MN. đọc trong e-mail cuả bạn !
Chuyện Ông Đạo Dừa
Trước đây, ĐS15 (Đốc Sự khóa 15) (dường như Bác Cư) có chuyển một bài viết về
Ông Đạo Dừa. Lê Thành Nghiêm gợi ý tôi viết kể chuyện Ông Đạo Dừa. Cách nay
khoảng 2 tuần, trên diễn đàn Thụ Nhân 1-2, anh Kinh Nguyen có chuyễn bài viết
“Những ngày tù chung với Ông Đạo Dừa” của tác giã Hoàng Ngọc Giao, viết theo
lời kể của Ông Joseph Cao ở Paris. Tôi có vài nhận xét về bài viết này cũng như
có đôi điều viết thêm về Ông Đạo Dừa, kể lại những gì tôi được biết về Ông Đạo
Dừa, tức Tu Sĩ Nguyễn Thành Nam, các bạn có thì giờ rảnh xem chơi.
Kỹ sư Nguyễn Thành Nam lúc còn
trẻ
Tôi sinh năm 1943, suốt thời niên thiếu đến khi hết trung học 1964 tôi sống
ở Bến Tre.
Trong ký ức tôi còn nhớ, từ đầu thập niên 50, Bến Tre dưới thời Tỉnh Trưởng
người Pháp là Thiếu Tá Jean Leroy, phụ tá Nội An cho J. Leroy là Ông Tư Mưu,
tức Thiếu Tá Võ Công Mưu, có biệt danh là “Hùm Xám Bình Đại”, thân phụ Ông Võ
Long Triều (cựu dân biểu hạ viện đệ nhị CH, đơn vị Kiến Hòa). Ông Triều từng
nói chuyện xưng hô “toi, moi” với Nguyễn Cao Kỳ. Trước 1975 Ông Triều là chủ nhiệm
nhật báo Đại Dân Tộc, cùng vài “ báo chí bạn bè” như Điện Tín, Đối Diện... mấy
tờ báo có nhiều ngòi bút được mài sắc nhọn “đâm sau lưng chiến sĩ” khi mũi súng
họ đang hướng về phía quân thù.
Khoảng gần cuối thập niên 50, chắc khoảng 1958, (hay 1959?), Ông tôi bệnh nằm
điều trị ở BV Nguyễn Đình Chiểu (Kiến Hòa) dãy A, song song với đường chính
trước BV. Một hôm ngưới ta đưa Ông Đạo Dừa vào dưỡng bệnh. Dãy nhà này mỗi phòng
có 2 giường bệnh nhân. Ông Đạo Dừa không chịu vào nằm phòng mà yêu cầu được
ngồi thiền tọa ngoài hành lang. (Nghe nói là trước đó Ông Đạo Dừa bị giữ ở Ty
CSQG Kiến Hòa một thời gian).
Ông Đạo Dừa, tức Tu Sĩ
Nguyễn Thành Nam
Ông Đạo Dừa ngồi trên tấm đệm vải có chổ tựa lưng, choàng chiếc áo vàng một tay
để ra ngoài, tóc Cậu Hai rất dài, xoắn, quấn quanh đầu, phần cuối còn vấn thành
búi tóc phía sau, có khi búi tóc nằm trên đỉnh đầu. Cậu không tịnh khẩu, vẫn
nói chuyện bình thường, nhiều người hiếu kỳ đi ngang ngừng lại nhìn, có người
hỏi chuyện. Cậu Hai đeo một “bình bát” ngang thắt lưng, có người hỏi, Cậu trả
lời là đựng mấy thứ cần thiết, có vé máy bay từ Pháp về....Mỗi ngày Cậu Hai
được BS khám bệnh như những bệnh nhân khác.
Ngồi tịnh thiền ở hành lang được ít hôm, có lẽ vì người hiếu kỳ làm bận rộn
(?), Cậu Hai Đạo Dừa yêu cầu được lên ngồi trên auvent bên trên lối vào chính
của dãy A. Đệ tử phải dùng thang để Cậu Hai leo lên. Tôi không rõ BS có leo
thang lên để khám bệnh cho Cậu hay không, và tôi cũng không rõ việc vệ sinh cũng
như ẩm thực của Cậu Hai như thế nào.
Khoảng đầu thập niên 60 tôi có nhiều dịp đi Mỹ Tho qua lại phà Rạch Miểu. Ngày
ấy, phía đuôi Cồn Phụng còn là đất phù sa mới bồi, toàn là những cây bần và hai
bên cồn giáp sông Tiền có xen cây lá dừa nước, cả phía trong cũng chưa có gốc
dừa nào cao, dân cư không thấy ai. Hình ảnh Ông Đạo Dừa ngồi lơ lửng trên ngọn
dừa đong đưa qua lại trong gió qua nhiều năm tháng (!) trên Cồn Phụng - như bài
viết của Ông Hoàng Ngọc Giao :” Ổng ngồi như thế đã mấy năm trời...” tôi chưa
bao giờ thấy. Hay là Ông Joseph Cao thấy trong giấc mơ? Tôi nghe nói lúc đó Ông
Đạo Dừa ngồi trên ngọn dừa ở Phước Thạnh, sau có lúc Ông qua ấp 3 Xã Hữu Định.
Còn bài viết thì nói ngồi ở Cồn Phụng từ thời thuộc Pháp (?!) mà chính nhân vật
Joseph Cao có thấy (?).
Xã Phước Thạnh là một cù lao dài chia đôi dòng chảy sông Ba Lai cho đến giáp
Kênh Chẹt Sậy (chảy ra Vàm Giao Hòa), một bên là xã Hữu Định, một bên là xã An
Phước. Vùng này thuở thanh bình vườn tượt trù phú, dừa lâu năm có những cây cao
đến 15m, 20m như vùng Long Phụng Bình Đại. Thời chiến tranh, xã Phước Thạnh
triền miên mất an ninh, nơi trú ẩn của du kích, nhiều mìn bẩy, có lúc là vùng
oanh kích tự do, dân làng phải đi lánh nạn qua xã An Phước hay nơi khác.
Khoảng năm 1963, Ông Đạo Dừa dời cơ sở tu hành về Cồn Phụng. Phía đuôi cồn,
đám cây bần được đốn đi, dựng lên một sàn gỗ khá rộng lộ thiên, là nơi các đạo
hữu tập trung bái lạy tu tập. Nơi đây về sau được cải sửa lại qui mô, cừ beton,
sàn được gia cố chắc chắn. Vài kiến trúc được dựng lên như “Cửu Trùng Đài”,
vườn hoa, cây cảnh, có một độc bình cao khoảng 2 m vỏ ngoài được ghép bằng mảnh
vở của chén đĩa kiểu rất công phu như kiến trúc trang trí chùa Vĩnh Tràng. Hai
bên sàn lộ thiên có xây hai trụ tròn to, cao khoảng 10 m, trên đỉnh mỗi trụ có
một tháp nhỏ để Cậu Hai tọa thiền ban đêm, trước 12 giờ đêm Cậu Hai tọa thiền
trụ “Sài Gòn”, sau 12 giờ đêm Cậu sang trụ “Hà Nội”!Trụ Sài Gòn có cầu thang
leo lên. Giữa hai trụ có cầu bắc ngang, có khung sắt hình vòm được gắn bên trên
là “Chùa Nam Quốc Phật”, phía dưới có dòng chữ “BẤT CHIẾN TỰ NHIÊN THÀNH” bằng
kim loại gắn chặt vào lan can cầu, không phải là tấm biểu ngữ (banderole) như
Ông Hoàng Ngọc Giao viết.
Khách qua lại phà Rạch Miểu thường thấy đệ tử Cậu Hai tụ tập quì lạy theo tiếng
chuông đánh vang rền trên mặt sông.
Sau nầy, chắc khoảng 1966, Cậu Hai có mua đấu giá một xà lan khá lớn (không
phải tàu sắt như Ông Giao viết), của quân đội Đại Hàn, kéo về neo đậu trước mũi
Cồn Phụng, được thiết kế sửa sang lại, thêm một ít công trình trang trí, cũng
là nơi Cậu Hai tọa thiền ban ngày.
Có lần Cậu Hai rời Cồn Phụng vượt biên giới Tây Ninh sang Cam Bốt, nghe nói Cậu
Hai định gặp Quốc Vương Sihanouk nhờ giúp phương tiện ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh
“hiến kế hòa bình”. Bị cảnh sát Cam Bốt bắt, trục xuất về VN. Cậu Hai cũng dự
định lên tọa thiền trước Dinh Độc Lập. Bởi lý do đó, Cậu Hai bị chính quyền
quản thúc không chính thức, không cho đi khỏi Cồn Phụng.
Đầu năm 1974, tôi được thuyên chuyễn về quận Trúc Giang (Kiến Hòa). Cồn Phụng
là ấp Tân Dinh (không phải “Tân Vinh”), xã Tân Thạch, thuộc lãnh thổ quận Trúc
Giang, cũng vì thế mà tôi có lần gặp và nói chuyện với Ông Đạo Dừa.
Cồn Phụng tương đối nhỏ, là địa bàn an ninh tốt, vì chung quanh là sông nước,
du kích VC không có đường thoát thân nếu bị truy bắt. Trong khu vực Ông Đạo
Dừa, dù là vườn tượt với lối đi còn là đường đất, Ông cũng đặt tên đường Tự Do,
đường Thống Nhất, đường Độc Lập, đường Hòa Bình.... Ở đó, việc tham mưu, an
ninh, tiếp tân do “Dượng Tư” (em rễ Ông Đạo Dừa) và “Cô Diệu” (cháu Ông Đạo
Dừa) phụ trách, có máy phát điện riêng, có hệ thống interphone nội bộ, hệ thống
canh gác ngày đêm và chuông loa báo động....
Dân chúng những nơi mất an ninh đổ về đó định cư lánh nạn chiến cuộc khá đông,
và phần lớn, thôi thì ở đó cũng làm đệ tử Ông Đạo Dừa luôn! Cũng có một ít
người nước ngoài có lẽ vì hiếu kỳ đến “tham quan”, có khi ở lại đôi ba hôm, mặc
áo nâu sậm, người ta lầm tương là đệ tử Ông Đạo Dừa! Mặt khác, Cồn Phụng cũng
là nơi ẩn náu khá an toàn cho một số binh sĩ đào ngũ và thanh niên trốn quân
dịch, năm 1974 ước tính có đến khoảng hơn trăm người, họ cũng qui y làm đệ tử
Ông Đạo Dừa luôn! mặc áo màu nâu chàm có chữ “TU TÙ” sau lưng. Lương thực thực
phẩm do gia đình tiếp tế. Biết thân không hợp pháp, nói chung họ không làm gì
mất trật tự trị an tại Cồn Phụng.
Việc truy bắt để truy tố thành phần nầy không khó khăn gì, nhưng Cồn Phụng được
coi như cơ sở tôn giáo nên đụng chạm đến thì khá phiền hà. Dù vậy, nhiều khi
cũng có những cuộc khám xét lục soát phối hợp An Ninh Quân Đội (ANQĐ), Cảnh Sát
Quốc Gia (CSQG) quận, và xã ấp. Những cuộc bố ráp nầy thực ra là chỉ muốn “răn đe”
để thành phần đào ngũ, trốn quân dịch không gia tăng ở đây, còn bắt bớ thì ít
khi xảy ra, bởi mỗi lần bố ráp họ báo động và chạy nhanh đến chỗ sân cầu kinh,
quì lạy, “đọc kinh” liên tục! Lực lượng an ninh thì không có lệnh lên nơi cầu
nguyện đó để bắt họ!
Có một lần tôi tham dự ”hành quân’ với muc đích là quan sát việc làm của anh
em. Để tránh bị nhận diện tôi mặc quân phục, mũ lưỡi trai. Tuyến xuất phát là
cầu bắc phía Tân Thạch lúc 12 giờ rưởi đêm. Khoảng hơn hai mươi nhân viên xuống
hai chiếc ghe và âm thầm tách bến sang Cồn Phụng.
Ghe ra chưa được giửa sông, Cồn Phụng báo động, đèn điện bật sáng, chuông đánh
vang rền, nhiều thanh niên từ khu dân cư ào ào chạy xuống nơi cầu nguyện lộ
thiên trước xà lan ngoài đuôi cồn. Họ quì xuống, tiếng cầu kinh được khuếch đại
âm thanh bằng mấy chiếc loa lớn:
“Nam mô Phật Chúa cứu khổ cứu nạn đồng đạo chúng con bị nhà cầm quyền Kiến
Hòa bao vây tại chùa Nam Quốc Phật Cửu Long Giang Amen.”
Chỉ mỗi “câu kinh” duy nhất đó được lập đi lại nhiều lần cùng tiếng chuông vang
rền trong đêm! Tôi cùng Ông Xã Trưởng Tân Thạch, Trưởng cuộc CSQG đi đến nơi họ
cầu nguyện để quan sát, Cậu Hai xuất hiện, chống gậy đi tới lui. Trung Uý Thân
(Trưởng Cuộc CSQG) nói: "Thôi mình đi, để Ổng lại nói chuyện lôi thôi mất
công”! (Trung Úy Thân hiện ở Covina).
Việc giữ gìn quản thúc Cậu Hai Đạo Dừa có một tiểu đội giang cảnh, và 1 tàu
giang cảnh do Trung Úy Huỳnh Quang Huỳnh (hiện ở Florida) đảm trách. Cũng trong
năm 1974, có một lần Cậu Hai lẽn xuống chiếc ghe giả vờ chở trái cây đưa Cậu
Hai rời Cồn Phụng. Ghe chạy hướng về Cồn Qui phía Nam. Một chập sau binh sĩ
phát hiện, tàu giang cảnh đuổi theo, đến địa phận xã Quới Sơn, ghe chở Cậu Hai
bị ép quay trở về Cồn Phụng. Không biết có toan tính gì trước không, binh sĩ
thuật lại có tiếng súng du kích VC trong vườn bắn ra, nhưng vô sự.
Năm 1974, một hôm Xã Tân Thạch có phiếu trình, nội dung là Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) ấp Tân Dinh ban
đêm đi tuần tra bị đệ tử Cậu Hai tịch thu 1 súng carbin. Sáng hôm sau Xã
sang lấy lại thì súng bị Cậu Hai ra lệnh cho đệ tử cưa mất phần nòng súng. Quận
tiếp trình lên Tỉnh và nhận chỉ thị đi gặp Ông Đạo Dừa lưu ý đương sự về hành
vi phá hoại vũ khí quân dụng.
Ông Quận Trưởng (Thiếu Tá Nghê Hữu Cung, K17 VBĐL) bận hành quân, cử tôi đi gặp
Ông Đạo Dừa.
Tôi sang Cồn Phụng cùng Xã Trưởng Nguyễn Văn Minh (sau 30/4, Minh bị bắt giam ở
BCH CSQG quận khoảng vài tháng, bị đem thủ tiêu mất tích), và Trung Úy Thân,
trưởng cuộc CSQG.
“Cô Diệu” và “Dượng Tư” hướng dẫn chúng tôi đi gặp Cậu Hai đang ngồi ở cuối xà
lan. Chúng tôi ngồi ở mấy chiếc ghế đối diện Ông Đạo Dừa (Ông Đạo Dừa ngồi một
mình, không có hai đệ tử đứng hầu hai bên như bài viết của Ông Giao). Tôi thực
sự cũng không quan tâm những gì trên xà lan, chỉ thấy chiếc lồng trong đó có
con mèo nhỏ và mấy con chuột nhốt chung.
Tôi mở đầu với lời chào xã giao và hỏi thăm sức khỏe Cậu Hai. Cậu Hai nói: “Cậu
Hai không có bệnh hoạn gì hết, Trời Đất sinh Cậu Hai ra để mưu tìm hòa bình,
Cậu Hai rất khỏe!”.
Tôi hỏi thêm: “Đêm Cậu Hai có ngủ được nhiều không?” – “Đêm Cậu Hai không
ngủ, Cậu Hai tọa thiền đầu hôm ở Sài Gòn, qua nửa đêm ra Hà Nội.” (Ông Đạo Dừa
đưa tay chỉ hai trụ cột Sài Gòn, Hà Nội).
Thấy trụ Sài Gòn có thang leo lên, tôi hỏi: “Cậu Hai tuổi cao sao Cậu Hai leo
lên nỗi?”.
“Không, Cậu Hai đi bằng hỏa tiễn!” (Đệ tử Cậu Hai có hàn một lồng sắt hình
khối tròn giống như phi thuyền Apollo, có ròng rọc, Cậu Hai vào ngồi bên trong
và đệ tử kéo lên!).
Bắt đầu câu chuyện, tôi nói tôi đại diện Thiếu Tá Quận Trưởng đến gặp Cậu Hai
để lưu ý Cậu Hai về việc cưa mất nòng súng như phiếu trình của Xã Tân Thạch.
Hành vi phá hoại vũ khí quân dụng là phạm pháp và lưu ý Cậu Hai không để việc
ấy tái diễn. Cậu Hai nói: “Cậu Hai biết chớ, phá hoại vũ khí là có tội, nhưng
khu vực Cậu Hai là khu vực hòa bình, phi quân sự!”
Tôi nói: “Cậu Hai cũng biết là việc giữ gìn an ninh lảnh thổ, trật tự tri an là
nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền. Những ai gây trở ngại cho việc ấy là đối
tượng bị truy tố, Quận mong rằng Cậu Hai lưu ý các đệ tử không được có hành vi
cản trở.”
Có vẽ “bí lối”, Ông Đạo Dừa chuyễn sang chuyện khác. Ông nói:” Đệ tử Cậu Hai
mặc áo sau lưng có chữ “TU TÙ”, nghĩa là đi tu cũng cực khó như ở tù vậy. Bây
giờ Cậu Hai yêu cầu Ông Phó Quận điều này, Ông về làm phiếu trình lên Tỉnh, rồi
theo hệ thống hành chánh, Tỉnh trình lên Bộ Nội vụ, Bộ Nội Vụ trình Thủ Tướng,
Thủ Tướng trình Tổng Thống hỏi lý do tại sao quản thúc Cậu Hai ở Cồn Phụng,
không cho đi đâu hết?”
Tôi cười nhẹ: ”Thưa Cậu Hai, chuyện này dễ quá, có gì đâu mà làm phiếu trình,
Quận có thể trả lời ngay. Cậu Hai là nhà tu hành, có nhiều uy tín với tín đồ,
đệ tử khá đông, Cậu Hai có thể là mục tiêu của VC và bọn phá hoại, chúng có thể
ám hại Cậu Hai rồi vu cáo cho chính quyền, gây bất ổn, thế nên chính quyền phải
giữ Cậu Hai ở đây cho an toàn!”
Ông Đạo Dừa có vẽ không hài lòng: “Mà Cậu Hai không muốn như vậy!”
Nói chuyện với Ông Đạo Dừa khoảng hơn nửa giờ, chúng tôi cáo từ và nhắc lại
việc Ông cần lưu ý các đệ tử.
Cũng trong năm 1974, Ông Đạo Dừa có cho in một tờ “bướm” khổ giấy A4 ( tôi có
xem) ghi là “Thuyết Cửu Trùng”. Chẳng có chữ nào giải thích, nhưng qua nội dung
có thể hiểu được như sau: Lấy hai chữ số của năm cộng lại kết quả là 9 thì năm
đó có biến cố lớn. Nội dung tờ bướm chỉ có mấy dòng tôi còn nhớ:
“
1918: 1+8 = 9 ( Chấm dứt thế chiến thứ 1)
1945: 4+5 = 9 (chấm dứt thế chiến thư 2 )
1954: 5+4 = 9 (ký kết hiệp định Genève)
1963: 6+3 = 9 (Đảo chánh Ông Ngô Đình Diệm)
1972: 7+2 = 9 (Chiến cuộc dữ dội)
1973: 7+3 = 10 ??? (ký kết hòa đàm Paris) “
Tôi nực cười khi xem dòng cuối cùng: “7+3 = 10 ???”, cũng chẳng có lời giải
thích nào cả!! Thật quả khôi hài!
Trong thời gian làm việc ở Trúc Giang tôi còn nghe nhiều chuyện về Ông Đạo
Dừa, nhưng vì là tin đồn trong dân chúng, không kiểm được độ xác tín nên tôi
không kể rõ. Vì dụ: Hòa đàm Paris kéo dài không kết quả, Ông cho đệ tử đóng một
bàn dùng làm hội nghị gồm nhiều thứ gỗ như: gỗ “u” (có thể hiểu là: u nần), gỗ
trắc (trắc trở), gỗ dừa (vừa phải), gỗ thông (thông suốt, giải tỏa), Ông hô hào
kêu gọi 4 bên tham dự hoà đàm Paris dời nơi hội họp về Cồn Phụng, đổi tên là
“Hòa Đàm Mỏ Neo Ba Lai” (nhái theo âm Genève và Ba Lê) thì mọi việc sẽ thông
suốt! Chuyện khó hiểu nỗi !!!
o O o
Sau 30/4, khoảng giửa tháng 6/75, tôi cùng hầu hết anh em vào trại tù tập
trung. Trại đầu tiên là Trại Bến Tranh, ít lâu sau có bảng đề “Trại Quảng Giáo”
(chữ nghĩa từ rừng rú). Trại nầy nguyên là trụ sở HC và Chi Khu Quận
Phước Hưng, trước đó là căn cứ hỏa lực pháo binh diện địa, xung quang mấy lớp
rào kẽm gai đầy mìn bẩy.
Toán lao động của tôi gồm hầu hết là anh em HC: Anh Luận ĐS4 (qua đời), NV
Thiện, ĐS11 (Oregon), Hồ Kim Sơn, ĐS12 (qua đời), Nguyễn Diệm, ĐS13 (Dallas),
tôi ĐS15, Nguyễn Tấn Ngoan ĐS16 (N. Carolina), Bùi Quang Hiếu, ĐS18 (mất liên
lạc), 1 sĩ quan biệt phái và 2 trưởng cuộc CSQG. Trại viên cuối cùng tôi muốn
kể anh em nghe chơi là Nguyễn Thanh Vân, một bạn tù mà thoạt nhìn cũng đoán
biết là đệ tử Ông Đạo Dừa.
Vân trạc tuổi tôi, đẹp trai, mày rậm, tóc dài túm lại bằng sợi dây thung phía
sau ót, có khi búi thành cái chignon lủng lẳn. Bởi không quen ai, mấy ngày đầu
anh lầm lì không nói chuyện, ăn cơm thì anh chỉ lấy 1 chén rồi ra ngồi riêng
một mình ăn với muối tiêu, (mà thực ra thức ăn cũng chẳng có gì để chia xẻ).
Vân thường mặc quần áo bà ba trắng nhạt màu, có khi màu nâu chàm.
Một buổi tối chúng tôi ngồi uống trà dưới khu nhà bếp, Vân ngồi thiền gần đó.
Tụi tôi mời đương sự sang uống trà chơi. Tôi hỏi:
- Tôi thấy anh sao giống đệ tử Ông Đạo Dừa quá?
- Đúng vậy, tôi là đệ tử Cậu Hai lâu rồi, trốn quân dịch.
- Ủa vậy sao mấy Ổng bắt anh vô đây? Tội gì?
- Tội Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng!
- Trốn quân dịch mà sao làm Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng? Ai phong chức cho anh vậy?
- Mấy thằng cháu tôi!
- Tiểu Đoàn anh có bao nhiêu lính?
- 4 đứa! (Vân đưa bàn tay xòe 4 ngón ra).
- Được mấy cây súng?
- Chưa có, đang đi kiếm, mấy thằng cháu tôi dụ thằng
du kích cũng cháu tôi có súng gia nhập, nhưng bị nó tố cáo nên tôi bị bắt!
- Cậu Hai có can thiệp gì cho anh không?
- Can thiệp gì? Ổng cũng bị bắt luôn rồì, giam ở Cần
Thơ.
- Ủa Cậu Hai mà sao cũng bị bắt?
- Sau 30/4, mấy Ổng gặp Cậu Hai, nói Cậu Hai đi tu để
mưu tìm hòa bình, bây giờ có hòa bình rồi Cậu Hai nên về quê nghỉ, giao Cồn
Phụng lại cho cách mạng quản lý. Cậu Hai đâu có chịu, nhất định không giao. Vậy
nên bị mấy Ổng bắt!
- Sao anh biết Ông Đạo Dừa bị giam ở Cần Thơ?
- Thì nghe người ta nói vậy!
Trại viên Nguyễn Thanh Vân trong toán chúng tôi được
tụi tôi phong tặng là “đạo sĩ”, nhân vât khá đặc biệt, chuyện trò với Ổng cũng
vui vui, (đở buồn những ngày ở tù!), chuyện gì trên trời dưới đất Ông ta cũng
biết, nói năng hoạt bát như một người hùng biện. Ổng chỉ cho tụi tôi cách đối
phó tay không bắt cướp, khi đi đường ban đêm gặp ma, chỉ tụi tôi cách phản ứng
khi đi trong rừng gặp cọp, sư tử!
- “ Này, nếu đi đêm thấy ma,
thường thì ma chỉ nhát người yếu bóng vía, còn ai “nặng” vía thì ma nó sợ. Nếu
thấy ma thì bàn tay mình “ bấm ấn”như thế này (Vân đưa bàn tay ra chỉ cách bấm
ấn), rồi miệng đọc thần chú: “Án ma ni mạc ri hồng” ???? (tôi cũng không biết
là cái gì nữa!)...Ma nó sợ và biến mất!
“Còn nếu đi trong rừng gặp cọp, sư tử thì nhất thiết mình phải bình tĩnh, kiếm
một cây tầm vông hoặc cây tre, mà tre đực mới được, dài chừng hai
thước...không, không.. chắc phải hai thước hai (!), vạt nhọn một đầu, anh xuống
tấn, ngồi thủ thế như thế này, (Vân đứng lên chỉ cách xuống tấn và thủ thế!),
rồi đứng lên như mình sẳn sàng tấn công nó. Cọp sư tử nó cũng khôn, thậy vậy nó
sợ và bỏ đi!..”
- Gặp cọp mà chờ mình đi kiếm cây tầm vông hay cây tre
đực như anh nói thì nó đã thịt mình rồi?
- À há! Mình phải lo trước!
- Mà đạo sĩ có bao giờ thấy ma ban đêm và gặp cọp
trong rừng chưa?
- Chưa! (Đạo sĩ lắc đầu trả lời ngắn gọn và tĩnh bơ)
Tụi tôi ngồi cười thoải mái,
thán phục cái tài “nói dóc” của đệ tử Ông Đạo Dừa! (Sau một thời gian tôi được
chuyễn trại, Vân còn ở lại. Khi ra tù nghe nói đạo sĩ Nguyễn Thanh Vân cũng
được thả về ở Tân Thạch và qua đời vì bệnh lao phổi. Thôi viết mấy dòng để
tưởng niệm đạo sĩ nhưng ngày ở tù chung!
Cơ sở Cồn Phụng sau này trở thành Nhà Nghỉ Công Đoàn, còn chiếc xà lan được
kéo về làm Nhà Hàng Nổi trên sông Bến Tre cho quỉ ma và những kẻ có nhiều tiền
nhậu nhẹt, xem mấy chiếc ghe dân nghèo xuôi ngược chở chuối, chở trái cây kiếm
ăn...
o O o
Thưa các bạn, viết đến đây cũng khá dài dòng, tôi xin kết với mấy dòng sau:
Trong bài viết của Ông Hoàng Ngọc Giao, Ông tôn vinh Ông Đạo Dừa là một chí sĩ
yêu nước(?). Tôi không biết Ông Giao căn cứ vào cái gì từ Ông Đạo Dừa mà lượng
giá Tu sĩ Nguyễn Thành Nam cao như vậy?
Là một chí sĩ yêu nước tôi nghĩ phải có công trạng gì đáng kể vì dân tộc,
vì đất nươc, có lý tưởng tranh đấu: độc lập, hòa bình, dân giàu nước mạnh....
phải có kế sách, phương pháp đấu tranh cho mục tiêu của mình...
Còn Tu sĩ Nguyễn Thành Nam, từ Pháp về, không rõ chính xác có bằng kỹ sư không
nữa, ( bởi tôi có nghe Ông bị trục xuất vì tham gia các phong trào tả
khuynh, phối kiểm việc này không khó gì nhưng đâu có ai làm chi cho mất công).
Ông ngồi trên ngọn dừa mưu tìm hoà bình, hô hào hòa đồng tôn giáo, chủ
trương bất chiến tự nhiên thành. Tôn giáo nào cũng có Đức Tin riêng, hòa đồng
tôn giáo là làm sao? Giáo lý Đạo Dừa là cái gì? Kinh kệ gì mà khởi đầu “Nam mô’
rồi kết thúc là “A men”? Bất chiến tự nhiên thành? Thành sao nỗi? Kẻ thủ ác
quyết tâm dùng mọi thủ đoạn, bạo lực trấn áp và để thanh toán đối thủ thì ngồi
im như Ông chỉ là chờ đợi cho nó “thịt” nhẹ nhàng!
Với tôi, tu sĩ Nguyễn Thành Nam chỉ là người lập dị. Ăn rau quả thì cũng được
thôi, nhưng chỉ uống nước dừa, trong khi nhân loại uống nước lã; đun nấu thức
ăn cũng dùng những ngọn nến đốt bằng dầu dừa, đầu hôm tọa thiền ở Sài Gòn, nửa
đêm thì sang Hà Nội! Một năm tắm gội một lần!
Theo cá nhân tôi, Ông Nguyễn Thành Nam chỉ là một người hoang tưởng, tâm thần
bệnh hoạn, không bình thường. Đã vậy, nghe nói trước khi “tịch” Ông còn dặn đệ
tử phải táng Ông ở thế ngồi thiền, để vào một tòa tháp, và cũng nghe nói nhục
thân Ông sau nhiều năm cũng không bị phân hủy(?). Sao Ông không dặn đệ tử ướp
xác và xây lăng cho ngang hàng với người ta?!
Được biết Ông Đạo Dừa bị giam ở Cần Thơ một thời gian, sức khỏe yếu kém, Ông
được thả ra về quê và qua đời sau đó ở quê nhà.
Mộ của tu sĩ Nguyễn Thành
Nam
Thôi nhé! Các bạn thông cảm, hơi mất thì giờ. Hầu hết anh em bây giờ cũng
quá tuổi 70 rồi. Thời gian không còn nhiều. Mới đây, trong bài viết về nhiếp
ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh của nhà văn Giao Chỉ (San Jose) có hai câu thơ ngẫm
cũng hay hay: “Giải nắng hoàng hôn chưa vội tắt, Mà lời vĩnh biệt đã lên môi!”.
Cũng may, chứ nếu hồi xưa lúc ở trại Bến Tranh tôi bị vong mạng trong dòng nước
Hàm Luông khi đi xuồng qua vàm Rạch Heo giửa lúc mưa to gió lớn thì bây giờ đâu
còn ngồi kể chuyện lang thang các bạn xem chơi.
Hôm nay, ngày 6/3. 40 năm trước, Cộng quân đang vượt biên giới Dak Mil với
những trận địa pháo cường tập và tràn ngập quận lỵ Đức Lập của Nguyễn Thắng
Hiền ngày 8/3, rồi BMT, rồi di tản Cao Nguyên. Và chỉ trong 10 ngày thôi, từ
16/3 đến 26/3, mời các bạn vào xem ký ức “Tháng Ba Gảy Súng” của Cao Xuân Huy -
tôi không quảng cáo cho Cao Xuân Huy đâu - nhưng nếu chưa xem thì các bạn thử
xem, có khi đang đọc bổng bật cười, rồi chợt nhận ra dòng lệ mình đã tuôn dài
trên má, những ngày sau cùng bi tráng của những chiến sĩ anh hùng trên cửa biển
Thuận An.