MN: đọc trong e-mail cuả bạn.............!
Thăm chồng tại Trại tù “cải tạo” Tân Lập
Bích Lan
“Thương anh mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”
Đường Saigon - Hà Nội dài hơn 1700 km, có mấy núi, mấy sông, ngàn vạn
cái đèo cũng không ngăn được bước chân những chinh phụ đi tìm chinh phu
trong ngục tù của VC. Năm 1979, tôi từ Nam ra Bắc lần đầu tiên, xuống ga
Hà Nội, tới bến xe Kim Liên để về Ninh Bình, quê chồng, nơi mà năm 1954
khi đình chiến anh mới được 12 tuổi mà đã một mình dám theo các cô chú
họ hàng vào Nam, xa lìa cha mẹ anh em. Hơn 20 năm sau, anh trở về quê
hương đất Bắc tay trong cùm, chân mang xích. Tôi đến Ninh Bình để đón mẹ
chồng cùng lên thăm chồng tôi ở trại Tân Lập, vì bố mẹ chồng tôi đã
thăm anh mấy tháng trước và đã biết được trại tù này.
Thân gái dặm trường nên khi xuống ga Hà Nội, tôi nhìn quanh để tìm bạn
đồng hành, tất cả lem luốc như có gì mặc nấy, thanh niên, thiếu nữ, ông
già, bà lão v.v.. mặc giống nhau, cùng một mầu, mầu “bộ đội” với dép
râu, nón cối, xe đạp. Tôi thoáng trông thấy một chị y phục tươm tất nổi
bật trong đám đông ấy và có lẽ chị cũng cùng tâm trạng, cùng hoàn cảnh
như tôi khiến chúng tôi tiến gần lại nhau, và chúng tôi là những chinh
phụ đi tìm chồng giữa chốn “hỗn quân”. Đám đông nhìn chúng tôi, người Hà
Nội nhìn chúng tôi với thái độ vô cảm, họ chỉ trỏ, soi mói, thì thào
với nhau, họ biết chúng tôi là người từ miền Nam, người Sài Gòn, “Vợ
ngụy”. Chúng tôi đứng với nhau một lúc cảm thấy mình không lẻ loi; rồi
chị bạn có thân nhân ở Hà Nội đón và tôi lại cô đơn, một mình.
Ở bến xe Kim Liên, những đứa nhỏ bằng tuổi con tôi, từ 7 tới 10 tuổi,
chúng líu lo chen chúc quanh tôi nghe rất là dễ thương, tôi đã nép mình
sang một bên đường và nhường lối cho chúng đi qua nhưng vẫn bị chen lấn.
Mấy phút sau chúng tản mát đâu hết, tôi chưa kịp hỏi han các em lời
nào. Thấy các em, tôi nhớ đến con tôi, mới đi có mấy ngày mà nhớ con
quá, các con còn nhắc mẹ là nhớ hôn bố thay các con.
Tôi nhìn lại túi xách tay nhỏ, chết rồi! Tiền bạc và giấy tờ của tôi đã
mất! Không lẽ những trẻ thơ chỉ bằng con mình đã lấy của mình rồi chăng?
Nhưng ngoài các em ra, có ai chen lấn gì tôi đâu, nhưng tôi đã mất đồ
thật rồi! Trong cảnh bơ vơ, lần đầu tiên về quê chồng nơi xứ Bắc này tôi
phải làm gì đây? Tôi vào đồn công an bến xe Kim Liên để khai báo. Mấy
người công an tiếp tôi hờ hững như chẳng có chuyện gì quan trọng, như là
chuyện thường ngày, một người đưa cho tôi tờ giấy và cây viết, cộc lốc:
- Khai đi.
Mấy phút sau, tôi nộp lại tờ khai mất giấy tờ, tiền bạc và quan trọng
nhất là giấy xin thăm nuôi, tên công an vừa đưa tờ giấy và viết cho tôi
trước đó 15 phút quát:
Tôi bảo chị mất cắp gì thì khai vào tờ giấy này, còn lôi thôi gì nữa không?
Tôi trả lời: “Tôi khai rồi đây này”.
Hắn cầm tờ giấy lật qua lật lại, nhìn tôi chầm chầm, mấy tên ngồi gần đó
và cả mấy tên đứng quanh đó trố mắt nhìn tôi, một tên nào đó thốt lên:
- Nhanh thế!
Tôi không quan tâm tới gì họ nói, họ muốn “khai” bao nhiêu tôi “khai”
cho họ là xong, nhưng trước mắt, không giấy tờ tiền bạc làm sao tôi về
đến quê chồng, và còn vào trại tù thăm chồng trong lúc khó khăn này!
Tôi đứng chơ vơ lẻ loi trong đám đông hỗn độn và hỗn hào trong bến xe,
cùng tắc biến, tôi hỏi thăm đại một người đường về quê chồng. Trời
thương, may gặp được người cùng làng của cha mẹ chồng, vài lời thăm hỏi,
và biết hoàn cảnh của tôi, bác đã nhận lời giúp trả tiền xe và đưa tôi
về nhà cha mẹ chồng. Bác an ủi tôi, bác bảo:
- Bác là người cùng làng, cùng họ hàng nên cháu đừng sợ.
Tôi cảm thấy bớt cô đơn.
Ngồi trong cái xe cũ kỹ về Ninh Bình, đến một làng có ngôi thánh đường
khá lớn, xa xa có dãy núi, trên đỉnh núi thật cao ấy có cây thánh giá
sừng sững giữa trời. Làng của chồng tôi đây sao? Lấy chồng năm 20 tuổi
tôi đã theo đạo của chồng. Trước khi vào nhà cha mẹ chồng, đi ngang qua
ngôi Thánh đường, tôi đã cầu xin Chúa cho được gặp chồng và xin cho anh
được bằng an.
Xuống xe đầu làng, thấy một thanh niên đi tới, không chờ họ nói mà tôi hỏi trước:
- Này, em có phải là em của anh Chiến không?
Cậu ta ngẩn người ra và hỏi lại tôi:
- Sao chị biết.
- Chị là chị Chiến đây, trông em giống anh ấy quá.
Chú ấy chở hai giỏ quà sau xe, tôi đi bộ theo, trên đường vào làng mọi
người túa ra thăm hỏi, những đứa trẻ miệng trầm trồ, có đứa còn nói lời
chào “Chào chị Chiến”. Trẻ con ở đây lễ phép hơn. Cha mẹ chồng tôi đã
vào Nam thăm mẹ con tôi năm 1977 nên tôi cũng không xa lạ với ông bà,
tôi được sống trong những giây phút ấm áp đó.
Qua một đêm ở nhà cha mẹ chồng, họ hàng, dân làng đến thăm hỏi, họ cũng
muốn tìm hiểu đời sống của người miền Nam. Khách đầy nhà, một người nói
rằng hồi nhỏ học cùng lớp với chồng tôi, thấy tôi người Huế, anh nói với
tôi:
- Này chị Chiến, năm 1973 đơn vị tôi bao vây một cái đồn ở Huế, nghe tin Chiến ở trong đó nên tôi rút quân không đánh nữa.
Thoáng nghĩ: “Lại có mấy cái máy lạnh đặt ở công viên” nữa rồi, tôi trả lời anh:
- Ông xã tôi chỉ ở miền Nam, không có ở Huế.
Sáng hôm sau mẹ chồng tôi và tôi lại lên Hà Nội, đi xe lửa chợ từ Hà Nội
lên Yên Bái, xuống ga Ấm Thượng, tầu chở người và súc vật chung, người
và vật chen chúc hôi hám. Tôi và mẹ tôi không có chỗ ngồi vì phần đông
là bộ đội, họ đã chiếm hết chỗ rồi, họ nói chuyện như cãi lộn, hò hét,
chửi thề, văng tục, họ chẳng biết nhường chỗ cho người già và phụ nữ.
Tôi và mẹ tôi phải vịn thanh sắt, chân kẹp chặt giữ mấy giỏ đồ, đứng
liên tục 10 tiếng đồng hồ từ 5 giờ chiều tới 3 giờ sáng mới tới ga Ấm
Thượng, trong khi đó họ ngồi, họ chiếm cả chỗ…
Trong toa tầu ánh đèn lờ mờ, con tàu lắc lư, một tên thừa cơ tranh sáng
tranh tối, đưa tay sờ ngực tôi, mẹ tôi đứng cạnh tôi trông thấy bà la
lên:
- Ấy, ấy, đó là con dâu tôi đấy, nó có chồng 3 con rồi đấy mấy chú ơi.
Mặc cho bà la, chúng cười nham nhở và còn bảo: “Thế à”! … cười nói khả ố…*
Tôi nói mẹ đừng la nữa, tầu sắp đến ga rồi, coi chừng mấy giỏ quà giúp con.
Mẹ con tôi xuống ga Ấm Thượng và phải nằm chờ tới sáng, ga trống vắng
lạnh lẽo, lại phải ở chung với chó, lợn, gà. Trời đêm mưa phùn, gió rét,
tôi nghe tin hôm qua có một anh tù cải tạo bị chết đuối.
Bàng hoàng, xúc động, tôi ôm mẹ và khóc, mẹ chồng tôi sau hơn ¼ thế kỷ
mới gặp con, có biết bao điều để nói, nhưng với cái nhiễu nhương trước
mắt mẹ cũng chỉ biết cầu xin.
- “Cầu cho tất cả được bình yên trở về, ngủ đi con, ngày mai còn phải đì đò rồi đi bộ mười mấy cây số vào trại, ngủ đi con.
Từ ga Ấm Thượng vào trại Tân Lập phảỉ đi đò ngang qua sông Hồng nước
chảy xiết, con đò mong manh xuôi theo giây cáp, tròng trành như sắp bị
cuốn trôi đi theo dòng nước. Lên đò lại phaỉ đi bộ hơn 20 cây số đường
rừng, bùn đất gập gềnh, mẹ tôi thấy tôi đi không nổi nên cứ dành gánh
những gói quà. Vào tới trại thì đã xế chiều, trình giấy tờ, lại phải ngủ
qua đêm trong khí hậu núi rừng lạnh thấu tim gan để qua ngày hôm sau
mới được gặp anh! Lại một đêm trằn trọc, đêm đầy tiếng kẻng, mỗi lần
nghe tiếng kẻng từ trong trại dội ra là tôi lại ôm mẹ, nghĩ tới anh qua
hình ảnh các bạn anh mà tôi đã thấy trên đường vào trại, các anh cũng đã
vui mừng khi nhìn thấy chúng tôi nhưng không còn vóc dáng ngày nào, an
phận! Chịu đựng! Vậy là hết rồi sao!
Sau 15 phút ngồi đối diện với chồng, có mẹ chồng bên cạnh, tôi chẳng nói
được gì với anh cả. Chúng tôi chỉ mới nói chuyện gia đình mạnh khỏe,
con cái học hành là đã hết 15 phút! Chỉ muốn nắm tay anh mà cũng chẳng
được vì tên cán bộ ngồi đầu bàn cứ chằm chặp nhắc nhở “Anh chị phải giữ
nếp sống văn hóa”! Văn hóa gì đây hỡi trời?
Chồng tôi nhận quà, tôi chỉ dặn được vài câu anh cố gắng giữ sức khoẻ
thế nào cũng có ngày đoàn tụ, còn chồng tôi thì nói em cố gắng lo cho
các con, đừng lo cho anh.
Chồng tôi lại phải vào trại, anh đi được vài bước, quay lại, bước đi,
ngoái cổ lại phía sau. Lòng tôi bối rối, đau như cắt, thình lình tôi gọi
to:
- Anh!
Chồng tôi dừng lại, tôi chạy thật nhanh, ôm chầm lấy chồng và hôn anh, hôn lấy hôn để, tên cán bộ nhìn thấy thế, anh ta ú ớ:
- Ơ cái anh chị kia, nhớ giữ gìn nếp sống văn hóa chứ.
Mấy người tù trẻ, có lẽ là tù hình sự, đứng vỗ tay như là ở cái xã hội
Bắc Kỳ này chuyện vợ chồng hôn nhau chỉ có trong phim. Mặc cái gì là văn
hóa, cái gì là nội qui, nhớ chồng quá, ai nói gì mặc kệ, bao năm xa
cách, đi từ Nam ra Bắc cũng chẳng được cầm tay mà chỉ ngồi nhìn nhau 15
phút thôi sao! Tình người và tình vợ chồng ở nơi đây cũng trở thành gỗ
đá ư!
Cái hôn đầu tiên, ngày nào ấy năm 1968, anh đã ôm hôn tôi sau bánh xe
Jeep, còn tôi chỉ biết chịu trận, run rẩy. Ngược lại, hôm nay trong hoàn
cảnh éo le này, chồng tôi chỉ như khúc cây để cho tôi sờ mặt, hôn anh
trong một phút bất thần vì nhớ nhung. Không biết khi vào trại anh có bị
hình phạt gì không? Sau này, những khi ôn lại chuyện thăm chồng, vợ
chồng tôi đã đùa với nhau là hai cái hôn sấm sét. Anh có biết trải bao
đoạn đường từ Nam ra Bắc mới được nhìn người yêu, mới được ôm vội vàng
nửa phần đời trong tích tắc mà mấy tên cán bộ đang xỉ vả mình đây này.
Nhưng em quyết đi thăm anh, tìm anh, và em đã được gặp anh.
Dù vất vả, mọi gian nan đã xẩy ra trên đường đến thăm anh, dù đã vượt
quá sức chịu đựng của em, nhưng em đã mãn nguyện là anh còn sống, và em
đã được ôm và được hôn anh dù chỉ trong phút giây. Trên đường trở về,
lâu lâu mẹ chồng tôi lại ôm vai tôi, nhìn tôi và mỉm cười.
Bích Lan
19B