LGT-  "Cô gái Việt Nam ơi ! / Nếu chữ "hy sinh" có ở đời/ Tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ/ Cho lòng cô gái Việt Nam tươi ."  Đó là bốn câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh mà chúng tôi được biết trong một bài học thuộc lòng thời tiểu học trường Hàng Vôi, trước 1954 . ..và chúng tôi đã nhớ mãi cho đến ngày nay .Bốn câu thơ đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn trẻ thơ, đã khiến cho tôi tôn kính, yêu thương mẹ mình nhiều hơn, và cũng muốn được  "nạm vàng" hai chữ "hy sinh" để dâng mẹ tôi, người mẹ góa bụa rất sớm, bương chải nuôi một đàn con ...Đến những năm trung học TV - một thời thanh xuân - chúng tôi được nghe ca sĩ Quách Đàm hát bài "Chiều" do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc từ bài thơ "Mầu cây trong khói" của Hồ Dzếnh, qua vẻ bâng khuâng "nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây" ...của thi sĩ, chúng tôi cảm nhận một sự sâu lắng , nhớ nhung tha thiết một cái gì nhiều hơn là "nhớ nhà" ! Hình như thi sĩ đã bâng khuâng nhớ về quê nội rất xa xôi của ông ...mà mãi...

... sau này, lớn hơn, tìm hiểu nhiều hơn, chúng tôi mới thấy được những mối u hoài  của thi sĩ qua tiểu sử của ông . Bài thơ "Ngập ngừng" của ông được ít nhất ba nhạc sĩ phổ nhạc thành "Anh cứ hen"  do nhạc sĩ Anh Bằng ; "Em cứ hẹn" do Hoàng Thanh Tâm ; và "Ngập ngừng" do Minh Duy . Dù ông làm thơ hay viết văn, tài năng của ông đã  đưa ông lên địa vị quan trọng, hay hàng đầu trong nền Văn Học Việt Nam . Hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc những bài phân tích, ghi nhận hay tạp ghi ...viết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của  nhà thơ Hồ Dzếnh . -  NN
(Hình trên: Nhà văn Hồ Dzếnh - Blog Đào Duy Thanh)