VIẾT CHO NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN
ĐIỀU 4:
KHÔNG AI BỊ CƯỠNG BỨC LÀM NÔ LỆ HAY TÔI ĐÒI.
Nguyễn
Quang Duy
Ngày 10-12-1948, Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền làm khuôn mẫu chung cho mọi quốc gia về quyền làm người.
Từ đó, Bản Tuyên Ngôn đã đóng một vai trò tích cực xây dựng nền văn minh, tự do,
dân chủ cho tòan nhân lọai.
Nhưng Điều 4 của Bản Tuyên Ngôn “Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi.” xét ra vẫn chưa được
tích cực. Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền bài viết này xin phân tích về tình trạng
“tự nguyện” nô lệ vẫn còn khá phổ biến, nhất là tại các quốc gia độc tài cộng sản.
“Tự
nguyện” nô lệ
Cuối tháng 11-2013, dư luận xôn xao về việc ba phụ nữ tự
nguyện giam mình trên 30 năm trong một căn nhà ở phía Nam thành phố London. Họ thuộc một “chi bộ” cộng sản theo
đường lối Mao và do hai đảng viên ông Aravindan Balakrishnan (73 tuổi) và
vợ, bà Chanda (67 tuổi) cầm đầu. Họ tự nguyện chung sống, kiểm sóat lẫn
nhau, trung thành và chịu phục tùng mệnh lệnh của đồng chí Balakrishnan.
Điều cần biết là họ đang sống ở xứ Anh, một nơi mà quyền
làm người được tôn trọng vào bậc nhất. Cũng như các thành viên một số tà phái,
họ “tự nguyện” hay đã bị tẩy não để trở thành những nô lệ trong một tập thể
khép kín.
Tại các quốc gia văn minh việc tẩy não bị luật pháp chặt
chẽ kiểm sóat và khi được phát hiện nạn nhân được tận tình giúp đỡ. Ngược lại
chế độ Cộng Sản vẫn sử dụng các kỹ thuật tẩy não để xây dựng và duy trì độc quyền
thống trị xã hội.
Tẩy
Não
Tẩy não là một phương cách kiểm soát tư tưởng, làm thay
đổi nhận thức, niềm tin và bản tính của cá nhân hay của cả tập thể.
Theo nhà xã hội học Albert D. Biderman có 8 biện pháp để
tẩy não con người. Tám biện pháp này đã được tác giả Trần Trung Đạo nêu ra
trong bài “Bàn về Tẩy Não”:
Thứ nhứt cô lập, tước đọat quyền sống và làm cho nạn
nhân hòan tòan phụ thuộc vào kẻ tẩy não;
Thứ hai, độc quyền hóa mọi khả năng nhận thức, buộc nạn
nhân phải tập trung chú ý vào mối quan hệ với kẻ tẩy não;
Thứ ba làm suy yếu tinh thần đối kháng cũng như làm kiệt
quệ thể lực nạn nhân;
Thứ tư là đe dọa, trồng cấy sự lo lắng, bất an và tuyệt
vọng vào ý thức của nạn nhân;
Thứ năm là ban đặc ân để khuyến dụ sự tuân hành;
Thứ sáu tạo cho nạn nhân cảm tưởng chống đối chỉ là hành
động vô ích;
Thứ bảy là phát triển một thói quen tuân phục;
Và cuối cùng là chứng tỏ việc phản kháng chỉ làm thiệt hại
cho lòng tự trọng hơn là việc đầu hàng có điều kiện.
Thử xem 8 biện pháp nói trên khi áp dụng vào Việt Nam có kết quả
thế nào để từ đó chúng ta có thể vạch ra những công việc cần làm.
“Giải
Phóng” miền Nam
Sau 30-4-1975, cả miền Nam được đưa vào lò tẩy não. Quyền
sống của người dân bị tước đọat và bị kiểm sóat chặt chẽ. Ban ngày mọi người phải
làm việc quần quật kiếm sống, tối học tập, hội họp, kiểm điểm, kiểm thảo, phê
và tự phê. Cuối tuần lại lao động xã hội chủ nghĩa.
Sáng tiếng loa phường đánh thức, chỗ làm loa tuyên truyền
rả rích, tối về lại loa phường. Người dân không còn chút thời giờ nghỉ ngơi,
không một khỏang trống tự do để suy nghĩ.
Mọi phương tiện truyền thanh, truyền hình, phim ảnh,
bích chương, sách báo được sử dụng tối đa cho tuyên truyền chiến thắng, cho bạo
lực cách mạng, cho huyền thọai lãnh đạo, cho thành quả xây dựng xã hội chủ
nghĩa của các nước đàn anh,… mọi thứ được lập đi lập lại cho đến khi nhập vào
tiềm thức của nạn nhân.
Cuộc sống thì căng thẳng với những cuộc khám xét, bắt bớ,
các tòa án nhân dân, các cuộc tử hình công khai, đánh tư sản mại bản, chống văn
hóa phản động, … bạo lực bao trùm và đe dọa đời sống cả miền Nam.
Những người bị khép vào thành phần nguy hiểm: sĩ quan,
công chức, lãnh đạo tôn giáo, chính trị, xã hội được đưa vào trại cải tạo. Cải
tạo đồng nghĩa với tẩy não. Ở đó cuộc sống và điều kiện sinh họat thật khắc
khe, tiêu diệt mọi ý chí và tẩy não con người một cách triệt để hơn. Trong bài
viết ngắn khó có thể diễn tả được tình hình khi ấy.
Bằng các biện pháp nói trên, khi đảng Cộng sản đã kiểm
sóat đựơc tinh thần của người dân, thì cả một xã hội xem như tự nguyện trung
thành và làm theo mệnh lệnh một cách máy móc không cần suy nghĩ. Tòan xã hội trở
thành một guồng máy phụ thuộc vào những nghị quyết từ Bộ chính trị đề ra.
Khi đảng Cộng sản cướp được chính quyền năm 1945 và khi
họ tiếp thu miền Bắc 1954 các biện pháp tẩy não cũng đã được thực hiện tại các
vùng họ “giải phóng”. Và cho đến nay các sách lược tẩy não xã hội vẫn được đảng
Cộng sản tiếp tục sử dụng tại các vùng đang chiếm đóng mặc dầu không còn hiệu
quả như trước đây.
Diễn
Biến Hòa Bình
Thế nhưng miền Nam trước 1975 xã hội xây dựng dựa trên nền
tảng tự do dân chủ, các khái niệm về quyền làm người đã trở nên phổ quát. Vì thế
guồng máy nhập cảng từ Nga Tàu được vận hành khá hiệu quả tại miền Bắc đã gặp
không ít trở ngại. Những chống đối ngấm ngầm, bất tuân dân sự, bất cộng tác và
bỏ nước ra đi là diễn biến buộc đảng Cộng sản phải liên tục thay đổi sách lược.
Chính thời điểm 30-4-1975, những người từ miền Bắc vào,
những người từ trong vùng “giải phóng” chứng kiến cuộc sống tại miền Nam đã bắt
đầu xét lại. Vì thế không phải chỉ những người thua trận, cả những người chiến
thắng cũng tiếp tục bị đảng Cộng sản tẩy não.
Những thực tế cuộc sống trái ngược với luận điệu tuyên
truyền làm thức tỉnh một số người trước đây xem chủ nghĩa cộng sản như một lý
tưởng để họ đeo đuổi.
Rồi chế độ cộng sản tại Liên Xô sụp đổ. Chỗ dựa tư tưởng
của đảng Cộng sản Việt Nam cũng tan theo mây khói. Buộc họ phải thay đổi phải cởi
trói kinh tế. Nhưng thay đổi nửa vời lại đi vào vòng bế tắc. Nhờ thế ngày càng
nhiều người bên trong guồng máy cộng sản nhận ra sự thật và tìm cách thay đổi từ
bên trong.
Hậu
Quả và Phương Cách Tháo Gỡ
Điều đáng tiếc là hầu hết những người bên trong guồng
máy cộng sản vẫn lấn cấn với những điều đã in sâu vào tiềm thức của họ. Họ vẫn
chỉ đòi dân chủ trong đảng, họ vẫn chưa nhận thức được đất nước cần đa đảng đối
lập và dân chủ cho tòan dân. Họ vẫn suy nghĩ ảnh hưởng ý thức hệ Marx Lenin
thay vì suy nghĩ theo ý thức hệ tự do dân chủ.
Phía người dân sự sợ hãi vẫn còn. Rồi sự bưng bít thông
tin khiến đa số người dân vẫn chưa hiểu được những quyền tự do căn bản đương
nhiên họ phải có. Những điều mà chính nhà cầm quyền cộng sản cũng đã cam kết với
thế giới sẽ trao trả cho người dân.
Ngày 12-11-2013, lần đầu tiên Việt Nam có ghế trong
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm
Bình Minh hứa rằng sẽ "thực hiện tốt
các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và
thành viên Liên Hiệp Quốc". Khó có thể tin vào lời hứa hẹn nói trên,
điều chúng ta có thể làm là một mặt thúc đẩy họ phải thực hiện các cam kết quốc
tế, nếu họ không thực hiện chúng ta có bằng chứng để tố cáo họ trước công luận.
Nhân Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ
25-11-2013, một nhóm phụ nữ ra mắt một tổ chức dân sự lấy tên là Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam với tôn chỉ nhằm “…
nâng cao nhận thức của từng cá nhân trong xã hội về phẩm giá con người và những
quyền con người cơ bản của chính mình cũng như của người khác, từ đó góp phần
thúc đẩy một xã hội tôn trọng nhân quyền…”
Sang ngày 26-11-2013 một nhóm 40 người đồng ký tên trên
một kiến nghị kêu gọi tổ chức một hội đồng nhằm thúc đẩy nhân quyền
cho Việt Nam.
Các thông tin mạng cho thấy ngày 10-12-2013 các tôn giáo
sẽ tổ chức những buổi lễ cầu nguyện, các anh chị em trẻ sẽ tổ chức những buổi
dã ngọan nhân quyền phổ biến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và tạo sự quan
tâm đến quyền làm người tại Việt Nam.
Các thành phố đông người Việt sinh sống đều tổ chức những
sinh họat khác nhau tạo quan tâm về nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Tại Melbourne tiểu bang Victoria sáng thứ ba
10-12-2013 một cuộc Đồng Hành Nhân Quyền bắt đâu lúc 10 giờ sáng trước QUỐC HỘI
TIỂU BANG đi bộ vòng quanh thành phố Melbourne để hướng về CÔNG VIÊN DOCKLANDS.
Nói tóm lại Bản Tuyên Ngôn chỉ là một mẫu mực chung và vẫn
còn những điều khỏan như điều 4 chưa tích cực giải phóng con người thóat khỏi
vòng nô lệ tinh thần.
Trường hợp Việt Nam người dân vẫn còn bị đảng Cộng sản kiểm
sóat chặt chẽ rất ít người biết hay quan tâm đến quyền làm người. Vì vậy việc
trước tiên chúng ta cần tạo sự quan tâm, phổ biến và giáo dục người dân về những
quyền tự do căn bản, những quyền mà người dân đương nhiên phải có, những quyền
mà nhà cầm quyền cộng sản đã cam kết với thế giới phải trao trả cho dân tộc Việt
Nam.
Nguyễn Quang Duy