Kinh Bát Nhã Ba La Mật chú Thích của Đai Sư (Nhật Bãn Daiset Tetaro Suzuki)
(1) Có hai
bản kinh cùng nhan đề là Hṛdaya (Tâm kinh): một bản được gọi là Lược
bản, và bản khác được gọi là Quảng bản. Bản dịch ở trên, của bản lược, thông
dụng ở Trung hoa và Nhật bản.
Đoạn mở đầu
của Quảng bản trong nguyên bản Phạn ngữ và Tạng ngữ được tiết lược trong bản
Lược như sau:
[Bản Tạng
ngữ có thêm một đoạn: “Kính lễ Bát-nhã ba-la-mật vượt ngoài ngôn thuyết, tư
tưởng và tán ngữ, vì tự tính như hư không, không sinh, không diệt, là cảnh giới
của huệ và giới, hiển nhiên trong nội tâm chúng ta, và là mẹ của hết thảy các
đấng Thế Tôn trong quá khứ, hiện tại và vị lai.”] “Tôi nghe như vậy. Một thời,
đức Thế Tôn ngự tại thành Vương xá (Rājagṛha), trên đỉnh Linh thứu
(Gṛdhrakūta), cùng với đại chúng Tì khưu và Bồ-tát. Bấy giờ đức Thế Tôn nhập
vào tam-muội Chánh giác thậm thâm.[57] Và cùng lúc đó Đại Bồ-tát Thánh
Quán Tự tại (Āryāvalokiteśvara) đang thực hành tu tập trong Bát-nhã ba-la-mật
sâu xa.”[58]
Đoạn kế
tiếp, cũng tiết lược trong bản lược, như sau:
“Này
Xá-lợi-phất, như thế Bồ-tát phải tự mình thực hành trong Bát-nhã ba-la-mật sâu
xa.” Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn rời khỏi Tam muội và tán dương Đại Bồ-tát Thánh
Quán Tự tại rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử! đúng như vậy! Sự tu tập
Bát-nhã ba-la-mật sâu thẳm cần phải được thực hành như vậy. Đúng như lời ông đã
giảng thuyết, các đức Như Lai và [59] A-la-hán cũng tán dương như thế.”
Đức Thế Tôn hoan hỉ nói như thế. Trưởng lão Xá-lợi-phất và Đại Bồ-tát Thánh
Quán Tự tại cùng với toàn thể chúng hội, và thế giới của chư Thiên, loài người,
A-tu-la (Asura) và Càn-thát-bà (Gandharva), tất cả đều ca ngợi lời của đức Thế
Tôn.”
(2) Nhìn từ
quan điểm khoa học hiện đại, khái niệm về Skandha (uẩn) có vẻ quá mơ hồ
và bất định. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng nguyên tắc phân tích của đạo Phật
không phát xuất từ hứng thú khoa học suông; nó có mục đích giải cứu chúng ta ra
khỏi ý tưởng về một thực tại cá biệt với ảo tưởng là nó hiện hữu như thế suốt
mọi thời. Vì khi ý tưởng này được nhận làm cứu cánh, thì vướng mắc phải cái sai
lầm của sự chấp trước,và chính do chấp trước đó đã từng bắt chúng ta làm tôi
mọi cho bạo lực ngoại giới. Năm uẩn (skandha) (các tập hợp thể, hay các
yếu tố) là: sắc chất (rūpa), cảm thọ hay tri giác giác quan (vedanā),
suy tưởng (saṁjñā), tập thành hay sự tác thành (saṁskāra), và
thức (vijñāna). Uẩn thứ nhất là thế giới vật chất hay chất thể của mọi
vật; bốn uẩn còn là thuộc về tâm giới. Vedanā xuất hiện qua các quan
năng của chúng ta; saṁjñā, suy tưởng hay tư duy (thought) theo nghĩa
rộng nhất, không có từ ngữ tương xứng ở Anh ngữ; hay nó là cái mà tâm phức
biến; saṁskāra là một từ rất khó, không có tương đương trong Anh ngữ; nó
chỉ cho cái tạo nên hình chất, là nguyên lý tạo hình; vijñāna là thức
hay tâm thái. Có những hình thái của tâm thái khá rõ như thấy, nghe, ngửi, nếm,
xúc chạm, và nghĩ tưởng.
(3) Bản dịch
của Huyền Trang có thêm: “(Vị ấy) thoát khỏi tất cả khổ ách 度一切苦厄.”
(4) Không (śūnya)
hay “tính Không” (śūnyatā) là một trong những khái niệm quan trọng nhất
trong triết lý Đại thừa và đồng thời cũng gây nhiều rắc rối khó hiểu nhất cho
những độc giả ngoài đạo Phật. Tính Không không có nghĩa là “tương đối tính“
(relativity) hay “hiện tượng tính“ (phenomenality), hay “cái không chi.”
(nothingness). Nó chỉ cho Tuyệt đối thể, hay cái gì có bản tính siêu việt, dù
nói thế cũng dẫn đến sai lầm như chúng ta sẽ thấy ở sau. Khi các nhà Phật học
tuyên bố hết thảy mọi vật đều Không, họ không xướng xuất một quan điểm hư vô
luận; ngược lại nó hàm ngụ một thực tại tối hậu, vốn không thể đặt dưới các
phạm trù luận lý. Với các phạm trù đó, nếu nói đến tính cách hữu vi của vạn hữu
thì cũng nói luôn hiện hữu của cái hoàn toàn vô vi siêu việt tất cả mọi xác
định. Śūnyatā như thế thông thường cũng được diễn dịch rất chính xác là Tuyệt
đối thể. Khi kinh nói rằng năm uẩn có đặc tướng (yếu tính) là Không (Không
tướng), hay trong tính Không, không có sinh và diệt, không có nhiễm, tịnh,
v.v…, thì có nghĩa rằng: đừng có gán cho Tuyệt đối thể những phẩm tính quyết
định; trong khi nó tiềm tại trong tất cả mọi vật thể cụ thể và cá biệt, nó hoàn
toàn không thể định tính. Do đó, phủ định toàn diện trong triết lý Bát-nhã là
một hệ quả tất yếu.
(5) “Không
có mắt, tai, v.v…” chỉ cho sáu quan năng. Trong triết học Phật giáo, ý thức (manovijñāna)
là quan năng đặc biệt để tri nhận các pháp (dharma) hay các đối tượng
của tư tưởng.
(6) “Không
có sắc, thanh. v.v…” là sáu phẩm chất của ngoại giới, chúng làm đối tượng cho
sáu quan năng.
(7) “Nhãn
giới v.v…,” chỉ cho mười tám giới (dhātu) hay các yếu tố của hiện hữu,
chúng gồm sáu giác năng (indriya: căn), sáu phẩm tính (viṣaya:
cảnh) và sáu thức (vijñāna).
(8) “Cho
đến” (Skt: yāvat; Hán: nãi chí 乃至), rất thông
dụng trong văn học Phật giáo dùng để tránh lặp lại những đề tài đã biết. Những
lối phân loại này hơi có vẻ phức tạp và chồng chéo.
(9) “Không
có minh, không có vô minh…” là phủ định toàn bộ 12 chi duyên khởi (pratītyasamutpāda),
gồm vô minh (avidyā), hành (saṁskāra), thức (vijñāna),
danh sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (ṣaḍāyatana), ái (tṛṣṇā), thủ
(upādāna), hữu (bhava), sinh (jāti), già và chết (jarāmaraṇa).
12 chi duyên khởi này đã được các học giả đạo Phật thảo luận rất nhiều.
(10) Đương
nhiên ám chỉ bốn Thánh đế (satya): 1. Đời sống là đau khổ (duḥkha);
2. Do sự tích tập (samudaya) của các nghiệp xấu; 3. Có thể diệt tận
nguyên nhân của khổ (nirodha); 4. Có con đường (mārga) dẫn tới
diệt nguyên nhân của khổ.
2. Việt dịch theo bản Hán của Huyền Trang
A. Phiên âm Hán-Việt
Quán Tự tại
Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ
nhất thiết khổ ách.
Xá-lợi Tử,
Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc, sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ,
tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Xá-lợi Tử,
thị chư pháp Không tướng bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất
giảm; thị cố Không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ,
thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý
thức giới; vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử
tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố.
Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô
hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Tam thế chư Phật
y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố đắc A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề
Cố tri
Bát-nhã ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị
vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật, bất hư cố; thuyết Bát-nhã
ba-la-mật-đa. Tức thuyết chú viết: Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế,
ba-la-tăng-yết-đế, Bồ đề, tăng sa-ha.
B. Việt dịch[60]
Bồ-tát Quán
Tự tại trong khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, soi thấy năm uẩn đều
Không, vượt qua tất cả mọi khổ ách.
Xá-lợi Tử, sắc không khác Không; Không
không khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Xá-lợi Tử, đặc tướng Không của
các pháp ấy không sinh,[61] không diệt, không cấu, không tịnh, không tăng,
không giảm; do đó, trong Không không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không
có giới của con mắt, cho đến không có giới của ý thức; không có vô minh, cũng
không có sự diệt tận của vô minh, cho đến, không có già và chết, cũng không có
sự diệt tận của già và chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí, cũng
không có đắc. Vì vô sở đắc.
Bồ-đề-tát-đỏa,
do y chỉ Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không bị bưng kín. Do không bị bưng kín, nên
không có sự sợ hãi, xa lìa tất cả điên đảo và mộng tưởng, đạt đến Niết-bàn cứu
cánh. Chư Phật trong ba đời do y chỉ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc A-nậu-đa-la
tam-miệu-tam-bồ-đề
Do đó nên
biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là minh chú vĩ đại, là chú vô
thượng, là chú không gì có thể so sánh, diệt trừ tất cả khổ, chân thật, vì
không hư dối, được gọi là chú Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Tức thuyết chú rằng:
yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề, tăng sa-bà-ha.
Trich từ Thư Viên Hoa Sen
Chú thích của Mây Ngàn:Nếu muốn nghiên cứú sâu rông hơn xin các bạn vô trang links dưới đây:
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-58_4-17418_5-50_6-1_17-199_14-1_15-1/bat-nha-tam-kinh-trong-phat-giao-thien-tong-daisetz-teitaro-suzuki-ban-dich-viet-tue-sy.html
Chú thích của Mây Ngàn:Nếu muốn nghiên cứú sâu rông hơn xin các bạn vô trang links dưới đây:
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-58_4-17418_5-50_6-1_17-199_14-1_15-1/bat-nha-tam-kinh-trong-phat-giao-thien-tong-daisetz-teitaro-suzuki-ban-dich-viet-tue-sy.html
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen