Dieses Blog durchsuchen

Freitag, 25. Dezember 2015

Những Con Đuờng..phiếm luận cuả..Ông già lẩm cẩm South Bay

MN:Đọc trong E-mail cuả bạn từ Paris.............!




 

Đường xưa lối cũ,
có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng,
bóng em đi áo nâu in đường trăng
(Hoàng Thi Thơ)
 

      Nếu Quý vị nào năm nay niên kỷ đã đặng "Thất thập … tầm tử lộ", hoặc chí ít cũng khoảng "6 bó" và đã từng sống ở Sài Gòn lâu năm, chắc hẳn quý vị đã biết trước năm 1954, toàn bộ tên của đường phố này đều mang tên các danh nhơn cũng như các nhơn vật lịch sử của nước Pha lang sa. Điều này cũng dễ hiểu vì Hòn Ngọc Viễn Đông này lúc đó là thủ phủ của xứ thuộc địa Cochinchine (Cô Chín người Tàu), một lãnh thổ thuộc hải ngoại của nước Pháp.

      Kịp tới sau ngày 07.07.1954, (còn được kêu bằng Ngày Song Thất) đánh dấu ngày ông Ngô Đình Diệm nhận Chỉ Dụ của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại trở về Việt Nam nhận chức vụ Thủ Tướng Chánh Phủ. Sau một thời gian ổn định tình hình nội trị, Thủ Tướng Diệm thành lập một Ủy Ban đổi tên đường cho Đô Thành Sài Gòn. Ủy ban này tập trung rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng các học giả uyên bác, họp nhau lại để cùng tìm cách đổi tên đường từ tên Tây ra tên Việt sao cho thật phù hợp với tâm tình của người Việt mình. Và chính nhờ Ủy Ban này mà Thành Phố đã có được một diện mạo mới khiến cho dân Sài Gòn rất đỗi tự hào về Thành Phố mà mình đang sống trong đó. Tôi nói thí tỷ như đường mang tên Boulevard de Charner được đổi thành Đại Lộ Nguyễn Huệ, hoặc đường Avenue Galiéni thành Đại Lộ Trần Hưng Đạo …

      Trên Đại Lộ Nguyễn Huệ ở giữa lộ có những Kiosque bán bông hay những nước giải khát chia cách có trồng bông kiểng để phân con lộ ra làm hai phần nên người Pháp đặt là Boulevard, trong khi đó trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo thì không có mấy cái bồn bông trồng kiểng ở giữa lộ như bên Nguyễn Huệ nên người Pháp kêu bằng Avenue.


                                            
Đại lộ Nguyễn Huệ

      Bữa nay, xin nói về Ủy Ban này đặt tên cho mấy con đường chung quanh khu vực Dinh Độc Lập. Đúng ra phải vẽ sơ cái hoạ đồ của khu vực này đặng quý vị nào không ở Sài Gòn cũng có thể hiểu được mấy con đường đó, nhưng rất tiếc "gua" hổng biết vẽ trên máy ‘"còm piu tơ’" nên đành kể chuyện bằng lời hy vọng quý vị cũng sẽ hiểu đặng cái khéo léo của Ủy Ban này.


                                         
Dinh Độc Lập

      Dinh Độc Lập là một khu tứ giác mặt Chánh hướng về Sở Thú (sau này đổi thành Thảo Cầm Viên) ở cuối đường Norodom. Khi về Việt Nam, ông Thủ Tướng Diệm làm việc và sống cùng gia đình tại Dinh này và Dinh cũng được coi như là biểu tượng cho ông. Ông là nhà lãnh đạo độc thân và theo Đạo Gia Tô. Cho nên Ủy Ban đã đặt như sau:
- Con đường thẳng từ cổng chánh của Dinh xuống Sở Thú tên là Norodom được đổi thành Đại Lộ Thống Nhứt, ngụ ý nói rằng ý chí của tôi (Thủ Tướng Diệm) là thống nhứt đất nước.


                                             Đại lộ Thống Nhất

- Đường chạy dọc theo bên cánh trái Dinh, chạy ngang trước cửa Vườn "Bồ Rô" (Công Viên Tao Đàn) và Trường Trung Học Lê Quý Đôn hiện giờ, tên là Chasseloupe Laubart, dân Sài Gòn thuở ấy kêu là đường ‘"Xách cái lu đi qua cây da’", được đổi thành Đường Hồng Thập Tự ý nói bên tay trái của tôi là lòng bác ái.


Đường Hồng Thập Tự

- Đường chạy cặp theo cánh phải của Dinh được đặt là Nguyễn Du, một Đại Thi Bá của Việt Nam, ý nói tay mặt của tôi cũng là một người yêu chuộng văn hóa Việt Nam.
- Đường chạy ngang trước mặt Dinh tên Tây là Mac Mahon (Bạc má hồng), đổi thành Đường Công Lý, trước mặt tôi luôn luôn là công lý.


Đường Công Lý

- Và đặc sắc nhứt có lẽ là con đường nhỏ chạy ngay phía sau Dinh, Đường Huyền Trân Công Chúa, phía sau lưng tôi cũng có một người đàn bà "chứ hỷ" ?!

      Ngoài ra, ở phía trước mặt Dinh có một công viên trồng toàn cây Sao Đen đến nay toàn bộ số cây này đã có hơn 100 tuổi và rất đẹp, cứ vào mùa con nít đi học nghỉ hè thì khu vực này rộn lên tiếng ve kêu và khi hết Hè thì những chùm bông Sao Đen, sau một cơn gió nhẹ, rụng xuống xoay tròn trên không trước khi chạm đất, coi thiệt là đẹp và … nhớ ơi là nhớ !

      Cặp theo hai bên hông của Công Viên, nghĩa là chạy dọc theo hai bên của Đại Lộ Thống Nhứt, có hai con đường nhỏ. Một chạy xéo xéo từ cửa bên phải Dinh ra tới cửa hông bên phải của Nhà Thờ Nhà Nước (Nhà Thờ Đức Bà Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn) được đặt tên Hàn Thuyên, người sáng tạo ra chữ Nôm của dân tộc ta. Đối lại, một con đường chạy khởi đầu ở xéo xéo cửa trái Dinh ra tới ngã ba Duy Tân, con đường này chạy ngang qua trước cửa Bộ Ngoại Giao cũ được đặt tên Alaxandre De Rhode, người tạo ra chữ Quốc Ngữ mà hiện nay chúng ta đương xài.

      Tưởng cũng nên nói ra ngoài đề tài một chút là, chắc hẳn quý vị còn nhớ cũng tại Công Viên này, trước cửa Bộ Ngoại Giao có một pho tượng bằng đồng đứng trang nghiêm trên một bệ đá hoa cương bóng ngời chớ ? Thưa đó là bức tượng tạc Nhà Ngôn Ngữ Học lừng danh chẳng riêng gì của Việt Nam mà còn của Thế Giới nữa. Cụ biết tổng cộng 26 ngôn ngữ cả Sanh lẫn Tử ngữ. Đó là tượng của Cụ Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tượng Cụ mặc áo dài, đầu đội khăn đóng kiểu người Nam, tức là loại khăn mà ở giữa trán có xếp hình chữ Nhơn. Tay mặt Cụ ôm cuốn sách. Mặt hướng về phía bờ sông Sài Gòn. Pho tượng này là một trong những pho tượng tuyệt mỹ của Đô Thành, ấy vậy mà … sau ngày 30.4.1975, người ta nỡ lòng nào giựt sập xuống rồi đem quăng bù lăn bù lóc phía sau Dinh Gia Long. Ngó thiệt là tội. Sau này không biết là do ý kiến của ai. Có lẽ của Học Giả Nguyễn Đình Đầu chăng ? Tượng của Cụ Trương được đem về cho đứng tạm trú ở hành lang phía sau nhà của Chú Hoả. Một lần, tình cờ thả bộ theo Đường Hồ Văn Ngà (nay là Lê Thị Hồng Gấm) từ ngã tư Phó Đức Chính hướng về Nguyễn Thái Học, tôi nhìn thấy tượng Cụ đứng quạnh hiu trên hành lang phía sau nhà ông cự phú người Ăng Lê gốc Tàu, đang đứng ngắm Cụ bỗng nhiên căn nhà chỗ tôi đứng trên đường này phát ra bài ca nhè nhẹ buồn buồn của ông Trịnh công Sơn: ‘"…Giọt nước mắt thương anh trên vận nước điêu linh, giọt nước mắt không tên xin để lại quê hương …". Trời ơi hai hàng nước mắt tôi tự nhiên rơi xuống sao mà thảm sầu cho Cụ. Không hiểu người ta thù ghét gì Cụ mà bắt đày đoạ không cho Cụ về nhà của Cụ, nhà Cụ cũng bề thế lắm chứ bộ ! Ai có đi trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo tới ngay ngã tư Trần Bình Trọng nhìn thấy số nhà 520 Trần Hưng Đạo (gần Nhà Thờ Chợ Quán) đó chính là nhà của Cụ Trương. Cha đẻ của làng báo Việt Nam và cũng của Đông Nam Á nữa. Vậy mà … Nhưng suy nghĩ kỹ thì thấy Cụ Trương vẫn còn hên hơn Thông Hiệp (Quách Đàm), người đã bỏ tiền ra xây cho bá tánh ngôi chợ đẹp và lớn nhứt trong Chợ Lớn (Chợ Bình Tây) để bà con có chỗ mua bán. Vậy mà tượng của Ông trong chợ bị giựt sập, đầu lìa khỏi cổ. Đầu thì đem quăng trong khu Nhà Thờ Hầm trên Phú Thọ Hoà, còn thân mình thì ‘"được’" đem đi nấu đồng bán ve chai !

      Trở lại chuyện tên đường, ngoài khu vực Dinh Độc Lập, Ủy Ban đặt tên đường còn áp dụng nguyên tắc đặt tên đường theo Cụm để giúp cho người ở xa tới có thể dễ dàng tìm ra con đường mà mình muốn kiếm.

      Thí dụ Cụm đường mang tên các nhà thơ, thi sĩ ở Quận Ba hoặc Cụm đường mang tên các Nhà Cách Mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Quận Nhứt v.v… Ở Quận Ba có một loạt các tên đường như Lê Quý Đôn, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Nguyễn Thông, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Hồ Xuân Hương … tất cả các con đường này đều nằm gần nhau hoặc giao cắt nhau rất dễ kiếm, chỉ cần nói tên ra là có thể biết nó nằm ở khu vực nào liền.



      Ở Quận Nhứt thì có cụm Đường Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Khắc Nhu, Ký Con, Phó Đức Chính … cũng nằm gần nhau như bên Quận Ba thiệt là khoa học và dễ nhớ.

      Ngoài các cụm đường mang tên các nhà thơ, thi sĩ hay các Nhà Cách Mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, Ủy Ban có dùng các địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống quân Nguyên như Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn để đặt cho các con đường chạy dọc theo bờ sông của Đô Thành như Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương (Quận Nhứt, Nhì), Bến Hàm Tử (Quận Năm), Bến Vân Đồn (Quận Tư) …

      Còn các con đường khác, thì Ủy Ban căn cứ vào các sự kiện có thật liên quan tới con đường mà đặt tên tiếng Việt mình cho phù hợp. Thí dụ như Đường Lê Văn Duyệt chẳng hạn. Đường này khởi đầu từ Ngã Sáu Sài Gòn (nơi Bùng binh có đặt tượng Phù Đổng Thiên Vương) chạy tuốt lên tới tận … Nam Vang, Thủ Đô xứ Chùa Tháp ! Gì mà dài dữ vậy Ông ?

      Dạ, tại vì tên đường cũ của đường này là Verdun, nó nối liền với Quốc Lộ 1 vào thời đó ở ngã tư Bảy Hiền, mà Quốc Lộ 1 thì chạy xuyên suốt từ Bắc vô Nam và lên tới Nam Vang.

      Trên con đường này, ở phía bên số lẻ, nằm ngay góc ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt có Tòa Đại Sứ Cao Miên toạ lạc. Tòa nhà này sau ngày 30.4.75 là ủy ban nhân dân Quận 3. Và tòa nhà này cũng đã từng bị Sanh Viên, Học Sanh Sài Gòn nổi giận chiếm giữ để cảnh cáo vụ Miên Lon Nol tàn sát người Việt mình hồi năm 1970. Tại sao Ủy Ban không lấy tên Ngài (Lê Văn Duyệt) đặt cho con đường chạy ngang trước cửa Lăng thờ Ngài bên Bà Chiểu mà lại đem đặt cho con đường nằm tuốt bên Sài Gòn là sao ? Nó có căn nguyên của nó như vầy. Đức Tả Quân của chúng ta thời Ngài làm Tổng Trấn Gia Định Thành đã có công lớn trong việc thần phục người "Đàng Thổ" ở Nam Kỳ cho nên Ủy Ban mới lấy tên Ngài thay cho tên Verdun của Tây. Vả lại con đường này cũng chạy ngang qua một khu vực có tên là ‘"Mả Nguỵ" trong vụ án Lê Văn Khôi dưới trào Vua Minh Mạng.

      Cũng liên quan tới vụ người Miên, gần đó có con đường mang tên Trương Minh Giảng, đường này xuất phát từ ngã ba Trần Quý Cáp chạy thẳng xuống tới cây cầu bắc ngang qua Kinh Nhiêu Lộc. Bên kia cầu là Sở Rác của Đô Thành và thuộc Tỉnh Gia Định, thời đó chỗ này còn hoang vắng lắm, chưa có chợ Trương Minh Giảng, bên nay cầu phía Sài Gòn thì mấy ‘"Anh Bảy Chà Và’" nuôi bò, dê, cừu … thả rông ăn cỏ ở hai bên khu vực cầu. Trên con đường này, cũng bên số lẻ nằm ở góc ngã tư Ngô Thời Nhiệm - Trương Minh Giảng là nhà của Ông Đại Sứ Miên, còn ở cuối đường dưới dốc cầu thì có một Ngôi Chùa Miên (bên số chẵn) duy nhứt trong Đô Thành. Sở dĩ lấy tên Trương Minh Giảng đặt cho con đường này (tên Tây là Amiyo des Vergne) là vì Cụ Trương Minh Giảng là Vị ‘"Toàn Quyền’" đầu tiên của Việt Nam mình bên xứ Miên và chính Cụ là người đã đặt tên cho Thủ Đô Phnom Pênh của xứ này là Nam Vang.

      Có lẽ cũng vì chuyện đặt tên đường như vậy cho nên Thái Tử Sihanouk trị vì xứ Miên rất có ác cảm với chánh phủ của Thủ Tướng Diệm, ông này luôn tìm cách phá rối khu vực biên giới Miên - Việt và đã có lần huênh hoang tuyên bố sẽ xua quân qua đánh Việt Nam cho tới tận cây thốt nốt số 1 !

      Cây thốt nốt số 1 là cái gì và ở đâu mà Ông Hoàng này lớn lối dữ vậy ? Cây Thốt Nốt là biểu trưng cho Xứ Miên (Royaume Du Cambogde, nay gọi là Kămpuchia), mà trước cổng Lăng Thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt lại có trồng một cây thốt nốt rất đẹp, dưới đất chỉ có một gốc nhưng phía trên mặt đất thì lại trổ ra hai thân uốn cong cong tự nhiên, người Miên gọi cây này là cây thốt nốt số 1. Ý của ông Hoàng muốn nói là sẽ xua quân đánh qua tới Sài Gòn, theo kiểu Chế Bồng Nga đánh vào Thăng Long hồi Thế Kỷ XIII, Chế Bồng Nga làm được còn ông Hoàng này chỉ làm "Nổ" cho đã miệng chớ nào dám như Chế Bồng Nga của Chiêm Thành.

      Còn con đường mang tên Cụ Phan Thanh Giản nữa. Đường này khá dài khởi điểm từ ngã bảy Sài Gòn, chạy một chiều ra tới ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đụng kinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là hết. Thời đó chưa có cầu Phan Thanh Giản vì chưa làm Xa Lộ Sài Gòn - Biên Hòa.

      Con đường này chạy ngang qua mặt trước của Đất Thánh Tây (Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi) nơi dành riêng chôn mấy người Pháp và người có quốc tịch Pháp sống ở Sài Gòn khi họ qua đời. Dân Sài Gòn kêu là Đất Thánh Tây cũng là lẽ đó. Đường này tên Tây là Legrand De Laireray.

      Thuở nhỏ vì nhà ở gần khu Đất Thánh này nên tôi hay chạy vô trong đó chơi. Mả Tây trong này xây rất đẹp, có mả phía trước gắn nguyên một con chim đại bàng giang rộng đôi cánh thiệt bự, có mả còn để nguyên mấy vòng bông cườm thiệt, tụi trẻ chúng tôi hay ngắt mấy sợi cườm này đem về nhà xỏ xâu đeo chơi và bị ‘"Anh Bảy Chà" gác gian (người gác cửa Đất Thánh là … anh bảy Ấn Độ) rượt chạy vòng vòng rất vui. Một bữa tình cờ đi coi mấy cái mả bỗng tôi thấy có một ngôi mả nho nhỏ bằng đá hoa cương (đá Granite), trên mặt mả là mộ chí có đề chữ, xin được dịch ra tiếng Quốc ngữ, như vầy: "Đây là nơi an nghỉ của Legrand de Lalireray Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến Hoàng Gia Pháp …"

      À ! Ra vậy ! Con đường mang tên ông Tây thực dân này ở ngoài kia là tại vì có ổng nằm trong này đây !

      Ngôi mả này nho nhỏ có lẽ là do hốt cốt cải táng từ đâu đó rồi đem về chôn ở nơi đây. Mà ông này theo tôi, có lẽ là người đã tham dự vào chuyện hạ Thành Vãng Long (Vĩnh Long) do Quan Khâm Sai Đại Thần Phan Thanh Giản trấn giữ. Quan Khâm Sai đã từng được Vua Tự Đức tín nhiệm giao làm Trưởng Phái Đoàn thương thuyết của Triều Đình Huế qua Pháp thương lượng chuộc lại 3 Tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa - Gia Định - Định Tường).



      Vì đã qua Pháp, Cụ đã thấy được sức mạnh của võ khí của người Tây dương nên Cụ truyền nộp Thành để tránh cho bá tánh muôn dân khỏi đổ máu trước súng đạn của Tây, để rồi sau đó Cụ dùng độc dược tuẫn tiết mà tạ lỗi với Vua và với Đất Nước.

      Và vì lý do này mà Ủy Ban đã thay tên Legrand de Lalireray … bằng tên Phan Thanh Giản như đã thấy.

      Sau khi Cụ Phan qua đời, gia đình đưa Cụ về táng tại làng Bảo Thạnh, Huyện Ba Tri Tỉnh Định Tường (nay là Bến Tre). Mộ Cụ rất đơn sơ nằm trên ngọn đồi cát trông ra biển. Gần đó, cùng làng Bảo Thạnh có mộ của Cụ Võ Trường Toản, năm 1969 tôi có đến viếng mộ hai Cụ nhưng riêng mộ Cụ Võ Trường Toản thì không thấy đề tên chỉ thấy bia mộ ghi như sau: "Một người được lịch sử đánh giá là Trung Nghĩa". Còn mộ Cụ Đồ Chiểu thì táng tại làng An Đức cùng huyện. Sau năm 1975, người ta tôn vinh Cụ Đồ, xây lại mả của Cụ rất bề thế, mả của Cụ Võ Trường Toản thì được Hội Cựu Học Sanh Võ Trường Toản ở Sài Gòn phối hợp với sở văn hóa tỉnh trùng tu lại ngó cũng đặng.

      Riêng mộ Cụ Phan - Ông Nghè (Quan Tiến Sĩ) đầu tiên của Nam Kỳ thì vẫn đơn sơ hiu hắt, trơ trọi một mình trên đối cát. Tuy nhiên, bù lại, mộ Cụ Phan vẫn được nhơn dân bá tánh trong vùng trọng vọng, không để cho suy sụp, hư hao theo năm tháng. Theo thiển ý, nếu vong linh hai Cụ Đồ Chiểu và Võ Trường Toản có linh hiển thì chắc hai Cụ cũng không bằng lòng với chuyện trùng tu mả của mình bề thế hơn mả của Cụ Phan. Như vậy là bất kính đối với bề trên.

      Cả hai Cụ đều là người. Một "Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha". (Lục Vân Tiên), một "Được lịch sử đánh giá là Trung Nghĩa". Do vậy, chắc là hai Cụ rất phật ý về việc làm của nhà đương cục Tỉnh Bến Tre đã ưu ái dành cho hai Cụ mà bỏ mặc cho bề trên của hai Cụ là Cụ Phan.

      Ngoài ra, bên cạnh Đường Phan Thanh Giản, chạy song song với Đường Hai Bà Trưng, nằm dọc theo cánh trái của Nghĩa Trang này còn có 2 con đường nhỏ mang tên hai người con của Cụ là Quý Ông Phan Liêm và Phan Tôn. Nhị Vị này sau khi thân phụ mất đã nổi lên chống lại người Pháp và được Ủy Ban đặt tên nằm ngay sát bên thân phụ của mình. Thiệt là đầy ý nghĩa rất đáng khâm phục.

      Thưa Quý Vị đó chỉ là một vài con đường thí dụ điển hình để minh họa cho sự tài tình và tinh tế của Ủy Ban đặt tên đường của Đô Thành Sài Gòn dưới thời cũ của miền Nam.

      Ngoài ra cũng còn phải nhắc đến một điều nho nhỏ nhưng không kém phần quan trọng trong việc đổi tên đường của Ủy Ban. Đó là việc ghi thêm tên con đường cũ trên bảng tên đường mới đổi để người dân trong Thành Phố khỏi bị "chưng hửng, ngỡ ngàng" mỗi khi đọc tên đường mới. Bộ Công Chánh thời đó bắt buộc trên mỗi bảng tên đường mới đổi được đặt ở các góc đường nơi nó chạy ngang qua, đều phải ghi rõ tên đường cũ ngay phía dưới tên mới. Thí dụ Đường Phạm Ngũ Lão ở Quận Nhì chạy dọc theo ga xe lửa Sài Gòn bên phía rạp hát Thành Xương và chợ Thái Bình thì phía dưới tên Phạm Ngũ Lão phải ghi thêm hàng chữ: Ex: Colonel Grimaux, hoặc như Đường Cống Quỳnh gần đó thì Ex: Arrass. v.v…

      Mỗi tên đường của Đô Thành Sài Gòn không những là một công trình nghiên cứu của Ủy Ban mà còn mang đầy những ký ức, những kỷ niệm của người dân nơi đó.

      Những con đường của tuổi trẻ thì có:

      Con đường vòm lá me xanh biếc mát rượi thỉnh thoảng điểm vài tiếng hót vút cao của loài chim nhỏ dễ thương tên là vành khuyên (dân Sài Gòn gọi là chim khoen màu xanh) mà ở cuối đường vòm lá me nhìn thấy thấp thoáng chiếc cổng màu trắng của Trường Nữ Trung Học Saint Paul (Trường Nhà Trắng) trên Đại Lộ Cường Để (đây là đoạn Đường Gia Long chạy ngang qua trước cửa Nhà Thương Đồn Đất (Bệnh Viện Grall) cho tới ngã ba Cường Để). Hoặc "con đường Duy Tân cây dài bóng mát, con đường của đôi mình, con đường tình ta đi …".

      Hay con đường của quý vị muốn tìm hiểu lịch sử hiện đại thì có:

      Nằm ngay góc Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (bên số chẵn) đối diện với Tòa Đại Sứ Cao Miên chỗ cây xăng, nơi Hòa Thượng Thích Quảng Đức bị sư Việt Cộng Nguyễn Công Hoan tẩm xăng thiêu đốt để phản đối chánh quyền của Tổng Thống Diệm năm 1963.

      Hoặc như trước Dinh Thủ Tướng, số 2 Đại Lộ Thống Nhất (ngay trước cửa Thảo Cầm Viên Sài Gòn) sanh viên, học sanh thời đó (năm 1964) đã có một cuộc biểu tình chống độc tài vô tiền khoáng hậu do Ông Nguyễn Trọng Nho lãnh đạo đã làm sụp đổ chế độ của ông Tướng râu Nguyễn Khánh.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn

      Nhiều lắm ! Nhiều lắm, nói không hết trong vài trang ngắn của diễn đàn này quý vị ơi !

      Thế rồi … Tang điền biến vi thương hải, ngày định mạng 30.4.1975 ập tới  ! …

      Ngày 30.4.1975 định mạng ập tới ! Quả đúng là như vậy. Người xưa nói ít có trật lắm !



      Sau ngày này, tất cả mọi chuyện đều thay đổi, thay đổi đến mức ngỡ ngàng. Đồng ý chuyện thay đổi là thường tình của lịch sử nhơn loại, thế nhưng ở Việt Nam mình thì chuyện thay đổi này kỳ quái lắm, nó làm chậm lại bước phát triển của dân tộc so với các nước trong khu vực khoảng 20 - 25 năm, tức là làm mất đi hẳn một thế hệ con người.

      Sau ngày này, đáng lẽ ra các người chiến thắng phải biết khiêm tốn một chút thì đỡ khổ cho dân tình biết bao nhiêu, ngược lại, với mặc cảm tự tôn, kiêu căng cộng với cái gọi là "trình độ hạn chế" (một cách nói để che dấu cho sự dốt nát) họ đã tự tạo ra cho chính họ một lực cản, một chướng ngại vật làm trì trệ cho sự phát triển của đất nước.

      Quả thật ngày 30.4.1975 là ngày định mạng của đất nước, những người cộng sản chiến thắng thì gọi ngày này là bước ngoặt của lịch sử. Nói tới lịch sử thì trong tiến trình phát triển của lịch sử nhơn loại đã minh chứng rằng không phải lúc nào người chiến thắng cũng có được một nền văn minh cao hơn kẻ chiến bại. Ngược lại, chưa hẳn kẻ chiến bại lúc nào và bao giờ cũng là một tập đoàn ngu tối hơn người chiến thắng. Điều này đã được xác định từ Đông sang Tây của lịch sử. Vào Thế Kỷ XIII bên Trung Hoa của Đông phương, triều đại Nhà Nguyên đã chiến thắng triều đại Nhà Tống, thế nhưng vó ngựa chiến chinh bách chiến từ Á qua Âu của Thành Cát Tư Hãn chỉ chịu ngừng bước trước nước Đại Việt của chúng ta và hoàn toàn bị khuất phục bởi nền văn minh của nhà Tống đã thiết lập trước đó. Sau này cũng tại Trung Hoa vào Thế Kỷ XVII, triều đại Nhà Thanh đã đè bẹp chế độ của Minh Thành Tổ Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra Nhà Minh. Sau chiến thắng, người Mãn dù có trình độ phát triển thấp hơn so với người Hán của nhà Minh, nhưng họ cũng đã biết giữ gìn những thành tựu văn hóa của nhà Minh để lại. Điển hình là các đền đài, lăng tẩm của nhà Minh như khu vực Tử Cấm Thành, Thiên An Môn còn lưu lại nguyên vẹn cho đến ngày nay ở Thủ Đô Bắc Kinh.

      Bên Tây phương thì nền văn minh của Cổ Hy Lạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Đế Quốc La Mã.

      Còn ở Việt Nam sau ngày định mạng này, tất cả mọi sự đều thay đổi. Chuyện thay đổi là tự nhiên, thường tình nhưng sự thay đổi ở đây khiến cho người dân miền Nam không khỏi bỡ ngỡ, bàng hoàng vì tính chất lạ lùng mà từ trước tới nay người dân miền Nam chưa bao giờ thấy. Thiệt đúng là Cách Mạng !

      Cũng vì mặc cảm tự tôn, kiêu căng, cực đoan của người chiến thắng mà chỉ sau 1 thập niên quản lý Thành Phố, họ đã biến Thành Phố Sài Gòn, được ví như một cô gái trẻ xinh đẹp vào bực nhứt của khu vực Đông Nam Á trở thành một bà già xấu xí, lem luốc đến thảm hại. Điều này bắt nguồn từ ngày 10.10.1954 (ngày tiếp quản Thủ Đô Hà Nội) cho tới thời điểm 1989 được coi như xuất phát điểm của công việc đổi mới TiVi ý quên ! xin lỗi ! Đổi mới tư duy của người chiến thắng. Sau ngày tiếp quản Hà Nội, Người cộng sản tuyên bố chọn học thuyết Mác-Lênin làm kim chỉ nam trong việc cai trị và điều hành đất nước. Họ đã áp dụng một đường lối cai trị nghiệt ngã trên toàn quốc. Đường lối này là "đóng cửa rút cầu" với thế giới bên ngoài ngoại trừ với phe xã hội chủ nghĩa anh em. Đường lối này nhìn chung chẳng khác với chánh sách "Bế Môn Toả Cảng" của Triều Đình Tự Đức Nhà Nguyễn là mấy, nếu không muốn nói là tương tự. Vậy mà họ lại lớn tiếng lên án chánh sách này là hủ bại và phản động. Và hệ quả là: "Úi giời ơi ! Quả thật là hiện đại ! Hiện đại !".

      Đó là lời cảm thán bàng hoàng nhưng trung thực được thốt ra từ một người chiến thắng, ngồi ghế trước một chiếc xe Jeep lùn (có lẽ là chiến lợi phẩm) đầu đội nón cối có gắn huy hiệu hai hàng bông lúa bao quanh ngôi sao vàng, hông đeo súng ngắn đựng trong bao da, phía sau xe có 3 anh bộ đội trẻ cầm tiểu liên AK-47, tất cả đều bận quân phục màu Olive đã bạc màu, nhoài người ra ngoài xe ngước nhìn những ngọn đèn thủy ngân cao áp đang phả ánh sáng hồ quang soi sáng đường phố ở khu vực "bùng binh chợ Sài Gòn" mà tôi đã nhìn thấy vào buổi tối hôm 02.5.1975.

      Ban đêm bầu trời Sài Gòn rực sáng đến nỗi ở tuốt trên Củ Chi hay trong rừng mật khu Hố Bò gì đó, có một anh chiến binh việt cộng nhìn thấy đã làm thơ ca ngợi như sau:
      "…. Cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ ấy,
      Cứ đêm đêm nhắc nhở gọi ta về …"

      (Người chiến binh này là một trong những người con trai của Ông Ca Văn Thỉnh, sau này được lấy bút danh đặt tên cho một con đường nhỏ nằm xéo xéo trước rạp hát Long Phụng ở Quận 1).

      Ban đêm Sài Gòn là như vậy còn ban ngày … thôi hết biết luôn !
- Phố phường, chợ búa tấp nập người mua kẻ bán nhộn nhịp, huyên náo.
- Đường xá xe cộ lưu thông dập dìu nhưng rất trật tự.
- Người dân từ nam thanh nữ tú cho tới ông già bà cả đều ăn mặc thanh lịch, nói năng nhã nhặn …

      Đúng như lời bài ca của ông nhạc sĩ Y Vân ca ngợi: "Sài Gòn đẹp lắm ! Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !".

      Điều này nếu đem so với Thủ Đô Hà Nội của những người chiến thắng, được tự phong là "Thủ Đô của phẩm giá con người" thì … chính vì vậy mà bà văn sĩ Dương thu Hương của Hà Nội đã phải bật khóc giữa đường phố Sài Gòn khi nhìn thấy tận mắt Thủ Đô của "Ngụy" Quyền miền Nam.


      Và để làm giảm bớt sự phồn thịnh của Sài Gòn, những người chiến thắng đã đặt cho "Nàng" một cái tên hợm hĩnh là "Thành phố phồn vinh giả tạo" do Mỹ - Ngụy để lại !

      Ấy vậy mà chỉ 2-3 năm sau cái ngày định mạng này thì:
- Đường phố ban đêm tối tăm vì bóng đèn đường cao áp đã đến thời kỳ hết tuổi sử dụng nhưng không có bóng đèn mới thay thế, và cũng chính vì lẽ đó mà những con đường u tối này đã trở thành khu chợ "bán hoa" vào ban đêm.
- Hè phố dành cho người đi bộ bị cuốc lên nham nhở đặng trồng … khoai lang !
- Sân cỏ ngày nào xanh mướt của các ngôi biệt thự ở Quận Ba, giờ đây xuất hiện vài ba cái chòi lợp tạm bằng mấy tấm tôn rỉ sét để làm chuồng … nuôi heo cải thiện !
- Nhà cửa mặt tiền hai bên đường phố thì "cơi nới" (một hình thức xây cất bất hợp pháp) vô tội vạ bất kể tới trật tự đô thị hay vẻ mỹ quan của thành phố.
- Tệ nạn đục tường, trổ vách để được … tiến ra mặt tiền, ngõ hầu có chỗ tranh mua tranh bán bát nháo, loạn xà ngầu …

      Có lần tò mò, tôi có hỏi thăm mấy ông bà cán bộ được phân cho ở trong mấy căn nhà đó: "Tại sao lại làm chuyện kỳ cục như vậy ?". Thì mấy ông bà này trả lời tỉnh "gueo" như sau. Nói xin lỗi bà con nghen: "Bộ của ông của cha gì mình mà giữ gìn cho mệt ông ơi !". Quả đúng là "lương tâm hổng bằng lương thực".

      Từ đó bộ mặt của Sài Gòn trở nên nhếch nhác, tiêu điều để đến nỗi mỗi năm cứ vào những dịp có lễ lạc lớn như lễ quốc khánh, Tết Nguyên Đán … Chánh quyền sở tại phải xuất công nho của thành phố ra mua sơn, vôi rồi mướn công nhơn đi sơn phết, quét vôi mấy căn nhà mặt tiền này đặng coi cho đỡ khổ một chút. Mấy chục năm sống trong thành phố này, tôi chưa từng thấy có chánh quyền nào lại đi bỏ tiền của ra mua sơn, vôi về sơn quét miễn phí cho nhà tư nhơn như chánh quyền của mấy người chiến thắng này. Thiệt hết biết !

      Phố xá, nhà cửa đã như vậy thì tên đường cũng phải thay đổi theo là chuyện đương nhiên. Tiền mà còn đổi huống chi là tên mấy con đường. Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó. Người chiến thắng đổi tên đường không theo một quy tắc nào hết, họ đổi theo cảm tính cá nhơn hoặc đổi do có tác động từ một lý do không bắt nguồn từ văn hóa mà từ … tiền bạc chẳng hạn.

      Vì cảm tính duy ý chí (thuật ngữ này là của người cộng sản đặt ra) nên họ đã khiến cho người Sài Gòn đặt ra những câu châm biếm, chọc ghẹo về tên của 2 con Đường Đồng Khởi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa như quý vị đã biết.

      Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
      Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.

 
      Về tên của 2 con đường này, theo thiển ý, nếu họ có suy nghĩ đừng theo cảm tính tự tôn, tự phụ của người chiến thắng thì nên chọn như sau:

      Lấy con đường bắt đầu từ Cầu Phú Lâm, bắc ngang qua Rạch Ông Buông, trước cửa nhà ông dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín trong Quận Sáu, chạy theo Quốc Lộ 4 (nay là Quốc Lộ 1) xuống tới Mỹ Tho, qua Bắc Rạch Miễu về Bến Tre mà đặt cho nó cái tên là Đồng Khởi thì trúng ngay bóc !

      Hoặc lấy con đường khởi đầu từ ngã tư Bảy Hiền chạy qua Cầu Tham Lương thẳng tuốt tới Hóc Môn rồi đặt tên là Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì … tuyệt chiêu luôn, khó có ai có thể dè bĩu, châm chọc cho đặng ! Nhưng tiếc thay …!

      Còn những con đường khác trong Thành Phố như toàn bộ đường mang tên các vị Vua Triều Nguyễn đều bị dẹp bỏ, ngoại trừ Hàm Nghi, để thay thế bằng tên của các người chiến thắng mà hầu như dân Sài Gòn chẳng hề biết đến họ là ai trong lịch sử.

      Thí dụ đường mang tên Tướng Đỗ Thanh Nhân của Triều Nguyễn nằm bên Quận Tư thì được thay bằng Đoàn Văn Bơ, đường Thoại Ngọc Hầu (chạy ngang trước cửa dược phòng của Đông Y Sĩ lừng danh Thủ Tạ (Ông Tạ) được thay bằng Phạm Văn Hai, đường Phát Diệm chạy ngang cửa Trường Tiểu Học Cầu Kho ở Quận Nhì thì được đổi ra Trần Đình Xu. Nghĩa là lung tung, rải rác khắp nơi. Điều này gây khó khăn không ít cho những người được mang danh là "Thổ địa của thành phố" mỗi khi muốn hỏi về tên những con đường này coi nó nằm ở đâu trong Thành Phố ?

      Đúng lẽ ra, những con đường mang tên mấy người chiến thắng này như tên của Quý Vị: Hai, Cội, Đừng, Cân, Sáu, Xu, Bơ, Bánh, Đậu phải được đặt chung vào một cụm gần nhau cho dễ kiếm mỗi khi cần.

      Cảm tính là như vậy đó !

      Còn tác động của tiền bạc làm thay đổi tên đường thì điển hình như :
- Đường Hồng Thập Tự, sau ngày định mạng được đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Đường Pasteur đổi ra Nguyễn Thị Minh Khai.

      Nhơn dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Viện Pasteur Sài Gòn, chánh phủ Pháp bèn thương lượng với nhà cầm quyền thành phố là sẽ chi viện cho thành phố một ngân khoản viện trợ để gọi là trùng tu lại cơ sở khoa học mang tên Nhà Bác Học lừng danh Louis Pasteur (dân Sài Gòn ngày xưa gọi cơ sở này một cách nôm na dễ thương là "Nhà thương thuốc chó" vì hễ bị chó cắn là tới đây chích ngừa miễn phí, người gõ bài này khi xưa cũng đã từng được chích ngừa 8 mũi thuốc ngừa bịnh chó dại đau thấu trời đất tại nhà thương này), đổi lại, chỉ xin phục hồi lại tên đường cũ của trước ngày định mạng 30.4.75 thôi. Và thế là bà Nguyễn Thị Minh Khai đang "đè" ông Pasteur từ sau ngày này, bỗng nhiên bị hất xuống cho chạy qua xoá tên quê hương của mình là Xô Viết Nghệ Tĩnh để được ngự tại đó cho tới bây giờ.

      Còn nhiều con đường khác bị thay thế một cách ngớ ngẩn như Đại Lộ Thống Nhứt được thay bằng đường (Đường chớ hổng phải Đại Lộ à nha !) 30 tháng Tư. Nghe cũng hợp lý lắm. Ấy vậy mà sau khi "anh Ba" Lê Duẩn qua đời, ông 10 Cúc Nguyễn văn Linh bèn "nâng bi" lấy điểm tài khôn đối ra thành đường Lê Duẩn, thiệt là … hết chỗ nói.

 
      Cũng nên nói thêm ở đây cho rõ là tất cả mọi con đường trong Thành Phố này dù lớn cỡ 80 thước bề ngang cũng ngang bằng với con đường hẻm 5 thước bề rộng. Tất cả đều là đường ráo trọi, không có đại lộ tiểu lộ gì hết. Hà Nội là Thủ Đô của cả nước còn chưa có đại lộ mà Sài Gòn dám có là sao ? Muốn phạm thượng hả ? Và thế là ngày nay nếu Vị nào có về Sài Gòn thăm lại chốn cũ thì sẽ thấy đường, đường, đường … còn đại lộ thì … vô tư quên đi. Boulevard, Avenue … là của Tư Bổn, ta khác, không được cãi nghe chửa ?!

      Thưa Quý Vị bài viết về tên đường tới đây cũng là quá dài rồi. Xin phép cho được ngừng ở đây, hẹn sẽ bàn tiếp về chuyện khác cũng thú vị lắm. Nếu quý vị đọc bài này thấy cũng đỡ đỡ thì xin Quý Vị chớ có khen tặng ông già này đã "làm tốt" công việc kể chuyện. Khen như vậy "gua" giận lắm nghen ! Ngày xưa, trước ngày định mạng, người miền Nam không bao giờ nói làm tốt. Khen ai thì nói: "Ông (Bà) hay Anh Chị đã hoàn thành xuất sắc công việc này, hoặc đã làm việc thật xứng đáng để được khen thưởng …." Chớ không bao giờ người ta khen là làm tốt như mấy ông cộng sản ngày nay ưa xài. Tại sao vậy ? Xin thưa rằng Làm Tốt mà nói lái lại thì … đúng như Bùi Bảo Trúc Tiên Sanh của tuần báo Việt Tide ở mục có hình con khỉ ở đầu trang mà Tiên Sanh khen là giống với tác giả nhứt đã viết như sau:

      "Xấu thì thật là xấu, xem thì rất thích xem. Nhắc đến là thèm, bảo ăn thì giận".
      Đàng này không bảo ăn mà là … táp ! Hỏi không nổi khùng sao đặng ?
 
Kính.

Ông già lẩm cẩm South Bay

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen