Dieses Blog durchsuchen

Sonntag, 28. Dezember 2014

Sấm sét cuả Thiền Tông

MN: hôm nay Mây Ngàn xin giới thiệu Thiền Tông Phật Giáo ,một môn Phái mà như sấm sét ! như ngọn thần phong đưa ta tới bờ giác ngộ không qua những tu tập bình thường ,với những tràng kinh dài đại hải ,nhưng qua chu trình tu luyện gian khổ .cho dến khi cái tâm vô niệm ,rổng không tuyệt đối..không vuớng mắt một hạt bụi nhỏ cuả tri thức..và một ngày nào đó ta chợt bừng tỉnh  . MN rất ái mộ và theo đuổi từ lâu....trong quá khứ nhiều vị Phật đã theo phuơng Pháp tu luyện này ..qua 4 câu thơ lừng danh cuả  Đức Bồ Đề Đạt Ma Thiền tông Phật giáo!! :)

                      


                 Giáo ngoại biệt truyền,              敎 外 別 傳
                 Bất lập văn tự,                           不 立 文 字
                 Trực chỉ nhân tâm,                    直 指 人 心
                 Kiến Tính thành Phật.              見 性 成 佛




(Đạo truyền riêng ngoài kinh điển, không qua chữ nghĩa, nhắm thẳng vào nội tâm, kiến chiếu vào Tự Tánh để thành Phật.).
Trong Cao Tăng Truyện cuả Đạo Tuyên (soạn năm 645) và Truyền Đăng Lục của Đạo Nguyên (Soạn năm 1004) có chép sự tích của Đạt Ma, và đều có chép Tứ quán hạnh hay Nhị Nhập (2 đường vào chân tâm) của Đạt Ma.
Sách viết: «Muốn nhập Chân Tâm, có 2 cách: Phật bảo: Hai đường vào ĐẠO là LÝ NHẬP và HẠNH NHẬP.
«LÝ NHẬP là tin sâu rằng tất cả chúng sinh đều đồng nhau một CHÂN TÁNH chẳng phải một, chẳng phải tất cả, khác nhau chỉ ở chỗ BỊ CHE LẤP BỞI BỤI TRẦN. CHÂN TÁNH xưa nay vốn chẳng lại, chẳng qua. Hành giả trong một niệm ngưng trụ TỈNH QUÁN sẽ kiến chiếu vào tánh Phật chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải ta chẳng phải người, chung đồng với vật vô giác cũng như giống hàm linh, cùng một thể. Bấy giờ hành giả sẽ kiên trì nơi tâm địa Kim Cương, rốt chẳng xa lìa, đuọc tịch nhiên, vô vi, hết tâm tưởng phân biệt. Đó là LÝ NHẬP.
«HẠNH NHẬP là đừng để tâm bôn chôn, u trệ, đừng đắm theo bóng dáng trôi lăn như đợt sóng. Bất cứ đâu cũng giữ tâm hồn ngươi trong lặng, đừng đuổi theo gì hết. Hãy như đại địa, dầu bão tố vẫn bất động. Hãy gột sạch heát tư tưởng vị ngã trong tâm, cứu độ tất cả chúng sinh đưa qua bờ giác. Không sinh tử, không hình tướng, không thủ không xả, không gì đến, không gì đi trong tâm Bồ Tát. Khi tâm không có gì đến, gì đi là tâm nhập trong cái Bổn Lai không có nhập. Bồ Tát nhập pháp là như vậy đó. Pháp chẳng phải là không, và cái pháp “chẳng không” không thể gạt bỏ coi như không thực. Tại sao? Cái Pháp không chẳng thực, có tất cả công năng. Đó chẳng phải tâm, chẳng phải bóng dáng, đó thuần túy là “như”.» [3]
Đạt Ma sau khi gặp Lương Vũ Đế liền vào Chùa Thiếu Lâm, đất Ngụy ngồi Diện Bích (Ngó vào tường (chín năm, nên Thiền đã được Đạo Tuyên gọi là Đại Thừa Bích Quán và Đạt Ma được gọi là Bích Quán Bà La Môn. Tác giả bộ Pháp Chánh Truyền của Phật Thích Ca soạn năm 1257 thích nghĩa Bích quán là Cảnh giới tuyệt đối của Tâm, tuyệt không mảy bụi, bợn nhơ. [4] Đó là thái độ Đại định thâm hậu, quyết liệt loại trừ tất cả tưởng niệm và hình tướng của giác quan..
Thiền Sư Suzuki cho rằng không phải giáo lý Nhị Nhập hay Tứ Quán hạnh, mà chính là bài học Bích quán đã đưa Đat Ma lên ngôi Tổ Sư Thiền Đông Độ. [5]
Khi tôi đọc Nhị Nhập và Tứ Quán Hạnh tôi thấy quá hay. Nếu đó chính là của Đạt Ma, thì Ngài làm giáo chủ Thiền Đông Độ thật xứng đáng vậy.

3. Nhị Tổ Huệ Khả (486-593) 
Pháp danh Thần Quang là một học giả uyên bác, trước khi theo Đạt Ma. Ngài dạy ta bài học Nhất tâm cầu Đạo, chịu đứng nhiều giờ trong tuyết, dám chặt cánh tay, đề mong được Đạt Ma thu nhận làm đệ tử. Ngài bị xử giảo năm 593, thọ 107 tuổi.

4. Tam Tổ Tăng Xán (? - 606)  
Ngài để lại bài Tín Tâm Minh. Ta sao lục ít câu hay: 
Đạo lớn chẳng gì khó,
Cốt đừng lựa chọn thôi 
(Muốn vào Đại Đao, không được phân biệt, phải dùng trí vô phân biệt)  
Một là tất cả,
Tất cả là một.  
 Quí hồ được vậy thôi,
 Lo gì chẳng xong tất.[6]

5. Tứ tổ Đạo Tín (580-651) 
Trong Thiền Luận bộ thượng, trang 317-318 có ghi những lời Ngài dạy sư Pháp Dung về Lẽ Một, về Đại Đạo, về Thường Trụ Pháp Thân, về Kiến Tính, thành Phật rất hay. Tôi trích một đoạn vắn: «Người với chẳng phải người, tánh tướng đều bình đẳng. Đạo lớn vốn hư huyền, khoáng đạt, tuyệt không có nghĩ, không có lo. Cái pháp như vậy, nay ông đã được, rốt chẳng khiếm khuyết, đồng với chư Phật, ngoài ra chẳng Phật nào khác. Ông cứ tự tại mà nhiệm tâm, đừng theo quán hạnh, cũng chớ trừng tâm, chớ nổi tham sân, chớ mang sầu lự, cứ thản nhiên vô ngại, dọc ngang nhiệm ý, chẳng làm lành, chẳng lánh dữ, đi, đứng, nằm, ngồi, cứ tùy duyên mà cảm nghĩ, đó toàn là chỗ diệu dụng khoái lạc vô trụ của Phật, có thế mới gọi là Phật.... Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm. Tâm ví chẳng đặt ra, vọng tình theo đâu dậy? Vọng tình đã chẳng dậy, thì chân tâm cứ nhiệm vận mà tỏ tường. Ông chỉ nên tự tại mà tùy tâm, chẳng cần phải đối trị. Đó tức là Thường Trụ Pháp Thân, chẳng gì sai khác.» (std, tr. 318)

6. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (601-674) 
Ta có thể coi Ngũ tổ như khởi đầu một khúc quanh quyết định trong Thiền sử. Từ trước đến nay, các Thiền sư thường lánh ẩn trên núi cao, xa cảnh gió bụi thế gian, nên không ai biết việc làm các Ngài hay dở rasao, mà định luận. Nhưng nay, cơ duyên đã đến, để phát triển Thiền Tông, và Hoằng Nhẫn là người đầu tiên xuất hiện giữa đại chúng, tại chùa Đông Thiền huyện Hoàng Mai. Ngài có công lớn là phát hiện ra được Huệ Năng. Ngài nghe khẩu khí bài kệ Thần Tú, cao đệ của Ngài, liền biết ngay là Thần Tú còn ở trong vọng tâm.
Kệ của Thần Tú: 
Thân thị bồ đề thụ,                 身 是 菩 提 樹
Tâm như minh kính đài,         心 如 明 鏡 臺
Thời thời cần phất thức,         時 時 勤 拂 拭
Vật sử nhạ trần ai.                   勿 使 惹 塵 埃
Chuyển dịch: 
Thần là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Thường ngày hằng chau chuốt
Chớ cho bám trần ai. 
Ngài quở Thần Tú: Ngươi làm bài kệ ấy, tỏ ra chưa thấy Bản Tính. Ngươi mới tới ngoài thềm cửa, chưa vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy hiểu ấy, mà tìm Đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì rõ ràng không thể được. Theo Đạo Vô thượng Bồ Đề, hễ khi nghe nói Pháp rồi liền phải thấy Bổn Tâm và thấy Bổn Tính của mình... [7]
 Khi đọc xong kệ của Huệ Năng, Ngài liền biết Huệ Năng đã đạt tới Chân Tâm thường trụ của đất trời.
Kệ của Huệ Năng:
Bồ đề bản vô thụ               菩 提 本 無 樹
Minh kính diệc phi đài        明 鏡 亦 非 臺
Bản lai vô nhất vật             本 來 無 一 物
Hà xứ nhạ trần ai?              何 處 惹 塵 埃
Chuyển dịch: 
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào bám trần ai?  [8]
 Bài kệ này chứng tỏ Huệ Năng khi ấy đã minh tâm, kiến tánh, thân căn thanh tịnh, nên các lời nói ra đều siêu phàm thoát tục, vô ngã vô pháp, vô tướng, vô hình, Ngài chẳng luận cái thân tứ đại giả hiệp, chỉ nói ngay đến cái Bổn Lai Diện Mục mà thôi. Cái Tánh Bất Nhị này có nhiều tên: Thiền tông gọi là Chánh Pháp Nhãn Tàng, Liên Tông gọi là Bổn Tánh Di Đà, Đức Khổng gọi là Thiên Lý, Đức Lão Tử gọi là Cốc Thần, Thiết Hán. Dịch Đạo gọi là Thái Cực. Tên gọi tuy khác mà đồng chỉ một TÁNH tức là cái Bổn Lai Diệu Giác Chân Tâm của ta vậy. Tâm này vốn hư không mà vô cùng linh hoạt, tịch diệt mà rất diệu huyền,, châu biến khắp cả Pháp Giới. Lúc trới đất chưa phân, đã có nó rồi, Cái thể nó bất sanh, bất diệt, trải qua muôn kiếp mà chẳng hư hoại, cho nên kinh gọi là Kim Cương. Thế giới có thể tiêu diệt, nhưng nó vẫn còn hoài, không thay đổi. [9]
Ngũ tổ biết Huệ Năng đã đại ngộ. Ngài nói: Nếu không biết được Bổn Tâm, thời học Pháp vô ích. Nếu biết được Bổn Tâm, thấy được Bổn Tính, tức gọi là Trượng Phu, là là Phật, Thày cõi Trời và cõi người vậy.
Sau đó, đem y bát truyền cho Huệ Năng, tôn xưng là Lục Tổ. [10]
Thiền đốn ngộ được hoằng dương từ thời Đại Đường (618 -924) với Hoằng Nhẫn (601-674).

7. Lục tổ Huệ Năng (638-713) 
Lục Tổ là một vị Cổ Phật giáng trần, thoạt nghe kinh, là hiểu lập tức. Trí bát nhã ngài sáng rực, nên ngài giảng đến đâu, ta thấy sâm nhập đến đó. Lời ngài giảng dạy, được môn nhân là Trí Hải chép lại thành Pháp Bảo Đàn Kinh. Kinh này ở Việt Nam đã có nhiều người dịch. Tôi quí nhất quyển do Thích Minh Trực dịch, lý do vì Ông thông Tam Giáo, dịch sát nghĩa, giải kinh sâu sắc.
Lục Tổ viên tịch năm 713, mà nay nhục thân ngài vẫn còn nguyên vẹn tại chùa Nam Hoa (Chùa Bửu Lâm, Tào Khê). [11]
Ngài nhận đinh sâu sắc về Thuyết Thiên Địa Đồng Nhất Thể như sau:
«Chúng ta biết rằng Tất Cả ở trong Một và Một ở trong Tất Cả. [12]
«Cái tâm lượng khi ứng dụng ra, thì biết hết thảy sự vật.»
«Cả thảy tức qui về Một, Một tức gồm hết cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể sáng suốt, không ngưng trệ, tức là Bát Nhã (Trí Huệ) vậy.»
Thích Minh Trực giải: Cả thảy các pháp đều do tâm tức là Như Lai Tạng mà phát ra, cho nên nói: Cả thảy tức qui về Một. Tâm bao hàm tất cả các pháp, cho nên nói Một tức gồm hết cả thảy.
Biết rõ ngoài Tâm không có Cảnh, ngoài Cảnh không có Tâm. Tâm với Cảnh vốn là một, chẳng phải hai. Một gốc sinh ra muôn vật, muôn vật đồng về một gốc. (Nhứt bổn tán vạn thù; vạn thù qui nhất bổn). Ấy là tâm suốt thông, cũng gọi là tâm đắc nhứt (Chân không).[13]
Lục tổ còn dạy ta phải nắm lấy cái không sanh, không diệt, thấu rõ cái chẳng thời gian, không mau chậm. [14]
Tóm lại, đức Phật và các Tổ Thiền đều dạy ta tìm cho ra Chân Tâm, Tự Tính, Phật Tính trong ta. Nó ở ngay trong tâm ta, sinh ra tâm tình, trí lự của chúng ta, vì thế mới nói: Vạn vật nhất thiết giai do tâm tạo.
Cho nên, điều cần thiết trước tiên là đi vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời, tìm Phật. Phải biết nội quan quán chiếu chính là vậy.
Hai là Chân Tâm, Chân Tánh, Bổn thể thời siêu không gian, thời gian, duy nhất, bất biến, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Đó mới chính là Chân Hạnh Phúc, là Niết Bàn, mà chúng ta tìm kiếm. Đây là phạm vi hoạt động của Trí Bát Nhã.
Ba là Hiện tượng, là Vạn Hữu. Nếu Chân Tâm siêu không thời, trường cửu, bất biến, thì Hiện Tượng, hay Vạn Hữu, sẽ lệ thuộc không gian, thời gian, sẽ vô thường, biến thiên, sẽ nằm trong vòng sinh tử, luân hồi. Như vậy, Niết Bàn phải tìm trong trục Luân Hồi, Sinh Tử. Ngôn ngữ và Trí thức ta hoạt động trong vòng hiện tượng này. Chúng ta không việc gì phải khinh khi Trí Thức và Ngôn Ngữ.. Bổn phận ta là nhìn vào Bổn Tâm, Bổn Tính ta mà tìm cho ra Chân Lý. Đức Phật khuyên ta thành thật với chính mình, thấy sao nói vậy. Ta nhìn bằng mắt ta, nghe bằng tai ta, chứ không qua trung gian của Phật hay tổ.
Phật giáo là thể nghiệm, là tự chứng, là phóng đạo nhãn vào thực tại, là một cái nhìn chiếu diệu vào bổn thể. Nó đòi hỏi chúng ta nhìn bằng mắt chúng ta, không lệ thuộc, dựa dẫm vào ai cả.
Thiền Sư Trường Sa, Cảnh Sầm (t. 868), đệ tử của Thiền Sư Nam Tuyền (748-835) có thơ:
Học Đạo chi nhân bất ngộ Chơn,
Chỉ vị tùng tiền nhận Thức Thần.
Vô lượng kiếp lai sinh tử bổn,
Si nhân hoán tác Bổn Lai Nhơn.
 Dịch:
Nhiều người học Đạo chẳng ngộ chơn,
Chỉ vị xưa nay nhận Thức Thần.
Vô lượng kiếp lai Sinh tử Bổn,
Người ngu tưởng thấy Bổn Lai Nhân.
 Nghĩa là người học Đạo chẳng tỏ sáng Chơn Tâm, là vì từ đời Vô Thỉ nhận lầm Thức Thần là Chân Tâm. Thức Thần là gốc sống chết từ muôn vàn kiếp đến nay, mà người mê muội không hiểu gọi là Tánh Bổn Lai. Ôi người đời nhận tớ làm chủ mà chẳng biết, nhận cướp làm con mà không hay. Bởi vậy Đức Thế Tôn dạy người tu hành trước hết phải dứt cái cội rễ sanh tử luân hồi từ Vô Thỉ. Cái cội rễ này dứt rồi, thì các thức không có chỗ nương tựa. Thế mới phục hồi cái tánh Bổn Lai được. [15]
Sau Huệ Năng, Thiền phân hóa thành nhiều dòng, trong số có hai dòng nay còn tồn tại ở Trung Hoa và Nhật Bản. Một dòng phát xuất từ Hành Tư ở Thanh Nguyên (tịch năm 740) nay tiếp tục dưới danh hiệu Tào Động Tông; còn dòng kia, thuộc pháp từ của Hoài Nhượng ở Nam Nhạc (677-744) nay có Lâm Tế Tông là đại diện.
Tôi nghĩ nên ngừng nơi đây. Tôi sẽ không bàn thêm về Thiền la hét, đánh đập của các Thiền Sư cuối đời Đường (618-907), hay Thiền Công Án cuối đời Đường, đầu đời Tống với các thiền sư danh tiếng như Nam Dương Huệ Trung (t. 772), quen gọi Quốc Sư Huệ Trung, Thạch Đầu Hy Thiên (700-790), Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), Bá Trượng Hoài Hải (724-814), Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828), Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-835), Đại Mai Pháp Thường (752-839), Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-807), Qui Sơn Linh Hựu (771-853), Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897), Hương Nghiêm Trí Nhàn (t. 898), Hoàng Bá Hi Vận (t. 850), Lâm Tế Nghĩa Huyền (t. 866), Tuyết Phong Nghĩa Tòn (822-908) v.v...  
Công Án đã được nhiều người sưu tập thành sách như sách Bích Nham Lục do thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) biên soạn, và Thiền Sư Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) soạn lại mà thành, gồm 100 công án, như sách Vô Môn Quan do Thiền Sư Vân Môn soạn thành, gồm 48 công án, như sách Công Án của Thiệu Chiêu Phần Dương (947-1024) soạn gồm 22 bài Pháp của Thiền Sư Lâm Tế. (Xem Thông Triệt, Đồ Thị Diễn Giải Thiền, Tập 1, tr. 123-124)., như sách Thiên Đồng Giác Hòa Thượng hay Thung Dung Am lục gồm 100 tắc. Ở Nhật có thêm Truyền Quang Lục (Denko-Roku) với 90 bài kệ, Thập Trọng Cấm Giới (Juku-Kinkai) với 90 bài kệ. (Xem Ba Trụ Thiền, tr. 520).
Công Án có 1700, nhưng nay các Thiền Sư chỉ dùng khoảng 546 Công Án.
Tại sao tôi không nghiên cứu các loại Thiền trên? Tôi nghĩ nói đến Thiền không ai bằng Lục Tổ. Như vậy, tại sao tôi lại bỏ thày học trò? Lý do khác là con người tôi không thích ai la hét, đánh đập. Quí vị sẽ cho rằng Ngã Chấp tôi quá lớn. Thưa đây là vấn đề nguyên tắc chứ không phải là Ngã hay không Ngã.
Tôi đọc nhiều Công Án, Bích Nham Lục hay Vô Môn Quan. Nhưng càng đọc càng tối. Cái mặt thật Công Án là phi lý, phi nghĩa, thì làm sao sinh ra được nghĩa lý? Tôi quen một ông bạn khoe mình giải hết được bí ẩn của 1700 công án. Ông cho rằng Công Án là một bãi mìn không nên đi vào. Và quí vị đã biết tôi không bao giờ dám khinh miệt những ân sủng mà trời đất ban cho tôi như Lý Trí và Ngôn Ngữ. Tuy là chúng Nhị Nguyên, nhưng ta vẫn có thể băng qua chúng mà về Nhất Nguyên. Đó là thiển kiến «ngu xuẩn» của tôi, mong quí vị cao minh lượng thứ. Tôi không phủ nhận rằng có nhiều Thiền Sư, đã chứng đắc nhờ la hét, nhờ Công Án. Và sau này có thể tôi sẽ viết một  bài sưu tập lời hay, ý đẹp của quí vị đó. Tuy nhiên nhờ những biến hóa đó mà Thiền mới còn sinh động cho đến ngày nay. Và chính nhờ vào la hét, công án, mà thiền có những bộ mặt hết sức độc đáo và có ảnh hưởng hết sức sâu đậm trong văn hóa Á Đông từ hơn 1000 năm nay.
Sau khi viết xong bài này, tôi mới có dịp đọc bộ Thiền Tông Việt Nam của Thiền Sư Thích Thông Triệt trình bày về chủ trương Thiền của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Tôi thấy Ngài trình bày về Thiền hết sức hợp lý, dễ hiểu. Ngài hoàn toàn không theo một môn phái Thiền Trung Hoa nào, và cũng ngưng lại nơi dòng Thiền đốn ngộ của Lục Tổ. Ngài không theo Tào Động, Vân Môn, Qui Ngưỡng, Pháp Nhãn, hay Lâm Tế... (Xem Thiền Tông V. N. I, 184, 218, 211 v.v...). Những công án của Ngài không còn phi lý mà là Khẩu quyết đưa ta vào đường Đạo..Như vậy chứng tỏ những nhận định trên của tôi không sai.
 7. Thất tổ Tuệ Minh  (Mây Ngàn ) ? :)

MN: và vị thiền sư nổi tiếng trên thế giới ,ngài đã từng thuyết giảng cho các nuớc Âu Châu và Mỹ châu về Thiền tông Phật giáo !cũng như nhiều cuộc đối thoại kỳ thú với các ký giả ,về tư tuởng triết học cuả Đông phuơng và Tây Phuơng.Đại Sư Tetaro Suzuki viết  rất nhiều sách ,trong đó có quyển "Zen Cốt Tuỷ cuả đạp Phật "đuợc dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như tiếng Việt năm 1970 là cuốnThiền luận" (đã xuất bản tại Việt Nam trước năm 1975, do hai thầy Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch


Cuộc đời Daisetzu Teitarō Suzuki - Đại Chuyết Thiền Sư
Cuộc đời Daisetzu Teitarō Suzuki  -  Đại Chuyết Thiền Sư
Linh Mộc Trinh Thái Lang Đại Chuyết
鈴木貞太郎大拙


          Daisetzu Teitarō Suzuki chào đời ngày 18 tháng 10 năm 1870 tại thành phố Kanazawa 金澤 (Kim Trạch), huyện Ishikawa 石川 (Thạch Xuyên) ;  tạ thế ngày 12 tháng 7 năm 1966. Thân phụ ông là Ryojun Suzuki, một y sĩ, và thân mẫu họ là Masu (không rõ tên là gì). Song thân ông có cả thảy 5 người con, và ông là con út.
          Ông nội và ông cố của Suzuki cũng theo nghiệp y sĩ. Lúc Suzuki
鈴木 (Linh Mộc) lên 6 tuổi, ông nội và ông cố của ông lần lượt qua đời. Ngay năm kế đó, ông chứng kiến một người anh của mình lìa trần. Những sinh ly tử biệt não nề này đã chấn động lớn đến tâm hồn thơ ấu của ông, và đó có lẽ là động cơ dẫn ông bước vào lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và triết học về sau này.
          Mười mấy tuổi đầu, ông đã lai vãng viếng thăm nhiều thiền viện, cả nhà thờ Thiên Chúa giáo nữa, và ông rất say mê bàn luận về những đề tài đầy tính triết học. Khi Suzuki là một học sinh trung học, một giáo viên dạy toán của ông rất quan tâm đến Thiền và đã là đệ tử của thiền sư Kōsen Imagita, một trong những đại thiền sư lừng lẫy bấy giờ. Chính vị giáo viên dạy toán này đã hướng những băn khoăn triết lý và tôn giáo của Suzuki đến Thiền, và đưa cho Suzuki mượn nhiều sách vở viết về Thiền.
          Tốt nghiệp trung học xong, do cảnh nhà túng quẫn, Suzuki đi dạy kèm Anh ngữ, nhưng ông vẫn còn quan tâm đến Thiền. Năm 1891, thân mẫu ông tạ thế. Năm kế đó, một người anh của ông đang hành nghề luật sư đã gởi ông đến Tōkyō (Đông Kinh) học ở trường mà hiện nay trở thành Đại học Waseda rồi học ở trường Đại học Hoàng gia Tōkyō (Tōkyō Imperial University).
          Chân ướt chân ráo đến Tōkyō, ông mò mẫm đến thành phố Kamakura (Liêm Thương), huyện Kanagawa
神奈川 (Thần Nại Xuyên), để học Thiền nơi thiền sư Kōsen Imagita, trụ trì Engakuji 圓覺寺 (Viên Giác tự). Engakuji là một thiền viện danh tiếng, thuộc dòng thiền Lâm Tế 臨濟 (Rinzai). Người sáng lập thiền viện này là thiền sư Mugaku Sogen 無學祖元 (Vô Học Tổ Nguyên, 1226-1286). Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời Nam Tống, đến Nhật Bản năm 1280, và lập Viên Giác tự vào năm 1282. Trong hệ phái Lâm Tế tại Nhật Bản, nhánh thiền của ngài có tên là Mugaku 無學 (Vô Học). Thiền sư Kōsen tạ thế đầu năm 1892, và Suzuki vẫn tiếp tục tu học nơi đây với người kế vị của ngài Kōsen, tức là thiền sư Sōen Shaku.
          Năm 1893, Suzuki phiên dịch sang Anh ngữ bài diễn văn của thiền sư Sōen, bài này được đọc trong Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới (World Parliament of Religions :
世界宗教會 Thế Giới Tôn Giáo Hội) tổ chức cùng năm này tại Chicago. Hội Nghị Tôn Giáo Thế Giới là một phần của sự kiện World’s Columbian Exposition (Chicago, 1893) là cột mốc đầu tiên đánh dấu việc du nhập Phật giáo vào nước Mỹ. Trong Hội nghị, thiền sư Sōen đã gặp gỡ Paul Carus, một tác giả kiêm chủ bút, quan tâm rất nhiều đến tôn giáo Đông phương. Carus là chủ bút của tạp chí Open Court, một chuyên san về các vấn đề tôn giáo và luân lý. Ông cũng là chủ nhà xuất bản Open Court, chủ yếu xuất bản sách về triết giáo Đông phương. Sau khi Hội Nghị kết thúc, Sōen viếng thăm tư thất của Carus một tuần, tại LaSalle (Illinois).
          Kết quả của cuộc gặp gỡ này là Carus viết quyển The Gospel of Buddha (Chân lý của Phật tổ). Quyển này được Suzuki dịch ra Nhật ngữ, lúc ông đang là đệ tử tại gia của thiền viện Engakuji (Viên Giác tự).
          Suốt 4 năm tại Engakuji (Viên Giác tự), Suzuki hết sức vất vả với một công án mà thiền sư Sōen đã đưa cho ông. Mãi đến năm 1897, lúc ông chuẩn bị sang Mỹ để phụ tá cho Carus phiên dịch Lão Tử Đạo Đức Kinh sang Anh ngữ, thì ông mới lý hội được công án đó. Mùa đông năm ấy, trước lúc lên đường sang Mỹ, Suzuki hoát nhiên đại ngộ và giải đáp được công án này. Thiền sư Sōen ấn chứng cho ông và ban pháp danh Daisetsu
大拙 (Đại Chuyết, nghĩa là “rất vụng về và chất phác”). Tại Nhật, ông được gọi là Suzuki Daisetsu 木大拙 (Linh Mộc Đại Chuyết). Pháp danh Daisetsu 大拙 (Đại Chuyết) thường được viết bằng Anh ngữ là Daisetz.
          Sau khi phụ giúp Carus phiên dịch Lão Tử Đạo Đức Kinh, Suzuki vẫn lưu trú ở Open Court, học Hán ngữ và Phạn ngữ (Sanskrit), đồng thời tiến hành một số đề án, trong đó bao gồm việc phiên dịch một số kinh Phật quan trọng. Năm 1905, Suzuki làm thông dịch viên cho thiền sư Sōen trong chuyến chu du nước Mỹ.
          Khi làm việc cho Carus, Suzuki đã phiên dịch nhiều kinh điển Đông phương sang Anh ngữ, chẳng hạn như quyểnAwakening of Faith in the Mahayana (Đại thừa khởi tín luận [?]). Càng ngày Suzuki càng nhận thấy rằng người Tây phương có nhu cầu tìm hiểu Phật giáo, do đó năm 1907 ông xuất bản quyển sách đầu tiên của ông viết bằng Anh ngữ, nhan đề :  Outlines of Mahayana Buddhism (Toát yếu Phật giáo Đại thừa).
          Năm 1908, ông rời LaSalle để đi New York, rồi chu du Âu Châu trước khi trở về Nhật Bản (tháng 4-1909). Tại Paris, ông miệt mài nơi Thư Viện Quốc Gia (Bibliothèque Nationale) mà sao chụp và nghiên cứu các kinh Phật bằng Hán ngữ cổ đại. Tại London, ông phiên dịch quyển Heaven and Hell (Thiên đàng và Địa ngục) của Emanuel Swedenborg sang Nhật ngữ, giúp cho Hiệp hội Swedenborg (Swedenborg Society). (Về sau, năm 1920, Hiệp hội Swedenborg đã mời ông trở lại London tiếp tục giúp họ phiên dịch các tác phẩm của Swedenborg.)
          Tháng 4-1909, Suzuki hồi quốc và trở thành giảng viên Anh ngữ tại trường Peer’s School (nay là Đại học Gakushūin : 
學習院  (Học Tập Viện) ;  rồi ông dạy tại Đại học Hoàng Gia Đông Kinh (Tōkyō Imperial University). Năm 1910 ông trở thành giáo sư thực thụ tại Đại học Gakushūin.
          Năm 1911, tại Nhật Bản, ông kết hôn với Beatrice Lane, một nhà thần học đã tốt nghiệp Đại học Radcliffe. Ông và bà không có con.
          Ông bà Suzuki tá túc ở thiền viện Engakuji cho đến khi thiền sư Sōen tạ thế (năm 1919). Sau đó ông bà dọn đến Kyōto (Kinh Đô). Nơi đây Suzuki trở thành giảng viên rồi sau đó thành giáo sư thực thụ của Đại học Ôtani. Theo sự hối thúc của một người bạn – triết gia Nishida Kitaro – Suzuki dọn đến ở tại Kyōto và rồi trở thành giáo sư năm 1921.
          Cũng trong năm 1921, hai ông bà sáng lập tờ The Eastern Buddhist (Phật tử Đông phương), một quý san bằng Anh ngữ, truyền bá Phật pháp cho người Tây phương. Loạt bài đầu tiên của ông là Essays in Zen Buddhism (Thiền Luận) sau đó được in tại London năm 1927. Hai loạt bài kế tiếp cùng tên in vào năm 1933 và 1934.
          Từ năm này, ông bắt đầu xuất bản nhiều sách về Phật giáo bằng Anh ngữ, ngoài bộ Essays in Zen Buddhism (Thiền Luận, 1927-1934) còn có :  Studies in the Lankāvatāra Sūtra (nghiên cứu kinh Lăng Già, 1933) ;  Zen Buddhism and Its Influence on Japanese Culture (Thiền và ảnh hưởng của Thiền đến văn hóa Nhật Bản, 1938). Quyển này về sau được hiệu đính và xuất bản dưới nhan đề Zen and Japanese Culture (Thiền và văn hóa Nhật Bản).
          Những trứ tác của ông, nhất là bộ Thiền Luận ba tập, khiến tên tuổi D.T. Suzuki lừng lẫy tại Anh Quốc.
         
Tháng 4-1936, ông được mời thuyết trình tại Hội Nghị Đức Tin Thế Giới (the World Congress of Faiths). Ở đây ông gặp gỡ Alan Watts (bấy giờ Alan mới 21 tuổi), và kết quả cuộc hội ngộ này là quyển sách đầu tay Alan Watts, nhan đềThe Spirit of Zen (Tinh thần của Thiền), xuất bản cuối năm 1936.
          Năm 1939, bà Suzuki qua đời, sau 28 năm gắn bó và tận tuỵ cộng tác với ông. Từ đó, ông trở về Kamakura và ẩn dật nơi này suốt thời gian Thế Chiến II xảy ra. Khi Thế Chiến II đang kết thúc, Suzuki viết quyển Nihonteki Reisei (Nhật Bản linh tánh, 1944), và năm 1972 đã dịch nó sang Anh ngữ với nhan đề Japanese Spirituality (Linh tánh Nhật Bản). Tác phẩm này hiện nay là sách thuộc loại kinh điển tìm hiểu tư tưởng tôn giáo Nhật Bản.
          Suzuki cũng viết rất nhiều về Tịnh Độ Tông
淨土宗 (Jōdoshū), nhất là về Tịnh Độ Chân Tông 淨土真宗 (Jōdo Shinshū). Ông đã phiên dịch tác phẩm chủ yếu của Shinran (Thân Loan, 1173-1262) – vị sáng lập hệ phái này – tức là bộKyōgyōshinshō :  Collection of Passages Expounding the True Teaching, Living, Faith, and Realizing of the Pure Land (教行信證 Giáo Hạnh Tín Chứng :  Tinh tuyển những áng kinh văn tường giải về chân giáo, lai sinh, đức tin, và hiện thực hóa Tịnh Độ).
          Về sau, năm 1973, Shinshū Ōtaniha
真宗大谷派 (Chân Tông Đại Cốc Phái) – một trong 10 chi phái của Tịnh Độ Chân Tông (Jōdo Shinshū) – đã xuất bản dịch phẩm này để tưởng niệm 800 năm ngày sinh của tổ sư Thân Loan 親鸞 (Shinran, 1173-1262).
          Năm 1949, Suzuki trở thành thành viên của Japan Academy (Nhật Bản Học Viện). Sau đó, ông dành nhiều thời giờ để thuyết giảng về Phật giáo Đại thừa tại Hoa Kỳ. Ông cũng vinh dự là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Columbia. Cũng trong năm 1949, ông đi Honolulu tham dự Hội Nghị Các Triết Gia Đông Tây (the East-West Philosopher’s Conference) tổ chức lần II, rồi năm sau (1950) ông giảng dạy tại Đại học Hawaii.
          Năm 1951, ông đi New York và thuyết giảng một loạt bài trong những hội thảo về Thiền tại Đại học Columbia. Tham dự các hội thảo này có hai nhà phân tâm học Erich Fromm và Karen Horney, nhà soạn nhạc John Cage, v.v…
          Cage đã nghe Suzuki giảng thuyết suốt hai năm tại đây và rất lấy làm tâm đắc với loạt bài giảng của ông. Năm 1952, Suzuki tổ chức một chuyến thuyết giảng luân phiên tại một số thiền viện ở Nhật Bản với sự cộng tác của Karen Horney. Không lâu sau đó bà Karen Horney qua đời. Còn Fromm vào năm 1957 đã tổ chức một toạ đàm về Thiền ở tư gia ông tại Cuernavaca (Mexico) với sự tham gia của Suzuki.
          Dần dần Suzuki kết giao được rất nhiều nghệ sĩ và học giả Tây phương, chẳng hạn như Carl Jung, Thomas Merton, Gary Snyder, Allen Ginsberg, Bernard Leach, v.v…
          Năm 1953, một nữ sinh viên Mỹ gốc Nhật tên là Mihoko Okamura – học trò của ông ở Đại học Columbia – đã trở thành thư ký riêng và biên tập cho các trứ tác của Suzuki. Lúc này Suzuki tạm trú tại nhà của Okamura ở Manhattan. Bố mẹ và chị của Okamura cũng sống chung tại đây. Những khi không phải đi đây đi đó, Suzuki về tạm trú tại đây, và cứ thế cho đến cuối đời; còn Okamura thì vẫn là thư ký riêng của ông.
          Sau khi về hưu, thôi giảng dạy ở Đại học Columbia (tháng 6-1957), ông đi Cambridge (Massachusetts) và giúp thành lập Cambridge Buddhist Society (Hội Phật Giáo Cambridge). Tuy về hưu nhưng ông rất hoạt động :  đi đây đi đó nhiều để thuyết giảng về Zen và tham dự hội nghị, v.v… mãi cho đến khi tạ thế vào năm 95 tuổi tại Tōkyō.
          Ngoài vai trò then chốt trong việc phổ truyền Phật giáo tại Tây phương, ông có đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu kinh Phật, như Gandavyūha (Nhập Pháp Giới Phẩm = Nyūhokkai-bon
入法界品) và Lankāvatāra-sūtra (Lăng Già Kinh = Ryōga-kyō 楞伽經). Ngoài ra, các trứ tác của ông đã tác động ngược trở lại tại Nhật Bản, khiến đại chúng quan tâm nhiều hơn về Phật giáo sau một thời kỳ dài mà việc nghiên cứu Thần Đạo chiếm vị thế lấn át trong việc nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản.
          Những trứ tác của ông bằng Nhật ngữ đã in thành một bộ 32 tập, nhan đề Suzuki Daisetzu Zensho
鈴木大拙全書 (Linh Mộc Đại Chuyết Toàn Thư), nhà xuất bản Iwanami Shoten. Các tác phẩm bằng Anh ngữ có trên 30 nhan đề, chẳng hạn An Introduction to Zen Buddhism (Nhập môn Thiền, in lần nhất năm 1934) và Zen and Japanese Culture (Thiền và Văn Hoá Nhật Bản, 1959), v.v…
          Phút lâm chung, D.T. Suzuki dặn dò những người xung quanh đừng lo lắng, rồi ông nói lời cám ơn mọi người và thanh thản ra đi.
          Quảng Chuyên Lê Ngọc Cảm
         
http://thuviengdpt.info/kho-tai-lieu-tong-hop/tai-lieu-phat-giao/phat-giao-viet-nam-tai-lieu-tham-khao/danh-nhan-phat-giao/cuoc-doi-daisetzu-teitaro-suzuki
.
          Các tác phẩm quan trọng của thiền sư Daisetz T. Suzuki :
          1. Essays in Zen Buddhism (Thiền luận), First-Third Series, London 1950/1953 ;
          2. tudies in the Lankavatara Sutra (Nghiên cứu kinh Lăng-già), London 1930 ;
          3. Introduction to Zen Buddhism (Thiền pháp nhập môn), Kyoto 1931 ;
          4. The Zen Doctrine of No-Mind (Giáo lí vô niệm), London 1949 ;
          5. Living by Zen (Thiền sinh hoạt), London 1950 ;
          6. Zen-Buddhism and Psychoanalysis (Thiền và Phân tâm học) ;
          7. The Essence of Buddhism (Cốt tủy của đạo Phật), London 1947 ;
          8. Zen and Japanese Culture (Thiền và văn hoá Nhật), Kyoto 1958 ;
          9. Studies in Zen (Thiền bách đề), London 1955.
          Tác phẩm của bà Beatrice Lane Suzuki :  Mahayana Buddhism
(Phật giáo Đại Thừa)