Dieses Blog durchsuchen

Dienstag, 28. April 2015

Việt Nam Quốc Dân Đảng



Việt Nam Quốc Dân Đảng
 (Kính dâng lên hương hồn 13 liệt sĩ Yên Bái cùng hương hồn liệt nữ Cô Giang và kính tặng tất cả quý vị đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng)

                                                             Liệt Sỹ Nguyển Thái Học
Lê Thương

Từ khi Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ ở nước ta vào năm 1884, quân dân Việt Nam liên tiếp nổi lên tranh đấu chống Pháp để giành độc lập. Lúc đầu các cuộc khởi nghĩa bùng nổ dữ dội khắp nơi, nổi bật nhất là các phong trào Văn Thân, Cần Vương nhưng lực lượng Pháp được trang bị tối tân hơn nên dần dần dẹp yên các cuộc khởi nghĩa nầy. Không thể chóng Pháp bằng quân sự, các nhà cách mạng cùng các sĩ phu đổi chiến thuật đấu tranh bằng các phong trào duy tân và canh tân đất nước để từ đó đòi hỏi độc lập. Cụ Phan Bội Châu chủ trương đưa các sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học để đào tạo cán bộ trở về phục quốc. Còn các hoạt động mạnh nhất của cụ Phan Chu Trinh là những tổ chức ở Quảng Nam, trường Dục Thanh, công ty Liên Thành ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Cả hai cuộc vận động Đông Du và Duy Tân cũng đều bị Pháp tìm đủ mọi cách để đàn áp, cuối cùng bị tan rã vào năm 1908.
Trong khi đó ở Trung Hoa, bác sĩ Tôn Dật Tiên (tức Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn, sáng lập viên Quốc Dân Đảng Trung Hoa)) và Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã thành công khi khởi xướng cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ triều đình Mãn Thanh. Ban đầu cuộc cách mạng nầy còn gặp nhiều khó khăn cho đến năm 1927, Thống Chế Tưởng Giới Thạch đem quân bắc phạt, thống nhất Trung Hoa dưới chế độ dân chủ. Những diễn biến cùng sự thành công của cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa đã là một luồng gió cách mạng lạc quan thổi vào nước ta làm nức lòng các nhà cách mạng Việt Nam. Lạc quan hơn nữa khi lãnh tụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở miền Nam là Hồ Hán Dân đã giúp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng cụ Phan Bội Châu tập họp các thành phần cách mạng Việt Nam đang sống ở Trung Hoa để thành lập Quang Phục Hội tại Sa Hà, Quảng Châu. Quang Phục Hội hoạt động tích cực ở Trung Hoa và Việt Nam nhưng cũng bị thất bại.
Đến năm 1924, những thành viên cấp tiến của Quang Phục Hội còn lại thành lập Tâm Tâm Xã và Phạm Hồng Thái, một thành viên trẻ của tổ chức nầy đã lãnh trọng trách ám sát viên toàn quyền Pháp Martial Merlin khi Merlin ghé Quảng Châu ngày 18 tháng 6 năm 1924 trên đường từ Nhật về Việt Nam. Tối hôm đó, Merlin dự tiệc tại khách sạn Victoria ở Sa Điện, tô giới ngoại quốc ở Quảng Châu. Phạm Hồng Thái giả làm phóng viên, ném vào chỗ ngồi của Merlin một quả bom làm 5 người tử thương nhưng Merlin may mắn thóat chết chỉ bị thương nhẹ. Sau khi thi hành công tác ám sát, Phạm Hồng Thái tẩu thoát nhưng bị lực lượng an ninh đuổi theo cho đến khi cùng đường, Phạm Hồng Thái nhảy xuống giòng Châu Giang tuẫn tiết. Quả bom Sa Điện đã gây một tiếng vang rất lớn trên chính trường Việt Nam và quốc tế vào lúc ấy.
Qua năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 1 tháng 7 năm 1925 ở Trung Hoa rồi đưa về Hà Nội và người chỉ điểm cho Pháp bắt cụ Phan là Lý Thụy, tức Hồ Chí Minh để lãnh tiền thuởng của Pháp, đồng thời cũng để loại cụ ra khỏi chính trường. Cụ Phan Bội Châu bị Pháp kêu án chung thân khổ sai. Phong trào dân chúng nổi lên phản đối bản án của cụ Phan lan rộng khắp nước khiến Pháp phải ân xá và đưa cụ Phan Bội Châu về an trí ở Huế vào tháng 12 năm 1925. Cũng trong ngăm 1925, cụ Phan Chu Trinh về nước và tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết ở Sài Gòn nhưng chẳng may cụ qua đời ngày 24 tháng 3 năm 1926. Dân chúng trên toàn quốc cử hành tang lễ và lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh một cách rầm rộ và chính trong bối cảnh chính trị sôi động nầy mà Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời.
Hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc Dân Đảng là Nam Đồng Thư Xã, một nhà xuất bản tiến bộ do Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên), Nhượng Tống ( Hoàng Phạm Trân), Phạm Tuấn Lâm (Dật Công) thành lập vào cuối năm 1926, tọa lạc tại số 6, đường 96 đối diện với chùa Châu Long, trên bờ hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, năm sau có Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch tham gia. Chủ trương của Nam Đồng Thư Xã là xuất bản các sách nói về cuộc cách mạng Tân Hợi, về phong trào dân tộc dân chủ ở Trung Hoa, về tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn để khích động lòng yêu nước của giới trẻ. Dần dần các sách vở đó gây được ảnh hưởng lớn trong quần chúng nên bị chính quyền Pháp tịch thu và đóng cửa Thư Xã. Từ đó, nhóm Nam Đồng Thư Xã đã chuyển thành một tổ chức đấu tranh bí mật.
Vào lúc 8 giờ 00 tối ngày 25 tháng 12 năm 1927, những thành viên của Thư Xã cùng một sô nhà ái quốc đã tổ chức một đại hội bí mật tại nhà ông Lê Thành Vị ở làng Thể Giao, Hà Nội để thành lập một đảng cách mạng mang tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng Đại hội đã bầu ra ban lãnh đạo gồm:
Nguyễn Thái Hoc: Chủ tịch (Đảng trưởng)
Nguyễn Thế Nghiệp: Phò chủ tịch
Phó Đức Chinh: Trưởng ban tổ chức
Nhượng Tống: Trưởng ban tuyên truyền
Nguyễn Ngọc Sơn: Trưởng ban ngoại giao
Đặng Đình Điển: Trưởng ban tài chánh
Nguyễn Hữu Đạt: Trưởng ban giàm sát
Trương Dân Bảo: Trưởng ban trinh sát
Hoàng Văn Tùng: Trưởng ban ám sát
Về tiểu sử của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học, ông sinh năm quý mão (!902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, con ông Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thi Quỳnh, ông còn có một người em gái và ba em trai. Lúc nhỏ, Nguyễn Thái Học học chữ Nho đến năm 1913 ông theo học tại trường Pháp Việt phủ Vĩnh Tường, rồi trường Pháp Việt ở thị trấn Việt Trì. Năm 1921 Nguyễn Thái Học trúng tuyển vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội nhưng học đến năm thứ ba thì bỏ trường Sư Phạm qua học trường Cao Đẳng Thương Mại Hà Nội. Đang theo học trường Thương Mại, Nguyễn Thái Học gia nhập Nam Đồng Thư Xã và dấn thân hoạt động cách mạng..
Mục tiêu của Việt Nam Quốc Dân Đảng là:”Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng vũ lực đánh đuổi quân xâm lăng Pháp ra khỏi bờ cõi để lập nên một nước Việt Nam Độc Lập, Cộng Hòa”. Tôn chỉ của đảng là thực thi: “Dân tộc độc lập”, “Dân quyền tự do”, “Dân sinh hạnh phúc”. Đảng kỳ là lá cờ nền đỏ đậm, vòng tròn màu xanh dương và ngôi sao trắng. Màu đỏ tuợng trưng cho “sự chiến đấu dũng cảm và lòng hy sinh cao cả trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc”.Màu xanh là màu hy vọng, tượng trưng cho “hòa binh, tự do, bình đẳng, an lạc và thịnh vượng”. Ngôi sao trắng là vì tinh tú soi đường, biểu tượng của “sự lãnh đạo trong sáng và đạo đức cách mạng của đảng”. Còn đảng ca là bài “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân. Đảng cho xuất bản tờ nội san bí mật lấy tên “Hồn Cách Mạng”
Theo sự tổ chức, cứ 3 đảng viên trở lên lập thành một “tổ”, 19 đảng viên trở lên lập thành một “chi bộ”, cao hơn chi bộ là “xã bộ”, “huyện bộ” và cuối cùng là “tổng bộ”. Tổng bộ là cấp quốc gia, cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng. Mỗi chi bộ có ít nhất bốn tiểu ban gồm tuyên truyền, tổ chức, tài chánh và tình báo. Đảng sinh hoạt theo đường lối dân chủ, qua hình thức “cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo” . Ngoài ra, Việt Quốc không có chế độ thượng cấp hay thuộc cấp, mọi thành viên dù nắm giữ trách vụ gì cũng đều coi nhau như Anh Chị Em, chia sẻ vui buồn, hiểm nguy trong tình gia đình dưới mái nhà Việt Quốc.
Nếu những nhà lãnh đạo của các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Đông Du đều xuất thân từ “Cửa Khổng, Sân Trình” thì các nhân vật lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng phần lớn là những người tiêm nhiễm ít nhiều tân học. Lúc đầu Việt Nam Quốc Dân Đảng kết nạp đảng viên trong giới thanh niên, sinh viên, hoc sinh, phần lớn bị đuổi khỏi trường sau những vụ bãi khóa rầm rộ năm 1925-1926. Dần dần kết nạp thêm nhiều đảng viên khác thuộc các thành phần trí thức, nhà báo, nhà giáo, thầy đồ, điền chủ, thương gia, tiểu thương, nông dân, tiểu công chức, tư chức, công nhân, hạ sĩ quan và binh sĩ Việt Nam thuộc các trại binh Pháp. Ngoài ra một số đảng viên phụ nữ cũng đóng một vai trò khá quan trọng như Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc, Đỗ Thị Tâm, Lê Thị Thành, Nguyễn Thị Vân ...đều là những anh thư nữ kiệt tiếp nối chí lớn của Hai Bà Trưng, Bà Triệu.
Để đánh lạc hướng mật thám Pháp, Nguyễn Thái Học và các nhà lãnh đạo chia Việt Nam Quốc Dân Đảng ra làm hai nhóm riêng biệt. Một nhóm hoạt động dưới hình thức “ngoại vi”, tửc hoật động “nổi”, nghĩa là gần như công khai. Còn một nhóm hoạt động dưới hình thức “nội vi” hay hoạt động “chìm”, tức hoàn toàn bí mật. Nhóm ngoại vi nầy gồm toàn những đảng viên mà mật thám Pháp vừa biết mặt, vừa biết tên chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền gây nhiệt khí trong quần chúng mà không bạo động hoặc vi phạm pháp luật. Họ thường xuyên lai vãng tại Việt Nam Hotel, một cơ sở kinh tài của đảng, khai trương ngày 30-9-1928 tại số 38 đường Hàng Bông ở Hà Nội. Hoạt động ngay trước mắt mật thám Pháp và không làm gì trái luật, họ là chiếc bình phong che đậy cho nhóm thứ hai hoạt động trong bí mật. Với phương pháp tổ chức khoa học nầy, Việt Nam Quốc Dân Đảng bảo mật rất hiệu quả và bành trướng rất nhanh. Đến đầu năm 1929, đảng đã có tới mấy ngàn đảng viên với khoảng 120 tiểu tổ võ trang bí mật và bắt đầu bành trướng vào Trung cũng như Nam Kỳ. Nguyễn Thái Học cùng các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng hy vọng tiếp tục như thế trong vài năm nữa, vừa công khai, vưa bí mật đê gây dựng đủ lực lượng sẽ mở cuộc tổng khởi nghĩa đánh đuổi bọn xâm lăng Pháp. Nhưng một vài sự việc đã xảy ra không như ý muốn nên bắt buộc Việt Nam Quốc Dân Đảng phải mở cuộc khởi nghĩa trước thời điểm.
Một trong những sự việc nầy là vụ ám sát René Bazin, giám đốc sở mộ phu. Nguyên vào đầu thế kỷ 20, tại Bắc Kỳ, Pháp cho tổ chức mộ phu để cung ứng nhu cầu cho các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ, Cao Miên, Lào và Tân Thế Giới. Tay trùm mộ phu người Pháp nầy nổi tiếng cực kỳ độc ác nên Nguyễn Văn Viên cùng hai đồng chí khác là Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung (tức Ký Cao) vì nóng lòng nên không nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thái Học đã tự động tổ chức cuộc ám sát Bazin. Vào tối ngày 9 tháng 2 năm 1929 (nhằm ngày 30 Tết), lúc 8 giờ 00 tối, René Bazin vừa ra khỏi nhà tình nhân tên Germaine Carcelle, ở số 110 phố Huế, chợ Hôm, Hà Nội thì Nguyễn Đức Lung tiến đến trao cho Bazin một phong thư trong có đề bản án tử hình. Trong khi Bazin đang loay hoay mở thư ra đọc, Nguyễn Văn Lân cũng liền tiến đến móc súng lục ra bắn Bzin hai phát chết tại chỗ. Bazin ngã lăn ra giữa đường, trên tay còn nắm mảnh giấy có ghi mấy dòng chữ:”Mày là tên thực dân độc ác, chuyên hút máu người Việt Nam”.
Sau vụ ám sát Bazin, Pháp phản ứng mạnh bằng cách bắt bớ tất cả các phần tử “nổi” của Việt Nam Quốc Dân Đảng và đày một số đi Côn Đảo nhưng về sau vì thiếu bằng cớ nên khoảng chừng 200 người được thả về. Nguyễn Thái Hoc, Nguyễn Khắc Nhu (Xú Nhu) và Phó Đức Chính bị mật thám vây bắt hụt tại làng Võng La, tổng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ ngày 8 tháng 12 năm 1929. Trước tình thế nầy nếu không hành động ngay e rằng sẽ quá muộn nên Nguyễn Thái Học ra lệnh cho các tiểu tổ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa. Một trong các công tác chuẩn bị nầy là chế tạo bom và chuẩn bị vũ khí, đạn dược. Trong khi đó, mật thám Pháp cũng hoạt động ráo riết cho nên từ tháng 11-1929 đến tháng 1-1930, sở mật thám Pháp đã khám phá được khoảng 700 chỗ chứa bom đạn của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhiều đảng viên lại bị bắt, Nguyễn Thái Học cùng những nhân vật lãnh đạo khác của đảng cũng bị truy nã gắt gao. Trước tình thế bắt buộc, “không thành công cũng thành nhân” nên Nguyễn Thái Học và các nhà lãnh đạo cho triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để ấn định ngày khởi nghĩa và ngày trọng đại được chọn là đêm 9 rạng ngày 10-2-1930. Sở dĩ các nhà lãnh đao chọn ngày nầy vì ngày 10-2 dương lịch là mống 1 Tết âm lịch năm canh ngọ. Nhân dịp Tết cổ truyền, dân chúng thường đi lại buôn bán tấp nập và người Việt Nam lại có tập tục đốt pháo để mừng xuân, là cơ hội thuận tiện cho việc chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược dễ dàng. Đồng thời, phiên họp nầy cũng ấn định các địa điểm khởi nghĩa như Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, Thái Binh, Sơn Tây, Hãi Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Phụ Dực, Vĩnh Bảo. Các tỉnh miền đồng bằng do Nguyễn Thái Học chỉ huy, tỉnh Sơn Tây do Phó Đức Chính phụ trách. Riêng tại Hà Nội vì đảng chưa đủ lực lượng để khởi nghĩa nên chỉ giao cho Đặng Trần Nghiệp (tức Ký Con) chỉ huy đoàn quân cảm tử phá rối một vài nơi trọng yếu để làm nghi binh hầu cầm chân Pháp gởi quân tiếp viện các nơi khác. Tuy nhiên, vì thông tin liên lạc và chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược khó khăn nên cuộc khởi nghĩa chỉ xảy ra ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phụ Dực, Vĩnh Bảo.
Cuộc tấn công Yên Bái do Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang), Nguyễn Nhật Thân cùng cai khố đỏ Ngô Hải Hoằng (Cai Hoằng) chi huy. Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang lo chuyển vận vũ khí, tiếp tế đạn dược. Số đảng viên huy động từ các vùng lân cận về để tấn công Yên Bái khỏang 300 chiến sĩ. Lúc 1 giờ 00 sáng ngày 11-2-1930, cai Ngô Hải Hoằng ra lệnh nổ súng tấn công đồn binh Pháp tại Yên Bái. Sau 3 tiếng đồng hồ giao tranh, nghĩa binh làm chủ tình hình lúc 4 giờ 00 sáng, giết chết viên đại úy trưởng đồn Jourdaine, trung úy Robert cùng 4 trung sĩ Pháp. Nghĩa quân đang chuẩn bị đem quân đi tấn công các nơi khác thì máy bay Pháp từ Hà Nội lên oanh kích nên nghĩa quân phải rút vào rừng. Còn tại Hưng Hóa, lúc 1 giờ 00 sáng ngày 11-2-1930, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh nổ súng và xung phong vào đồn Hưng Hóa nhưng bên trong phòng thủ chặt chẽ nên không chiếm được đồn. Đến 3 giờ 00 sáng, Nguyễn Khắc Nhu đổi hướng tấn công, đánh chiếm phủ Lâm Thao, Pháp điều động quân từ Phú Thọ lên phản công. Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương, dùng lựu đạn tự sát nhưng không chết, ông bị Pháp bắt nhưng ông tuẫn tiết ngay liền sau đó trong nhà giam Hưng Hóa.
Sau cuộc tổng khởi nghĩa thất bại, những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa cử Đoàn Kiểm Điểm về nước quan sát tình hinh và mời Nguyễn Thái Học sang Trung Hoa lánh nạn một thời gian, các đồng chí của Nguyễn Thái Học cũng khuyên ông nên ra nước ngoài nhưng với cái hào khí của một nhà lãnh đạo trẻ, ông đã cương quyết từ chối lời đề nghị nầy, ông cho rằng ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những biến động vừa qua nên ông quyết ở lại trong nước lo cải tổ và xây dựng lại đảng để làm tròn sứ mạng phục quốc.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị thất bại nhưng Pháp phản ứng một cách giận dữ, cho quân đội võ trang đứng gác khắp ngả đường, khám xét người qua lại ở Hà Nội, tăng phái quân đội đi cứu viện những tỉnh bị tấn công, huy động mật thám truy lùng các nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ngày 16 tháng 2 năm 1930 Pháp cho 5 phóng pháo cơ đến ném 57 quả bom xuống khắp làng Cổ Am biến làng nầy thành bình địa và làm cho 21 thường dân bị thiệt mạng. Vào ngày 20-2-1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt, gần đồn Chi Ngại, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Về phần Ký Con Đặng Trần Nghiệp, ông bị mật thám Pháp lùng bắt gắt gao ở Hà Nội phải xuống Hải Phòng trốn tránh, tại đây cũng không yên nên ông đến Nam Định và bị mật thám Pháp bắt giữa tháng 6-1930. Sau khi thất bai, một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng lánh sang Trung Hoa tiếp tục hoạt động và xây dựng lại cơ sở. Riêng Nhượng Tống không tham gia được cuộc khởi nghĩa vì ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo từ năm 1929 đến năm 1936 mới được thả ra.
Cuộc tổng khởi nghĩa đã thất bại, tuy nhiên tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã làm dấy lên mạnh mẽ các phong trào đấu tranh theo Chủ Nghĩa Quốc Dân. Hàng loạt các đảng phái Quốc Dân ra đời, mạnh nhất là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội do cụ Nguyễn Hải Thần thành lập năm 1936, Đại Việt Quốc Dân Đảng do Trương Tử Anh sáng lập năm 1938, Đại Viêt Dân Chính Đảng do Nguyễn Tường Tam khai sinh vào năm 1938...
Ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái, 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng hiên ngang bước lên đoạn đầu đài gồm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tự Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Bùi Văn Cửu, Đào Văn Nhít, Đỗ Văn Sứ, Hà Văn Lạo, Ngô Văn Du, Nguyễn An, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Nguyễn Như Liên . Trước khi 13 chiếc đầu rơi, các liệt sĩ Yên Bái còn anh dũng hô to “Việt Nam Muôn Năm”. Những tiếng thét ái quốc của các liệt sĩ vì nước quên mình như những tiếng sấm làm vang động cả núi rừng Yên Bái và dư âm đó vẫn còn bàng bạc trong lòng mọi người dân Việt cho đến ngày nay:
Ai ơi xương trắng máu đào,
Cha sanh, mẹ dưỡng, cù lao tác thành,
Hiến thân là nợ anh hùng,
Pháp trường Yên Bái cỏ xanh nhuộm đào.
Mười ba thủ cấp anh hào,
Rơi rơi liên tiếp, máu trào hùng kiêu!
Lưỡi gươm xén mạnh cỗ lìa,
“Việt Nam Muôn Năm” lời hô cuối cùng.
Xa trông thấy những anh hùng,
Ung dung đưa mắt nhìn trông đồng bào,
Ý chừng người muốn biệt chào,
Rồi người nghiêm nghị bước vào máy kia.
“Việt Nam Muôn Năm” gươm rơi!
Thế là chấm dứt một đời hùng anh.
Nước non vắng khách anh hùng,
Bao giờ mới hết lao lung đọa đày!
Trời xanh sao quá ác thay,
Mười ba tuấn kiệt một ngày cướp đi.
Đầu xanh có tội tình gì?
Thương dân, cứu nước, tội gì trời ơi?
Máu của các liệt sĩ Yên Bái đã thấm vào lòng đất Mẹ. Sự hy sinh của các liệt sĩ là những hạt phân bón màu mỡ cho từng cây lúa, từng ngọn rau, tấc đất của quê hương, củng là nét son tô đậm thêm cho những trang sử kiêu hùng cũa một dân tộc luôn luôn mang trong người dòng máu bất khuất.
Cô Giang (Nguyễn Thị Giang), nữ đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, cũng là người yêu của Nguyễn Thái Hoc đã cùng một vài đồng chí khác trà trộn vào đám đông với kế hoạch đánh cướp pháp trường bằng bom để giải cứu cho các liệt sĩ nhưng vì bọn Pháp canh giữ pháp trường quá nghiêm ngặt nên không đến gần được đành bó tay bỏ cuộc. Trước cảnh tận cùng đau thương đó, Cô Giang cố dằn tiếng khóc, cố ngăn dòng lệ và chỉ thốt lên được ba tiếng ngậm ngùi “thôi hết rồi!” Sau đó Cô âm thầm trở về quê họ Nguyễn, làng Thổ Tang ngồi dưới gốc cây đa đầu làng dùng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học tặng Cô trước đây tuẫn tiết, trả nợ núi sông, để lại một bức thư vĩnh biệt với lời lẽ hết sức thống thiết và một bài thơ. Riêng bài thơ là cả tấm lòng thiết tha đối với tiền đồ tổ quốc của một bậc liệt nữ. Nó là di ngôn quý báu nhắn nhủ lòng yêu nước đối với những thế hệ trẻ mai sau:
Thân không giúp ích cho đời,
Thù không trả được cho người tình chung.
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh,
Con đường tiến bộ mênh mông,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao?
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây,
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên.
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chiên buộc mình.
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru, đời thế ru mà,
Đời mà ai biết, người mà ai hay!
Lịch sử của dân tộc ta được viết bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ mà Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng 13 liệt sĩ Yên Bái là một trong những thế hệ đó. Qua lịch sử, ta có thể nói, dân tộc Việt Nam là một dân tộc lớn, không phải lớn vì đất đai, dân số, tài nguyên mà lớn vì lịch sử oai hùng của ta:
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có
(Nguyễn Trãi)
Nhưng tiếc thay, thay vì tiếp nối con đường Chủ Nghĩa Quốc Dân, thực thi tôn chỉ dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc như Việt Nam Quốc Dân Đảng thì Hồ Chí Minh  cùng đồng bọn lại chọn con đường làm tay sai cho cộng sản quốc tế, đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào gông cùm cộng sản. Dưới sự cai trị của cộng sản, đồng bào ta đói khổ, xã hội suy đồi, truyền thống dân tộc bị chà đap, tự do con người bị tước đoạt. Và cũng dưới sự cai trị của cộng sản mà Việt Nam ta đã trở thành một trong nhửng quốc gia nghèo đói nhất thế giới, còn xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội nhiều tệ đoan nhất hoàn vũ. Tóm lại, chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn thất bại, bị phá sản toàn diện gây ra những vết thương rỉ máu cho Mẹ Việt Nam và những vết thương rỉ máu nầy chỉ lành được khi quê hương không còn bóng dáng của những ngươi cộng sản!

Lê Thương
Richmond - Virginia

Văn Tế 74 Tử Sĩ Hài Chiến Hoàng Sa

MN:Văn Tế 74 Tử Sĩ Hài Chiến Hoàng Sa
đó mới thiệt con cháu cuả Hưng Đạo Đại Vuơng ,cuả Quang Trung Nguyễn Huệ !còn bọn CS Bắc việt-con cháu cũa Chiêu Thốngt ,cam thân làm tôi đòi cuả Tàu cộng !!

 

Chuyến viếng thăm mẹ của tử sĩ Phạm Ngọc Đa

NCHS PhNgDa Family
Sáng nay, 18-8-2014, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa bắt đầu hướng dẫn gia đình làm thủ tục, lập một sổ tiết kiệm trị giá 150 triệu VND tặng bà Phan Thị Thê (sinh năm 1928). Bà Thê là mẹ của trung sĩ Phạm Ngọc Đa, người lính Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Trung sĩ Đa được nói là đã trút hơi thở cuối cùng trên bè cứu sinh của tàu HQ-10 chỉ 15 phút trước khi bè này gặp được tàu Hà Lan.
Tên của Trung sĩ Phạm Ngọc Đa trước đây không có trong Danh sách tử sĩ Hoàng Sa. Ngày 28-2-2014, hai người em ruột của trung sĩ Đa, chị Phạm Thị Kim Lệ và anh Phạm Minh Cảnh, đã trực tiếp gặp một thành viên của Chương trình, Kỹ sư Do Thai Binh, trao các giấy tờ liên quan. Sau khi trao đổi với các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, danh tánh của trung sĩ Phạm Ngọc Đa đã được bổ sung vào danh sách 74 tử sĩ Hoàng Sa (số tt 12).
Tối 12-8-2014, chúng tôi đã đến thăm gia đình mẹ Phan thị Thê (Long Xuyên, An Giang). Bà vẫn giữ từng trang tài liệu liên quan đến người con đã hy sinh. Đặc biệt, khoản tiền “cấp dưỡng tổ phụ” do Bộ Cựu chiến binh VNCH cấp lên tới 150 nghìn (tương đương 4 lượng vàng – theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn) bà không tiêu xài một đồng vì theo bà, “Đó là tiền xương máu”.
Mẹ Thê đã hơn 86 tuổi, sức yếu, hiện ở cùng con trai, Phạm Minh Cảnh, trong một ngôi nhà xây cất từ năm 1969, chủ yếu bằng vách ván, mái tôn, nóng bức. Các thành viên Nhịp Cầu Hoàng Sa nhất trí cao với quyết định, cấp ngay một sổ tiết kiệm 150 triệu để cùng gia đình phụng dưỡng mẹ; đồng thời tiếp tục vận động để giúp các em của trung sĩ Phạm Ngọc Đa sửa lại ngôi nhà cho mẹ. Mẹ Phan Thị Thê là thân nhân ở hàng phụ mẫu duy nhất mà chúng tôi được biết là còn sống của 74 tử sĩ Hoàng Sa.