận Bình xác định rằng phải tránh
trở thành một Gorbachov của Trung Hoa bởi lẽ Gorbachov đã điều hành sự tan rã
của Đảng CS LX. Thế nhưng thay vì trở thành nhân vật tương phản với Gorbachov,
Tập Cận Bình kết cục có thể lại tạo ra cùng một hậu quả. Sự chuyên quyền của họ
Tập gây sang chấn nghiêm trọng toàn bộ hệ thống xã hội Trung Quốc và đang đưa
đất nước tới gần tình huống nguy kịch.
Dự đoán sự ra đi của các chế độ chuyên chế luôn là
việc đầy rủi ro, phi phỏng. Một số chuyên gia Phương Tây nhìn trước sự sụp đổ
của Liên Xô trước khi nó xảy ra vào năm 1991; tuy nhiên CIA lại hoàn toàn bỏ
qua việc này. Sự tan rã của các quốc gia cộng sản Đông Âu hai năm trước đó cũng
đã từng bị chế nhạo như một suy nghĩ mơ mộng của những kẻ chống cộng cho tới
khi việc này trở thành hiện thực. Các cuộc “cách mạng màu” trong thời kỳ hậu
Liên Xô ở Gruzia, Ucrain và Kyrgyzstan từ năm 2003 tới 2005 cũng như cuộc nổi
dậy mùa Xuân Ả Rập năm 2011 đều bùng nổ ngoài mọi dự đoán.
Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đang rất để ý
tới những dấu hiệu có tính chất làm lộ chân tướng mục ruỗng và suy đồi của chế
độ đang diễn ra kể từ khi xảy ra sự kiện trên quảng trường Thiên An Môn năm
1989, khi mà chế độ đã trên bờ suy vong. Từ thời điểm đó đến nay một số nhà
Trung Hoa học đã đánh cược uy tín nghề nghiệp của mình khi khẳng định rằng sự
sụp đổ của ĐCS Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo là không thể tránh khỏi. Những
người khác thì tỏ ra thận trọng hơn, trong đó có tôi. Thế nhưng thời thế ở
Trung Quốc đã thay đổi và những phân tích của chúng ta cũng cần bám sát thời
cuộc.
Ván bài cuối cùng với sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc
đã bắt đầu, tôi tin là như vậy và điều này đã tiến triển xa hơn cái mức mà
nhiều người suy nghĩ. Tất nhiên chúng ta không biết con đường đi từ nay cho tới
khi nó kết thúc sẽ có hình dạng ra sao. Có thể nó sẽ rất không ổn định và lộn
xộn nhưng cho tới khi hệ thống bắt đầu tháo gỡ các nút thắt một cách rõ
ràng,rành mạch thì các yếu tố nội tại vẫn tiếp tục đóng vai trò và vì vậy chúng
sẽ ảnh hưởng tới bộ mặt của sự ổn định.
Sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc khó có thể kết thúc
một cách êm ả. Một sự kiện đơn lẻ khó có thể gây nên sự khép lại hòa bình của
một chế độ. Điều dễ xảy ra hơn đó là sự ra đi của nó sẽ kéo dài, hỗn độn và bạo
lực. Tôi không loại trừ khả năng Tập Cận Bình bị hạ bệ trong cuộc tranh giành
quyền lực hoặc bởi một cú đảo chính cung đình (un coup d’état). Chiến dịch
chống tham nhũng hăng hái của họ Tập đã trở thành tiêu điểm tuần này của Đại
hội đại biểu nhân dân toàn quốc cho thấy ông đang dùng quá đà sở đoản của mình
và chọc tức một cách sâu sắc các cử tri là những nhân vật chủ chốt trong Đảng,
Nhà nước, quân đội và giới kinh doanh.
Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ, waiying, neiruan-
ngoài cứng, trong mềm. Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quả thực là mạnh mẽ,
tràn đầy sức thuyết phục và tự tin. Thế nhưng nhân cách cứng rắn đó lại đi
ngược với hệ thống Đảng và chính trị vốn hết sức mong manh trong nội bộ. Chúng
ta hãy cùng xem xét 5 dấu hiệu có tính thuyết phục thể hiện tính dễ tổn thương
của chế độ và yếu kém của hệ thống Đảng CS Trung Quốc.
Thứ nhất, giới tinh hoa của nền kinh tế Trung Quốc đang đặt
một chân bên ngoài cửa nhà và họ luôn sẵn sàng rời bỏ hàng loạt nếu như hệ
thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Năm 2014 Viện nghiên cứu Hurun ở Thượng hải
chuyên theo dõi vấn đề người giàu Trung Quốc đã kết luận rằng 64% người có của
Trung Quốc đã di cư hoặc đang lên kế hoạch di cư khỏi Trung Quốc. Người giàu
Trung Quốc gửi con cái đi học ở nước ngoài với con số kỷ lục (bản thân sự việc
này đã là một cáo trạng về chất lượng của hệ thống Đại học Trung Quốc).
Ngay trong tuần này báo chí đăng tin các đặc vụ Liên
bang đã lục soát một số địa điểm ở Nam California nơi mà chính quyền Mỹ khẳng
định rằng chúng có liên quan tới loại hình kinh doanh du lịch đạt giá trị nhiều
triệu USD nhằm đưa hàng ngàn sản phụ Trung Quốc sang sinh con tại Mỹ để rồi sau
đó quay trở lại Trung Quốc với đứa con là công dân Hoa Kỳ.
Người giàu Trung Quốc còn mua bất động sản ở nước
ngoài ở quy mô và mức giá kỷ lục, họ chuyển tài sản ra nước ngoài, thường là
những nơi được coi là dễ trốn thuế và mượn các công ty làm bình phong.
Trong khi đó, Bắc kinh đang nỗ lực đưa về nước số
lượng lớn những kẻ chạy trốn mang tiền ra sống ở nước ngoài. Một khi mà giới
tinh hoa của đất nước – trong đó có nhiều đảng viên CS rời bỏ tổ quốc với số
lượng lớn thì chính nó đã cho thấy dấu hiệu xác đáng về sự mất lòng tin vào chế
độ và tương lai của đất nước.
Thứ hai, khi lên cầm quyền năm 2012 Tập Cận Bình đã mạnh mẽ
tăng cường làn sóng trấn áp chính trị vốn đã được khởi động từ năm 2009 trên
khắp Trung Quốc. Mục tiêu hay đối tượng được ngắm tới là báo chí, truyền thông
xã hội, phim ảnh, văn hóa - nghệ thuật, các nhóm tôn giáo, Internet, các nhà
trí thức, người Tây Tạng và Uighur, những nhân vật bất đồng chính kiến, luật
sư, các tổ chức phi chính phủ, sinh viên Đại học và lĩnh vực sách giáo khoa.
Ban chấp hành Trung ương ĐCS đã ra một chỉ thị hà khắc được biết tới dưới cái
tên Văn kiện số 9 phổ biến trong toàn hệ thống ĐCS từ trên xuống dưới năm 2013,
yêu cầu mọi đơn vị phải truy tìm cho ra những biểu hiện tán đồng “ các giá trị
phổ quát của phương Tây “ dù còn manh nha, đó là nền dân chủ pháp trị, xã hội
dân sự, tự do báo chí và trào lưu Tự do mới trong kinh tế (Neoliberal
Economics).
Một nhà nước yên ổn và tự tin sẽ không phải tiến hành
trấn áp, cấm đoán như vậy. Đó chính là triệu chứng của sự bất an và lo sợ của
lãnh đạo ĐCS.
Thứ ba, cho dù nhiều người trung thành với chế độ vẫn
hành động xu thời nhưng khó bỏ qua những biểu hiện giả tạo mang tính diễn kịch
đang lan khắp bộ máy chính trị trong mấy năm gần đây.
Mùa hè vừa qua, tôi là một trong số ít khách ngoại
quốc (và cũng là người Mỹ duy nhất) tham dự cuộc hội thảo về “ Giấc mơ Trung
Hoa” theo luận thuyết của Tập Cận Bình tại một cơ quan nghiên cứu của ĐCS Trung
Quốc ở Bắc kinh. Chúng tôi ngồi suốt hai ngày, đầu óc bị tê liệt vì phải nghe
liên tục hơn hai chục học giả của Đảng đọc tham luận, tuy nhiên bộ mặt của
những người thuyết trình đều lạnh lùng vô cảm, ngôn ngữ cơ thể cho thấy một sự
cứng nhắc và nỗi ngán ngẩm của họ rất dễ cảm nhận được từ bên ngoài. Họ làm ra
vẻ phục tùng Đảng và những câu thần chú cuối cùng của lãnh đạo nhưng rõ ràng là
công tác tuyên truyền đã mất hiệu lực cho nên Hoàng đế bây giờ chẳng còn y phục
trên người.
Tháng 12, tôi trở lại Bắc kinh để dự cuộc hội thảo của
trường Đảng trung ương, một định chế cao nhất của ĐCS trong việc đưa ra những
chỉ đạo mang tính học thuyết. Và một lần nữa các quan chức cao cấp nhất của đất
nước cùng các chuyên gia về chính sách đối ngoại lại đọc thuộc lòng kho khẩu
hiệu, chính xác tới từng từ. Có lần trong bữa trưa, tôi ghé thăm gian hàng sách
của trường, một địa chỉ dừng chân quan trọng để biết các cán bộ lãnh đạo Trung
Quốc ngày nay được đào tạo điều gì. Những cuốn tuyển tập trên giá sách từ “các
tác phẩm chọn lọc của Lê Nin” tới hồi ký của cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ
Condoleezza Rice và trên bàn ngay cửa ra vào, những cuốn sách nhỏ của Tập Cận
Bình quảng bá cho chiến dịch của ông ta về “ Công tác quần chúng” - hay mối
liên hệ giữa Đảng với nhân dân được xếp cao chất ngất. Tôi hỏi, “ sách này bán
thế nào ?” Cô bán hàng trả lời “ Ô, không bán được nhiều, chúng tôi lại mang
chúng đi ấy mà”“. Độ cao của chồng sách đã cho thấy khó có thể tin được cuốn
sách đó thu hút độc giả.
Thứ tư, nạn tham nhũng làm thối nát bộ máy ĐCS, chính quyền
và quân đội cũng đã thâm nhập vào toàn bộ xã hội Trung Quốc ngày nay. Chiến
dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình kéo dài được lâu và cũng khốc liệt hơn
những đợt trước đây nhưng không một chiến dịch nào có khả năng loại trừ vấn nạn
này vì nó đã bắt rễ một cách ngoan cố vào hệ thống độc Đảng, vào mạng lưới
người bảo trợ - khách hàng (mang tính Mafia – ND) và một nền kinh tế hoàn toàn
thiếu vắng sự minh bạch cùng một bộ máy truyền thông do Nhà nước quản lý không
mang tính thượng tôn Pháp luật.
Hơn thế nữa, chiến dịch chống tham nhũng, hối lộ của
Tập Cận Bình được đưa ra nhằm thanh lọc có lựa chọn, chủ yếu nhắm vào các đồng
sự và chiến hữu của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Năm nay đã 88 tuổi
họ Giang vẫn được đánh giá như Thái thượng Hoàng trong nền chính trị Trung
Quốc. Truy quét mạng lưới đặt dưới sự bảo trợ của họ Giang trong khi ông ta còn
sống là một sự mạo hiểm lớn đối với Tập Cận Bình, đặc biệt là khi ông có vẻ
chưa tập hợp được phe phái gồm những chiến hữu trung thành tới mức đủ mạnh để
củng cố quyền lực. Một vấn đề khác nữa là Tập Cận Bình là con trai của thế hệ
đầu tiên các nhà cách mạng Trung Quốc, là một trong những “ Thái tử “ cho nên
các mối liên hệ chính trị của ông ta chủ yếu được mở rộng đối với các “ Thái
tử” khác. Thế hệ thứ 2 này đang bị xỉ vả công khai hiện nay ở Trung Quốc.
Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc dưới con mắt của phương Tây
là một cỗ xe Gia Ga nát không thể dừng lại (thần thoại Ấn độ có chuyện chiếc xe
chở vị Thánh tên Giaganat diễu trên phố và những người cuồng tín thường đổ xô
vào xe để xe cán chết – ý bóng chỉ lực lượng khủng khiếp đi đến đâu gây chết
chóc đến đó – ND). Nền kinh tế đó đang bị sa lầy trong một chuỗi những cái bẫy
mang tính hệ thống mà không dễ thoát ra. Tháng 11/2013 Tập Cận Bình chủ tọa Hội
nghị Trung ương 3 ĐCS Trung Quốc, Hội nghị đã công bố những chương trình cải
cách kinh tế đồ sộ nhưng cho tới nay chúng vẫn còn nằm yên trên bệ phóng. Vâng,
các khoản chi cho tiêu dùng có tăng, nạn thảm đỏ có giảm cùng với một số cải
cách thuế được thực hiện nhưng nhìn chung các mục tiêu đầy tham vọng của Tập
Cận Bình đã chết yểu. Chương trình cải cách đã thách thức các nhóm lợi ích hùng
mạnh, cố thủ ở nơi thâm căn cố đế - đó là những doanh nghiệp nhà nước và đội
ngũ quan chức Đảng ở địa phương và họ đã không úp mở ngăn cản việc thực thi cải
cách.
Năm vết rạn nứt hiển hiện và ngày một gia tăng trong
hệ thống quản lý Trung Quốc chỉ có thể khắc phục thông qua cải cách chính trị.
Cho tới khi và chỉ khi Trung Quốc nới lỏng việc quản lý hà khắc hệ thống chính
trị, quốc gia này mới có thể trở nên một xã hội sáng tạo và một nền “kinh tế
tri thức” như mục tiêu cải cách mà Hội nghị trung ương 3 đã đặt ra. Chính hệ
thống chính trị hiện nay mới là trở ngại chủ yếu đối với các cải cách chính trị
và xã hội Trung Quốc. Nếu như Tập Cận Bình và các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc không
nới lỏng sự kìm kẹp thì họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với số phận mà họ không
mong muốn.
Trong mấy thập niên sau khi Liên Xô tan rã, giới lãnh
đạo của Trung Quốc luôn bị ám ảnh bởi sự sụp đổ của người đồng chí cộng sản
khổng lồ này. Hàng trăm bài phân tích của giới nghiên cứu Trung Quốc đã mổ xẻ
các nguyên nhân dẫn tới sự tan rã đó.
“Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình trên thực tế đang
cố gắng tránh cơn ác mộng Liên Xô. Vài tháng trước nhiệm kỳ lãnh đạo của mình,
họ Tập đã có một bài phát biểu nội bộ về sự sụp đổ của Liên Xô, lên án sự phản
bội của Gorbachov và cho rằng Moscow thiếu “ một người đàn ông đích thực” có
khả năng chống lại người lãnh đạo cuối cùng mang tư tưởng cải tổ đó. Làn sóng
đàn áp do Tập Cận Bình khởi xướng và chỉ đạo hiện nay cho thấy ông ta chống lại
đường lối cải tổ và minh bạch kiểu Gorbachov. Thay vì cởi mở, Tập Cận Bình lại
tăng cường kiểm soát tư tưởng, nền kinh tế và cả những đối thủ cạnh tranh trong
nội bộ Đảng.Tuy vậy phản công và đàn áp chưa phải là lựa chọn duy nhất của họ
Tập.
Những người tiền nhiệm của ông ta như Giang
Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lại rút ra những bài học rất khác từ sự sụp đổ của Liên
Xô. Từ năm 2000 tới 2008 họ đã thể chế hóa một số chủ trương nhằm nới lỏng và
cởi mở hệ thống cùng với việc thực hiện cải cách chính trị một cách thận trọng
và có giới hạn. Họ đã củng cố các cấp ủy ở địa phương và đưa vào thử nghiệm
việc bầu vị trí bí thư Đảng với nhiều ứng viên. Hai ông cũng đã thâu nạp nhiều
doanh nhân và trí thức vào Đảng, mở rộng hiệp thương giữa Đảng và các nhóm ngoài
Đảng đồng thời làm cho các biên bản họp Bộ chính trị thêm minh bạch. Họ đã cải
thiện cơ chế phản hồi trong Đảng, thực thi nhiều hơn các tiêu chí tuyển chọn
nhân tài để đánh giá và đề bạt, thiết lập hệ thống đào tạo ủy nhiệm cán bộ
trung cấp cho toàn bộ 45 triệu người được quy hoạch nguồn. Các ông cũng đã làm
cho có hiệu lực những quy chế về hưu trí, luân chuyển công chức và sĩ quan quân
đội 2 năm một lần.
Trên thực tế họ Giang và họ Hồ đã suy nghĩ để quản lý
sự thay đổi thay vì chống lại nó. Tuy nhiên Tập Cận Bình không chấp nhận một
điểm nào cả. Kể từ năm 2009 (khi mà nhà lãnh đạo có đầu óc cởi mở trước đây là
Hồ Cẩm Đào đã thay đổi đường lối và bắt đầu chính sách khẩn cấp), chính quyền
Trung Quốc ngày càng trở nên bất an nên đã cho ngừng thực thi các cải cách
chính trị (trừ việc cải cách đào tạo cán bộ). Những cải cách này đã được một
thủ túc chính trị của Giang Trạch Dân đạo diễn, đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc
Tằng Khánh Hồng (Zeng Qinghong). Ông này đã nghỉ hưu từ 2008 nhưng hiện đang bị
nghi vấn tham nhũng trong chiến dịch “ đả hổ diệt ruồi “ của họ Tập. Điều này
cho thấy Tập Cận Bình thù địch với các biện pháp cải cách nhằm giảm nhẹ con
bệnh của một hệ thống đang đổ nát.
Một vài chuyên gia cho rằng chiến thuật tàn nhẫn của
họ Tập sẽ báo trước một xu hướng cải cách cởi mở hơn trong những năm sau này
trong nhiệm kỳ của ông. Riêng tôi thì không đồng tình bởi lẽ nhà lãnh đạo này
và chế độ của ông ta luôn quan niệm chính trị là một cuộc chơi có tổng bằng 0
(tức là hoặc thắng hoặc thua chứ không có tình thế cả hai cùng thắng Win- Win –
ND). Do vậy nới lỏng sự quản lý theo họ, chắc chắn sẽ là một bước tiến tới sự
sụp đổ của cả hệ thống trong đó có họ.
Họ còn có quan điểm theo thuyết âm mưu cho rằng Hoa Kỳ
đang nỗ lực hành động nhằm lật đổ sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc. Do vậy không
có chỉ dấu nào cho thấy những cải cách sẽ quay trở lại ở Trung Quốc.
Chúng ta không thể đoán trước khi nào thì chủ nghĩa
cộng sản ở Trung Quốc sẽ sụp đổ nhưng cũng không khó để kết luận rằng chúng ta
đang làm chứng cho giai đoạn cuối cùng của nó. ĐCS Trung Quốc đứng thứ 2 trên
thế giới về thời gian cầm quyền (chỉ sau có Bắc Triều Tiên) và không có đảng
chính trị nào có thể cầm quyền mãi.
Nhìn về phía trước, những nhà quan sát Trung Quốc cần
phải tập trung sự chú ý vào các công cụ của chế độ phục vụ việc cai trị và
những người được giao phó sử dụng các công cụ đó. Một số lớn công dân và đảng
viên CS Trung Quốc đã lựa chọn bằng đôi chân để rời bỏ tổ quốc hoặc thể hiện
hành động giả dối của mình bằng cách làm ra vẻ tuân thủ các chỉ thị của Đảng.
Chúng ta cần quan sát cái ngày mà những nhân viên
tuyên truyền của chế độ và bộ máy an ninh nội bộ sẽ trở nên không nghiêm chỉnh
hoặc lỏng lẻo trong việc thực thi các lệnh của Đảng - thảng hoặc khi mà họ bắt
đầu trở nên đồng cảm với những kẻ bất đồng chính kiến như nhân viên an ninh
Đông Đức trong cuốn phim “ Những cuộc đời của người khác” khi anh này
thông cảm với chính đối tượng bị theo dõi của mình.
Một khi sự thấu cảm của con người đã manh nha chiến
thắng bộ máy cầm quyền cứng nhắc, giáo điều thì ván bài cuối cùng của chủ nghĩa
cộng sản Trung Quốc mới thực sự bắt đầu.
Phạm Gia Minh dịch từ Wall Street Journal
số ra ngày 6/3/2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen