Dieses Blog durchsuchen

Donnerstag, 10. April 2014

ĐỊA DANH MIỀN NAM THƯƠNG YÊU QUA CA DAO TỤC NGỮ-Hồ Đình Vũ




Miền Nam thân yêu điạ danh ,ca dao tục ngữ vàduới cái nhìn yêu mến của các nhà văn như Sơn Nam ,Trần Văn Chi (Nam Sơn) Vuơng hồng Sển
ĐỊA DANH NAM BỘ
Hồ Đình Vũ.
MN :theo thư E-mail của bạn Dinh Kim Bãn ,xin cám ơn bạn
Thân


Có nhiều nơi ở miền Nam mình đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới hoặc đã đọc
được ở đâu đó...riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc;nhưng chắc
ít khi mình có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy?
Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học
giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ của
Bùi Đức Tịnh, với mục đích chia sẻ những hiểu biết của các tiền bối về tên
gọi một số địa phương trên quê hương mình.
Xin mời các bạn cùng tham khảo và đóng góp ý kiến từ các nguồn tài liệu
khác - để đề tài này được đầy đủ và phong phú hơn.

Phần 1
Tên do địa hình, địa thế
Bắt đầu bằng một câu hát dân gian ở vùng Ba Tri, tỉnh Bến Tre:
"Gió đưa gió đẩy,
về rẫy ăn còng,
về bưng ăn cá,
về giồng ăn dưa..."

GIỒNG
là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu,
khoai củ cùng một số loại cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát: "trên đất
giồng mình trồng khoai lang..."
Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở
thành tên của một quận (huyện).
Lại nhắc đến một câu hát khác:
"Ai dzìa Giồng Dứa qua truông
Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em..."
Giồng Dứa ở Mỹ Tho, khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Luơng đến cầu Long
Định, ở bên phải quốc lộ 4 là Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở
hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà
người miền Nam gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm
nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh,
có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc biệt là bánh da lợn).
Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải qua truông, vậy

truông là gì?
 Truông Nhà Hồ
TRUÔNG
là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An có truông Sim.
Ở miền Trung, thời trước có truông nhà Hồ.
"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"1
Phá Tam Giang
Tại sao lại có câu ca dao này?
Ngày xưa truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ
Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên
ít người dám qua lại.
PHÁ
là lạch biển, nơi hội ngộ của các con sông trước khi đổ ra biển nên nước
xoáy,sóng nhiều thường gây nguy hiểm cho thuyền bè. Phá Tam Giang thuộc tỉnh
ThừaThiên, phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển, phía nam là
sông Hương đổ ra cửa Thuận An.
BÀU
là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ còn những vũng
nước nhỏ hay khô hẳn. Khác với đầm, vì đầm có nước quanh năm. Ở Sài Gòn, qua
khỏi Ngã Tư Bảy Hiền chừng 1 km về hướng Hóc Môn, phía bên trái có khu Bàu
Cát. Bây giờ đường xá được mở rộng, nhà cửa xây rất đẹp nhưng mùa mưa vẫn
thường bị ngập nước. Ở Long Khánh có Bàu Cá, Rạch Giá có Bàu Cò.

ĐẦM
chỗ trũng có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa nắng, thường là chỗ
tận cùng của một dòng nước đổ ra sông rạch hoặc chỗ một con sông lở bờ nước
tràn ra hai bên nhưng vẫn dòng nước vẫn tiếp tục con đường của nó. Ở Cà mau
có Đầm Dơi,Đầm Cùn. Ở quận 11 Sài Gòn có Đầm Sen, bây giờ trở thành một
trung tâm giải trí rất lớn.

Đầm Sen
BƯNG
từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không
có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác, đưng... mọc.
Mùa mưa ở bưng thường có nhiều cá đồng.
"...về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa".
Ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.

LÁNG
chỗ đất thấp sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên làm ngập nước hoặc
ẩm thấp quanh năm. Ở Đức Hoà (giữa Long An và Sài Gòn) có Láng Le, được gọi
như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và đẻ. Vùng Khánh Hội
(quận 4 Sài Gòn) xưa kia được gọi là Láng Thọ vì có những chỗ ngập do nước
sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành Lăng Tô, một địa
danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.


 Láng Le
TRẢNG
chỗ trống trải vì không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu
rừng. Ở Tây Ninh có Trảng Bàng, địa danh xuất phát từ một cái trảng xưa kia
có nhiều cỏ bàng vì ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Ở Biên Hoà có Trảng Bom,
Trảng Táo.


ĐỒNG
khoảng đất rất rộng lớn bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng, hoặc vừa ruộng
vừa những vùng hoang chưa khai phá. Một vùng trên đường từ Gia Định đi Thủ
Đức, qua khỏi ngã tư Bình Hoà, trước kia toàn là ruộng, gọi là Đồng Ông Cộ.
Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 km trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, được
gọi như thế vì trước kia là vùng đất phèn không thuận tiện cho việc cày cấy,
bị bỏ hoang và rất vắng vẻ, trống trải. Ở Củ Chi có Đồng Dù, vì đã từng dược
dùng làm nơi tập nhảy dù. Và to, rộng hơn rất nhiều là Đồng Tháp Mười.
Hố
chỗ đất trũng, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi nước lấp xấp. Ở Củ Chi
có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng thường đến đó ăn cỏ. Biên Hoà có Hố Nai, là
nơi những người Bắc đạo Công Giáo di cư năm 1954 đến lập nghiệp, tạo thành
một khu vực sầm uất.

PHẦN 2
Tên bắt nguồn từ tiếng Khmer
Miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người Việt và người
Khmer sống chung với nhau,văn hoá đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Điều đó
biểu hiện rõ nét qua một số địa danh. Một số nơi, tên gọi nghe qua thì rất
Việt Nam nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer; người Việt đã Việt hoá một cách
tài tình.

CẦN THƠ
Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là

Cân Thơ

Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên
cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam
và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt
"cần" và "thơ". Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa.Nếu dò
tìm trong hướng các địa danh Việt hoá, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm
của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer "kìntho", là một loại cá hãy còn
khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở
Bến Tre vẫn gọi là cá "lò tho". Từ quan điểm vững chắc rằng "lò tho" là một
danh từ được tạo thành bằng cách Việt hoá tiếng Khmer "kìntho",người nghiên
cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người
Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ
xuất phát từ danh từ Khmer "kìntho".

MỸ THO
Trường hợp Mỹ Tho cũng tương tự. Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn
Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong
tiếng Việt. Những tài liệu thích ứng về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer
trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là
"Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Mình gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock,chỉ
còn giữ lại Mỳ Xó thôi.

ThịTrấn Mỹ Tho
SÓC TRĂNG
Theo cố học giả Vương Hồng Sển, đúng ra phải gọi là Sốc Trăng. Sốc Trăng
xuất phát từ tiếng Khmer "Srock Khléang". Srock có nghĩa là xứ, cõi. Khléang
là kho chứa vàng bạc của vua. Srock Khléang là xứ có kho vàng bạc nhà vua.
Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, sau nữa biến thành Sốc Trăng.Tên
Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi lại
là Nguyệt Giang tỉnh, có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt
là giang; trăng là nguyệt).Đến thời ông Diệm, lại gọi là tỉnh Ba Xuyên,châu
thành Khánh Hưng. Bây giờ trở lại là Sóc Trăng.

Thị trấn Sóc Trăng
BÃI XÀU
Bãi Xàu là tên một quận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là một quận ven biển nên
có một số người vội quyết đoán, cho rằng đây là một trường hợp sai chính tả,
phải gọi là Bãi Sau mới đúng. Thật ra, tuy là một vùng bờ biển nhưng Bãi Xàu
không có nghĩa là bãi nào cả. Nó xuất phát từ tiếng Khmer "bai xao" có nghĩa
là cơm sống. Theo truyền thuyết của dân địa phương, có địa danh này là vì
nơi đây ngày trước, một lực lượng quân Khmer chống lại nhà Nguyễn đã phải ăn
cơm chưa chín để chạy khi bị truy đuổi.
Bai Xào
KẾ SÁCH
Kế Sách cũng là một quận của Sóc Trăng. Kế Sách nằm ở gần cửa Ba Thắc (một
cửa của sông Củu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu, rất
thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K'sach, như vậy Kế
Sách là sự Việt hoá tiếng Khmer "k'sach".
Một số địa danh khác
Cái Răng (thuộc Cần Thơ) là sự Việt hoá của "k'ran", tức cà ràn, là một loại
bếp lò nấu bằng củi, có thể trước kia đây là vùng sản xuất hoặc bán cà ràn.
Trà Vinh xuất phát từ "prha trapenh" có nghĩa là ao linh thiêng.
Sông Trà Cuông ở Sóc Trăng do tiếng Khmer "Prek Trakum", là sông rau muống
(trakum là rau muống).


chợ Sa Đéc

Sa Đéc xuất phát từ "Phsar Dek", phsar là chợ, dek là sắt.
Tha La, một địa danh nổi tiếng ở Tây Ninh (Tha La xóm đạo), do tiếng Khmer
"srala",là nhà nghỉ ngơi, tu dưỡng của tu sĩ Phật giáo.
Cà Mau là sự Việt hoá của tiếng Khmer "Tưck Khmau", có nghĩa là nước đen.


PHẦN 3
Địa danh do công dụng của một địa điểm hay do một khu vực sinh sống làm ăn.
Đây là trường hợp phổ biến nhất trong các địa danh. Theo thói quen, khi muốn
hướng dẫn hay diễn tả một nơi chốn nào đó mà thuở ban đầu chưa có tên
gọi,người ta thường hay mượn một điểm nào khá phổ biến của nơi đó, như cái
chợ cái cầu và thêm vào một vào đặc tính nữa của cái chợ cái cầu đó; lâu
ngày rồi thành tên, có khi bao trùm cả một vùng rộng lớn hơn vị trí ban đầu.

CHỢ
Phổ biến nhất của các địa danh về chợ là chợ cũ, chợ mới, xuất hiện ở rất
nhiều nơi. Sài Gòn có một khu Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi đã trở thành một địa
danh quen thuộc. Chợ Mới cũng trở thành tên của một quận trong tỉnh An
Giang. Kế bên Sài Gòn là Chợ Lớn, xa hơn chút nữa là Chợ Nhỏ ở Thủ Đức.Địa
danh về chợ còn được phân biệt như sau;
- Theo loại hàng được bán nhiều nhất ở chợ đó từ lúc mới có chợ, như: Chợ
Gạo ở Mỹ Tho, Chợ Búng (đáng lý là Bún) ở Lái Thiêu, Chợ Đệm ở Long An, Chợ
Đũi ở Sài Gòn.
- Theo tên người sáng lập chợ hay chủ chợ (độc quyền thu thuế chợ), như: chợ
Bà Chiểu, chợ Bà Hom, chợ Bà Quẹo , chợ Bà Rịa.



chợ Bà Rịa

Theo vị trí của chợ, như: chợ Giữa ở Mỹ Tho, chợ Cầu (vì gần một cây cầu
sắt) ở Gò Vấp, chợ Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.

XÓM
là một từ để phân biệt một khu vực trong làng hay một địa phương lớn hơn, về
mục tiêu sản xuất, thương mại hay chỉ đơn thuần về vị trí.
Đơn thuần về vị trí, trong một làng chẳng hạn, có Xóm Trên, Xóm Dưới, Xóm
Trong, Xóm Ngoài, Xóm Chùa, Xóm Đình...
Về các mục tiêu sản xuất và thương mại, ngày nay cách phân biệt các xóm chỉ
còn ở nông thôn mà không còn phổ biến ở thành thị.
Những địa danh còn sót lại về xóm ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn: vùng phụ cận
chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà. Gò Vấp có Xóm Thơm. Quận 4 có Xóm Chiếu.
Chợ Lớn có Xóm Than, Xóm Củi, Xóm Vôi, Xóm Trĩ (Trĩ là những nhánh cây hay
thân cây suôn sẻ to cỡ bằng ngón chân cái, dài chừng 2 mét, dùng để làm rào,
làm luới hay làm bủa để nuôi tằm).

THỦ
là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông, vì khá phổ biến thời
trước nên "thủ" đã đi vào một số địa danh hiện nay hãy còn thông dụng,
như:Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An),Thủ Dầu Một
(Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa có lẽ là tên những viên chức được cử đến
cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người
dân gắn liền với nơi làm việc của họ. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa
có một cây dầu mọc lẻ loi.

Thành phố Thủ Dầu Một
BẾN
ban đầu là chỗ có đủ điều kiện thuận tiện cho thuyền ghe ghé vào bờ hoặc đậu
lại do yêu cầu chuyên chở, lên xuống hàng. Sau này nghĩa rộng ra cho cả xe
đò,xe hàng, xe lam...
Cũng như chợ, bến thường được phân biệt và đặt tên theo các loại hàng được
cất lên nhiều nhất. Một số tên bến đặt theo cách này đã trở thành tên riêng
của một số địa phương, như: Bến Cỏ, Bến Súc, Bến Củi ở Bình Dương. Bến Đá ở
Thủ Đức.Bến Gỗ ở Biên Hoà.
Ngoài ra bến cũng còn có thể được đặt tên theo một đặc điểm nào ở đó, như
một loại cây, cỏ nào mọc nhiều ở đó, và cũng trở thành tên của một địa
phương, như:
Bến Tranh ở Mỹ Tho, Bến Lức ở Long An (đáng lý là lứt, là một loại cây nhỏ
lá nhỏ, rễ dùng làm thuốc, đông y gọi là sài hồ).
Một số trường hợp khác
Có một số địa danh được hình thành do vị trí liên hệ đến giao thông, như ngã
năm, ngã bảy, cầu, rạch...thêm vào đặc điểm của vị trí đó, hoặc tên riêng
của một nhân vật có tiếng ở tại vị trí đó. Ở Sài Gòn có rất nhiều địa danh
được hình thành theo cách này: Ngả Tư Bảy Hiền, Ngã Năm Chuồng Chó, Ngã Ba
Ông Tạ...Ở Trà Vinh có Cầu Ngang đã trở thành tên của một quận. Trường hợp
hình thành của địa danh Nhà Bè khá đặc biệt, đó là vị trí ngã ba sông, nơi
gặp nhau của 2 con sông Đồng Nai và Bến Nghé trước khi nhập lại thành sông
Lòng Tảo. Lúc ròng, nước của hai con sông đổ ra rất mạnh thuyền bè không thể
đi được, phải đậu lại đợi con nước lớn để nương theo sức nước mà về theo hai
hướng Gia Định hoặc Đồng Nai.
"Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về."
Tương truyền có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản "thủ" ở vùng đó,
tham nhũng nổi tiếng. Có lần nằm mơ thấy cảnh mình chết bị xuống âm phủ phải
đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm phúc
bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè
lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe
thuyền đợi nước lớn có thể cặp đó lên bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh
Nhà Bè bắt nguồn từ đó.

KẾT
Miền Nam là đất mới đối với người Việt Nam, những địa danh chỉ mới được hình
thành trong vài thế kỷ trở lại đây nên những nhà nghiên cứu còn có thể truy
nguyên ra nguồn gốc và ghi chép lại để lưu truyền. Cho đến nay thì rất nhiều
địa danh chỉ còn lại cái tên mà ý nghĩa hoặc dấu vết nguyên thuỷ đã biến mất
theo thời gian. Thí dụ, Chợ Quán ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, bây giờ chỉ
biết có khu Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán...chứ còn cái
chợ có cái quán đố ai mà tìm cho ra được. Hoặc Chợ Đũi (có một số người
tưởng lầm là Chợ Đuổi vì người buôn bán hay bị nhân viên công lực rượt đuổi)
ban đầu chuyên bán đũi, là một thứ hàng dày dệt bằng tơ lớn sợi, bây giờ mặt
hàng đó đã biến mất nhưng địa danh thì vẫn còn. Ngoài ra, đất Sài Gòn xưa
sông rạch nhiều nên có nhiều cầu, sau này thành phố được xây dựng một số
sông rạch bị lấp đi, cầu biến mất, nhưng người dân vẫn còn dùng tên cây cũ ở
nơi đó để gọi khu đó,như khu Cầu Muối. Và cũng có một số địa danh do phát âm
sai nên ý nghĩa ban đầu đã bị biến đổi nhưng người ta đã quen với cái tên
được phát âm sai đó nên khi ghi chép lại, vẫn giữ cái tên đã được đa số chấp
nhận, như Bến Lức, chợ Búng (Lứt là tên đúng lúc ban đầu, vì nơi đó có nhiều
cây lứt; còn chợ Búng nguyên thủy chỉ bán mặt hàng bún, sau này bán đủ mặt
hàng và cái tên được viết khác đi).
Hồ Đình Vũ

BỔ TÚC

Phần trên đã nói tới nhiều địa danh của miền Nam, bây giờ là phần bổ túc.Gặp
đâu ghi đó. Có những địa danh có thể đã được đề cập ở phần trên nhưng cũng
vẫn ghi lại, vì tôi mới đọc được trong những cuốn sách khác.

THỦ ĐỨC
Ai chẳng một lần nghe nói đến nem Thủ Đức. Người ta nhắc đến cái địa danh
Thủ Đức, Xuân Trường như là một nơi danh thắng để giai nhân, tài tử, tao
nhân mặc khách đến đây thưởng thức phong quang.
Theo lời truyền khẩu của các vị bô lão ở địa phương : Khi xưa, có vị thủ đồn
đầu tiên ở nơi này tên là Đức. Đến sau, ông Tạ Dương Minh đứng ra qui dân
lập chợ buôn bán, nhớ đến công vị thủ đồn tên Đức, nên lấy tên và chức tước
của ông mà đặt cho chợ, gọi là chợ Thủ Đức nay đã thành danh.
(trích trong cuốn Gia Định Xưa của Huỳnh Minh)

GÒ VẤP
Gò Vấp là tên một quận của tỉnh Gia Định. Gọi là Gò Vấp có ý nghĩa gì ?
Chúng tôi đã dụng công ra tìm những sử sách và hỏi thăm các vị bô lão, nhưng
chẳng tìm hiểu được gì đích xác.
Tuy nhiên, theo truyền thuyết, cũng có thể tin được, địa danh mang tên Gò
Vấp, vì lúc trước nơi ấy là một ngọn đồi trồng cây Vấp (theo tiếng Chàm gọi
là Krai, tiếng Việt là Vấp hay Lùn). Thứ cây Vấp là thứ cây mà dân Chàm coi
như thần mộc, yểm hộ cho dân tộc Chàm.
(trích trong cuốn Gia Định Xưa của Huỳnh Minh)

Trung tâm nuôi duỡng bão trợ trẻ em Gò Vấp
ĐỒNG ÔNG CỘ
Đồng bào ở tỉnh Gia Định từ xưa tới nay thường nghe nói đến tên "Đồng Ông
Cộ" nhưng không hiểu rõ cụm từ này do ai đặt ra mà được truyền tụng mãi đến
ngày nay.
Ở miền Nam chúng ta, địa phương nào cũng có nhiều huyền thoại, giai thoại
truyền khẩu trong dân gian, lâu ngày trở thành một địa danh.
Chúng tôi, người tình nguyện vạch bóng thời gian,ghi lại những sự việc xảy
ra từng vùng,từng địa phương, để hiến quí bạn đọc hiểu rõ nguồn gốc từ thuở
xa xưa nơi địa phương chính mình. Theo một vài vị bô lão cố cựu sinh quán
tại Gia Định, thuật lại sự tích "Đồng ông Cộ" cho chúng tôi biết như sau.
Đất Gia Định ngày xưa rộng lớn hoang vu, dân chúng ở rải rác từng nhóm theo
ruộng gò nổng, rừng chòi dày đặc,đường sá chưa được khai mở, lối đi vất vả
khổ cực.
Khu đất "Đồng ông Cộ" này ngày xưa thuộc vùng sát cận trung tâm tỉnh Gia
Định. Nó ăn từ chợ (ngã ba trong) dài tới cầu Hang; vòng ra đường Nguyễn Văn
Học, phía bên này cầu Bình Lợi nó ăn sâu luôn phía trong có hơn 10 cây số,
rồi vòng ra khu Hàng Xanh phía lò heo cũ Gia Định chạy dài tới ngã năm Bình
Hoà.
Toàn thể khu vực rộng lớn như vậy,thuở xưa không có lấy một con lộ cái quan
nào để dân chúng xê dịch. Dân cư trong vùng, sinh sống về nghề ruộng nương,
rẫy bái, làm nghề hạ bạc (đánh cá) dọc theo sông cầu Bình Lợi, cầy Băng Ky
bây giờ. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi cây lùm
mọc rậm rạp.
Về sau, Tây lấy Gia Định rồi thì mở mang quốc lộ đi Thủ Đức và khu sát rìa
quốc lộ, ăn sâu vô hằng 5-7 cây số (từ phía Gia Định lên nằm bên tay
mặt),được Tây khai phá làm rừng cao su. Toàn thể một khu đồng ruộng mênh
mông như vậy, hơn phân nửa đất đai toàn là rừng rậm, dân cư lại ít nên không
có nhiều đường mòn để
xê dịch. Dân chúng di chuyển bằng ngựa cũng không tiện chớ đừng nói chi đến
dùng xe bò hoặc xe trâu. Đây khác hơn mọi nơi là chỗ đó!
Mỗi khi dân cư trong vùng này muốn ra tỉnh, lúc đó là thành Gia Định, có
việc cần kíp, hoặc rước thày trị bệnh, hoặc tải hàng rẫy, gạo thóc ra chợ
bán,hoặc mua đổi các thứ cần thiết đem về dùng.... thật là muôn vạn khó
khăn. Chỉ có những trai tráng khoẻ mạnh mới có thể di chuyển nổi hằng mấy
chục cây số đường lồi lõm không khác lên thác xuống ghềnh, khu đất này lại
nhiều chỗ dốc lên, dốc xuống, đồi nổng..v.v.. Rất ít chỗ được khai phá,
thành giồng như xuyên rừng vậy. Mà hễ mỗi lần đi như vậy thì ruộng nương,
rẫy bái ở nhà lại không ai khai phá, làm lụng sản xuất. Lại mỗi lần đi ra
thành thì lại mất ít nhất 2 ngày - 1 ngày đi, 1 ngày về mua bán, đổi chác.
Một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà của một ông Phú Hộ với nhà
ngói 3 gian, 2 chái, 1 dãy nhà bếp, nền đúc cao treo tấm bảng lớn đề mấy chữ
:
"Đảm nhận 'Cộ' người và hàng hoá đi khắp nơi".
Đồng thời với tấm bảng treo lên, ông Phú Hộ trong vùng gọi là ông Ba Phú Hộ
truyền thâu dụng tất cả thanh niên vạm vỡ trong toàn khu, hay bất cứ nơi
nào,muốn có chuyện làm, ngoài nghề ruộng rẫy.
"Cộ người và hàng" !
Đó là một lối tải người và hàng hoá giản tiện hơn cả võng hay kiệu.
Ông Ba Phú Hộ bèn cho dân đan những tấm vạc bằng tre, hai đầu có 4 lóng tre
ló ra giống như cái băng ca nhà thương khiêng bệnh, để người đầu trước người
đầu gác lên hai vai, khách thì ngồi ở vạc tre khúc giữa thòng chân lủng lẳng
để người "Cộ" đi.Hàng hoá thì lại để ở khoảng giữa, thay vì tấm vạc tre
đương thì nó là một miếng ván dày để có thể chất nhiều đồ mà không bị oằn
chính giữa.
Người sử dụng muốn mướn chỉ cần cho ông Ba Phú Hộ hay trước, cho biết nhà
rồi thì sáng sớm, khi gà vừa gáy là có dân phu mang "Cộ" đến tận nhà mà rước
người, hoặc "Cộ" hàng đi ra thành Gia Định.Từ đó, dân cư bắt đầu xê dịch dễ
dàng, không nhọc mệt, bận tâm, hay tốn hao người mỗi khi tải hàng đi ra
thành.
Rồi thì, thời gian trôi qua, địa danh xuất hiện theo miệng người cư ngụ
trong vùng. Khi hỏi:
- Ở đâu ?
Bèn đáp:
- Ở trong đồng ông Ba "Cộ" !
Ông Ba "Cộ" đây có nghĩa là ông Ba Phú Hộ "Cộ" người và hàng hoá.
Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang, nhưng là một vùng rộng
lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông lại không có địa danh, nên
người ta nhớ ơn ông Ba "Cộ" lập thành vùng này thành địa danh gọi là "Đồng
ông Cộ" cho đến ngày nay.

Cộ
- danh từ: xe quệt. (td. trâu kéo cộ, một cộ lúa)
- động từ: kéo đi, mang chở, khuân lấy (td.
cộ lúa từ đồng về nhà)
ăn. (td. nồi cơm lớn quá mức tụi tôi đâu
có cộ nổi)
đảm đương (td. nhiều việc quá liệu mình có cộ nổi khổng)
(Theo cuốn Tự Điển Phương Ngữ Nam Bộ.)
(Xe quệt, là loại xe dùng trâu hoặc bò để lết trên mặt đất. Khung xe bằng
tre đặt trên 2 cây trượt. Đầu 2 cây trượt được gông vào càng xe. Người ta
dùng dây chão buộc càng xe vào vai của trâu hoặc bò. Đây là phương tiện vận
chuyển đường dài chủ yếu dùng trong mùa vụ nông nghiệp, thích ứng với địa
hình phức tạp.)
Xe-cộ là danh từ kép, trong trường này, chữ cộ phải là danh từ để đứng chung
với chữ xe. Cái xe và cái cộ cùng là danh từ chỉ một vật dùng để chuyển tải
(người hoặc hàng hoá).
Giống như danh từ kép chợ-búa, chợ và búa là hai danh từ đồng nghĩa, nhưng
chữ búa là từ cổ đã biến mất không ai dùng nữa, chỉ còn tồn tại trong từ kép
chợ-búa.

(trích trong cuốn Gia Định Xưa của Huỳnh Minh)

ĐỒNG THÁP MƯỜI
Chú thích năm 1970. Theo tôi, thuyết dưới đây của ông Lê Hương có phần đáng
tin hơn cả. Trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt
gốc Miên, tập san Sử Địa số 14, 15 năm 1969, ông viết: "Tháp mười là một
trong những ngôi tháp làm bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất khắp lãnh
thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvera là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân
loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng,bằng ngói hay
bằng lá thốt nốt để người bịnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều
coi sóc. Những ngôi tháp được xây dựng dọc theo các con đường lớn trong nước
mà ngôi nằm trong đồng Tháp Mười, tính từ địa điểm xuất phát, đứng vào hàng
thứ muời.
Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả các công trình kiến trúc của cổ nhân, dãy
nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng
bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên Tháp thứ mười.
Trong năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe và
xuồng để đọc những chữ khắc vào đó và phát giác ra ngôi tháp..."
(tríchtrong cuốn Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Muời của Nguyễn Hiến Lê)

BẾN TRE


Trường hợp hình thành tên gọi Bến Tre thật đặc biệt, vì đó là sự gán ghép
giữa tiếng Khmer và tiếng Việt.Xưa
kia người Khmer gọi nơi đó là Srok Treay - srok là xứ,treay là cá. Sau người
Việt thay chỗ người Khmer đến sinh sống làm chủ chốn đó, biến chữ srok thành
Bến nhưng chữ treay không dịch là cá mà phát âm theo tiếng Khmer thành Tre.
Quả tình nơi đó không có tre mà thật nhiều tôm cá.
(theo ông Vương Hồng Sển)

Đất Nam Việt mà trước đây người ta còn gọi là Nam Kỳ,người Tây Phương khi
đặt chân lên xứ mình hồi thế kỷ 16 , 17 đã gọi bằng tên Cochinchine hay Đằng
Trong.
Người ta cũng gọi xứ này là Đồng Nai ( đồng có nhiều nai),Lộc Dã,Lộc Đồng
(cùng một nghĩa) hoặc Nông Nại,là nơi mà người Việt mình đặt chân lần đầu
tiên năm 1623.Sử chép rằng Chúa Sãi Vương Nguyễn phúc Nguyên (1613-1635),đã
gả Công chúa Ngọc Vạn,lệnh ái thứ 2,cho vua Cao Miên Chei Chetta II
(1618-1626) từ Xiêm trở về lên ngôi báu và đóng đô tại Oulong.Nhờ sự giao
hiếu ấy vua Cao Miên mới cho phép người Việt di dân vào Nam Bộ.Chúng ta đã
đặt đầu cầu tại Mô Xoài(gò trồng xoài),gần Bà Rịa đúng vào năm 1623( Theo
Claude Madrolle -Indochine du Sud,Paris 1926).
Cũng trong năm này một phái đoàn ngoại giao đã được cử sang Oulong để thương
thuyết sự nhượng lại Sở Thuế quan Saigon.Về sau đến đời vua Réam Thip Dei
Chan(1642-1659),em vua trước,vị hoàng hậu Việt Nam nói trên đã xin vua Cao
Miên cho phép người Việt được quyền khai thác xứ Biên Hòa năm 1638.
Sở dĩ vua Cao Miên đã giao hảo với nước ta và tự ý nhân nhượng một phần
nào,là vì muốn cậy thế lực của triều đình Huế để chế ngự ảnh hưởng của người
Xiêm.Như vậy chúng ta đã đến sinh cơ,lập nghiệp,khai khẩn đất đai Nam Bộ là
do sự thỏa thuận hoàn toàn của đôi bên,chứ tuyệt nhiên không phải là một sự
xâm nhập.Lại nữa nhờ uy thế của chúng ta mà Cao Miên đã đối phó hiệu quả với
những tham vọng của nước Xiêm và bảo toàn được nền độc lập của mình.
Nói tóm lại sự hiện diện của chúng ta từ hơn 800 năm nay tại Nam bộ rất là
hợp tình,hợp lý và hợp pháp.Nói một cách khác công cuộc Nam tiến của tổ tiên
ta là một sự kiện lịch sử bất di bất dịch,nó hiển nhiên cũng như cuộc Tây
tiến của người Âu Châu tại Mỹ Quốc và cuộc Đông tiến của người Anh tai Úc
Châu.
Con sông Đồng Nai đã đưa ta đến tỉnh Biên hòa ( hòa bình ở biên cương),một
trấn đã được sáp nhập vào nước ta năm 1653.Khoảng đất này xưa được gọi là
Đông phố đúng ra là Giãn phố vì hai chữ Đông và Giãn viết theo chữ Hán hơi
giống nhau.Về sau nơi này đã được triều đình Huế giao cho bọn người Trung
Hoa gốc Quảng Tây di cư theo hai tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình đến
khai khẩn và lập nghiệp năm 1679 tại Cù lao Phố,sau khi nhà Minh bị nhà
Thanh lật đổ.
Miền trên Biên hòa thì có Hố Nai (hố sập nai),Trảng Bom( trảng là một đồi
bằng phẳng và rộng rải có trồng nhiều cây chum-bao hom đọc trạnh thành
bom,sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra,dùng để trị phong hủi.
Phía dưới là nhà thương điên Nguyễn Văn Hoài ,một nhà bác học đã quả quyết
với chúng tôi rằng trong một đời người,số giờ mà chúng ta điên cuồng cộng
lại ít nhất cũng được vài năm!
Biên Hòa là quê hương của Đỗ Thành Nhân ,một trong Gia định Tam hùng.Hai
người kia là Võ Tánh quê ở Gò Công và Nguyễn Huỳnh Đức quê ở Tân An.
Biên hòa là xứ bưởi bòng ngon ngọt có tiếng nên mới có câu ca dao :
Thủy để ngư,thiên biên nhạn
Cao khả xạ hề,đê khả điếu,
Chỉ kích nhơn tâm bất khả phòng
E sau lòng lại đổi lòng,
Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh
Chúng ta đi ngang qua trước ngọn núi Châu Thới ,cao 65m trên có ngôi chùa
Hội sơn,được trùng tu vào đầu thế kỷ thứ 19,nhờ công đức sư Khải Long:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nghiêng chùa Châu Thới mới sai lời nguyền !
Rồi đến Thủ Đức với những hồ bơi nước suối,và những gói nem ngon lành.Thủ
nhắc lại ngày xưa có những chức quan văn như thủ bạ,thủ hô lo về việc thuế
má và nhơn thế bộ.Do đó mà có những địa danh như Thủ Thiêm,Thủ Thừa,Thủ Ngữ
v.v.. để nhắc lại tên mấy ông thủ bạ và thủ hộ ngày trước.Miền Thủ Đức lại
nhắc cho ta hai câu đối " tréo dò" "

Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ

Có lẽ vì năm canh thức đủ mà có kẻ than thân trách phận tự mình sánh với cái
nem Thủ Đức lột trần :

Người ta năm chị bảy em
Tôi đây như thể chiếc nem lột trần

Phía tay mặt là Gò Vấp,xưa kia là một ngọn đồi trồng cây vấp.Thứ cây này xưa
kia được coi như thần mộc,yểm hộ cho dân tộc Chàm.Dã sử thuật lại rằng vào
đời vua Chiêm cuối cùng là Pô Romé (1627-1651),vua này muốn vừa ý một ái phi
người Việt đã ra lệnh đốn cây Kraik ( vấp) cổ thụ rợp bóng nơi vườn ngự
uyển.Hơn
một trăm thị vệ lực lưỡng không sao hạ nổi vì vết rìu mỗi lần bổ xong thì
khép lại ngay.Nhà vua tức giận cầm lấy rìu hạ xuống một nhát,tức thời một
tiếng rên rỉ vang lên và cây gục xuống giữa một vũng máu.Và cũng từ đó vận
khí nước Chiêm suy dần cho đến ngày tàn tạ.
Bây giờ ta vào thành phốSaigon,nơi mà 300 năm về trước(1674)tiền đạo quân ta
lần đầu tiên đã đặt chân tới,mang theo khẩu hiệu :" Tĩnh vi nông,động vi
binh".Quân ta không phải tư động mà đến,chính là do lời yêu cầu khẩn thiết
của nhà đương cuộc hồi bấy giờ.
Họ khai khẩn đất đai với sức dẻo dai sẵn có,đào sông ngòi trong vùng đất
thấp và đây đó khắp nơi,xây dựng thành trì kiên cố.
Một trong những công tác quân sự ấy do tướng Nguyễn Đức Đàm xây năm 1772,rồi
đến thành trì Phan An xây năm 1790,kế đến là thành Gia Định xây năm
1836.Những thành ấy xây đắp với mấy vạn nhân công và bao nhiêu tài trí như
đã ghi trong câu ngạn ngữ :
Dân đất Bắc
Đắp thành Nam:
Đông đã là đông!
Sầu Tây vòi vọi!
Chúng ta đang ở trung tâm thành phố Saigon ( Sài là củi,gòn là bông
gòn)chuyển sang chữ nho thành Sài-côn là củi gòn,vì chữ nôm gòn viết là
Côn,như Ông Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã ghi trong tác phẩn Gia Định Thống
Chí mà hiện nay chúng còn một bản dịch ra pháp văn của ông Gabriel Aubaret.
Theo một số người khác thì Saigon có lẽ do chữ Đê Ngạn đọc thành Tai Ngon
hay Thay gon theo giọng Quảng Đông hay Tingan theo giọng Triều Châu,dùng để
chỉ thành phố do người Tàu lập nên năm 1778 sau khi họ phải rời bỏ Biên hòa
vì chiến sự giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn,để nhờ sự bảo hộ của quân đội chúa
Nguyễn đóng tại Bến Nghé.
Nguyên ủy xa hơn cả có lẽ là sự chuyển âm của một danh xưng tối cổ
Preikor,có nghĩa là rừng gòn,một loại cây hiện nay còn trồng ở Thủ Đô.
Theo Ông Verdeille thì Saigon có thể là hai chữ nho :Tây Cống đọc chạnh
ra,tên này ám chỉ rằng thành phố là phần đất xưa kia đã được các vị vua phía
Tây cống hiến cho ta.Ta nên lưu ý rằng tên Siagon chỉ được dùng trong các
văn kiện của Pháp kể từ 1784 trở đi mà thôi
Còn danh xưng của Chợ-lớn mà người Tây đọc liền lại là Cholon,nó chỉ ngôi
chợ xưa kia nằm trên địa điểm hiện tại của Sở Bưu điện Chợ-lớn kéo dài tới
tận Đại Thế Giới cũ.Chợ này lập song song với chợ nhỏ hiện nay còn tồn tại
với tên chợ Thiếc ở phía trường đua Phú Thọ.Về sau Chợ-lớn được dời tới
Chợ-lớn mới do nhà đại phú Quách Đàm xây tặng,tượng họ Quách vẫn còn ở giữa
đỉnh chợ Bình Tây
Sự biến đổi địa âm dạng của địa danh Saigon đã tùy sự hiện diện liên tiếp
của những người quốc tịch khác nhau như Preikor (rừng gòn),Tai- Ngon hay
Thầy gòn của người Trung Hoa mà ta đọc là Đê-ngan,người phương tây dùng chữ
la mã ghi là Saigon từ năm 1784.
Hồi xưa tên Saigon chỉ áp dụng cho khu vực Chợ -lớn hiện thời,còn chính
Saigon bây giờ thì khi ấy là Bến Nghé (theo Trịnh Hoài Đức,theo các nhà hàng
hải Âu Mỹ ,theo bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm
Gia-long thứ 14( 1815) ghi trên vùng Chợ-lớn hiện tại chỗ nhà thương Chợ-Rẫy
ba chữ Saigon xứ,khoảng gần Cây Mai và Phước Lâm )Khu Saigon cao ,nằm phía
Đồn Đất tức là cái đồn thâu hẹp năm 1836 sau khi Lê Văn Khôi nổi loạn,chắc
đã có người ở từ thời thượng cổ,chứng cớ là những khí giới và đồ dùng bằng
đá mài tìm thấy khi đào móng nhà thờ Đức Bà.Khu thấp thường gọi là Bến Nghé
hay bến Thành.
Bến Thành là cái tên ở gần hào thành Gia-Định,nguyên trước có cái rạch nối
liền hào thành với sông Bến-Nghé và có cái chợ gọi là chợ Bền Thành.Cái rạch
ấy về sau lấp đi thành Đại lộ Nguyễn Huệ và đến bây giờ có câu ca dao như
sau :


Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,
Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu;
Lấy em anh đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em!

Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là cái bến uống nước của trâu con,do một tên
rất cũ là Kompong Krabey ( bến trâu) đã được Việt hóa.Nhưng ông Đốc phủ Trần
Quang Tuất (1765-1825) cho rằng nơi đây có lắm con cá sấu chúng thườn kêu
nghé nên gọi là Bến Nghé-Trịnh hoài Đức dịch là" Ngưu-tân"Bến Nghé là cái
bến sông Saigon có tên là sông Bến Nghé,cũng có tên là Tân Bình Giang hay là
Đức Giang lấy nguồn ở Ban Bót(theo gia-định thống chí) .Còn cái rạch Bến
nghé nối dài bởi kinh Tàu -hủ(Arroyo chinois) ngày xưa có tên là Bình Dương
và chỗ nó chảy ra giáp sông Bến Nghé gọi là Vàm Bến Nghé.Bến Nghé tức là
Saigon và khi ta nói Đồng Nai-Bến Nghé tức là nói đến Nam Bộ vậy.
Phía đông Saigon có một cái kênh gọi là rạch Thị Nghè hay là rạch Bà Nghè.Bà
tên là Nguyễn Thị Canh,con gái thống suất Nguyễn Cửu Văn tức Văn Trường
Hầu,đẹp duyên với một ông nghè.Để cho chồng bà tiện đường qua rạch hàng ngày
vào làm trong thành,bà cho dựng một chiếc cầu mà dân sự có thể dùng được.Để
tỏ lòng nhớ ơn một bậc nữ lưu,họ đã gọi cầu ấy là cầu Bà Nghè.Đến khi Tây
đến đánh thành Saigon,pháo hạm Avalanche tiến vào rạch này đầu tiên nên họ
mới gọi là Arroyo de l'Avalanche.
Trên rạch Bến Nghé hồi xưa có nhiều chiếc cầu ván dựng tạm cho người qua
lại.Chiếc cầu nổi tiếng hơn cả là cầu Ông Lãnh,được xây nhờ công ông Lãnh
binh,thời tả quân Lê Văn Duyệt.Còn những chiếc cầu khác là Cầu Muối,Cầu Khóm
(thơm),Cầu Kho và Cầu học(giếng học).Về các công sự thì có :
Chợ Bến Thành (mới) xây năm 1914 trùng tu năm 1950
Nhà thờ Đức Bà khởi công năm 1877,hoàn thành năm 1883


Sở Bưu Điện và Tòa án cất năm 1883
Dinh Norodom khởi công ngày chủ nhật 23-2-1868 với sự tham dự dông đảo của
dân chúng.Thủy sư Đô Đốc De La Grandìère với sự hiện diện của kiến trúc sư
Hermitte từ HongKong tới,đã đặt viên đá đầu tiên vuông vức mỗi bề nửa
mét,trong đó đựng một hộp chì chứa nhũng đồng tiền vàng và bạc dập hình vua
Napoléon III.Đức Giám mục Miche,cai quản địa phận,với một số đông con
chiên,đã ban phép lành và đọc một diễn văn lời lẽ cao quý đã làm cử tọa đặc
biệt chú ý.Công cuộc xây cất trên một khoảng đất rộng 14 mẫu tây đã phải
dùng tới hai triệu viên gạch,và cái móng dày tới 3,5m tốn mất 2.436 thước
khối đá xanh Biên Hòa.Công tác đã hoàn thành năm 1875 và người đầu tiên đến
ở trong dinh đó là Thủy sư Đô Đốc Roze.Sau 84 năm Pháp thuộc,ngày 7-9-1954
Đại tướng Ely,Cao ủy Pháp đã trả dinh thự này cho Chính phủ Việt Nam thời
bấy giờ.
Tòa Đô Sảnh (1901-1908) trên có một gác chuông do họa sĩ Ruffier trang trí
mặt tiền
Viện Bảo Tàng Quốc Gia xây năm 1927,khánh thành ngày 1-1-1929 ,bị vụ nổ nhà
thuốc súng làm hư hại ngày 8-3-1946 và được hoàn lại chính phủ Việt Nam ngày
19-9-1951 thu thập tới 4.000 cổ vật đã kê thành mục lục và trình bày trong
14 gian phòng.
Vườn Cầm Thảo (Sở Thú)tương tự với rừng Vincennes ở Pháp,được lập năm
1864.Sau khi đã san bằng,việc đứa thú tới nhốt nơi đó hoàn tất năm 1865.Ngày
28-3-1865 nhà thực vật học Pierre đảm nhiệm việc điều khiển vườn Cầm Thảo
Saigon và ngày nay nhiều giống cây ở xứ ta còn mang tên nhà bác học ấy.
Đây đó ta còn gặp một số địa danh nguồn gốc Tây Phương như : Ba-Son
(Arsenal) trong có một bến sửa tàu(bassin de radoub) xây bằng ximăng cốt sắt
từ năm 1858,và bến tàu nổi được hạ thủy tháng giêng năm 1866.Chữ Ba-Son do
chữ Bassin mà ra.
Vườn Bờ Rô(do chữ Jardin des Beaux Jeux)hay là vườn Ông Thượng,xưa kia là
hoa viên của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt,nay là vườn Tao Đàn.
Dakao là biến danh của Đất Mộ(đất của lăng)
Lăng-tô là biến danh của Tân thuận,tên một làng mà dân Saigon thường đến
hóng mát(pointe des flaneurs).
Bây giờ chúng ta rời Saigon xuống đò Thủ-Thiêm qua bên kia sông xem địa phận
đang trù định một chương trình kiến thiết rộng lớn,để biến nơi này thành một
khu vực nguy nga tráng lệ.

Con đò Thủ-Thiêm ngày xưa đã hấp dẫn một số đông những chàng trai trẻ :


Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ-Thiêm.

nhưng một ngày kia chàng trai phải ra đi trong khói lửa chiến tranh,đến khi
trở về thì than ôi :

Ngày đi trăm hoa hẹn hò,
Ngày về vắng bóng con đò Thủ-Thiêm!

Từ Thủ-Thiêm chúng ta thẳng tiến đến một nơi gọi là Nhà Bè hay là Ngã Ba
Sông Nhà Bè,nơi mà con sông Đồng Nai gặp con sông Saigon cũng gọi là sông
Bến Nghé.Ngày xưa ở chỗ ấy ông Thủ khoa Hườn có lập nhà bè để bố thí lúa gạo
cho những kẻ lỡ đường và ngày nay còn vọng lại mấy câu hò tình tứ của cô lái
miền quê:

Nhà Bè nước chảy chia hai:


Ai về Gia định Đồng Nai thì về!
 Rời Nhà Bè ,chúng ta trở lại Saigon để đi về miền Bà Chiểu,một vùng ngoại ô
trù mật ở phía đông ,chúng ta phải đi qua một cái cầu gọi là Cầu Bông,vì xưa
kia ở gần đó Tả Quân Lê Văn Duyệt có lập vườn hoa rất ngoạn mục.Bà Chiểu
tỉnh lỵ Gia định,nổi tiếng về lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt (1764-1832),một vĩ
nhân được người Việt và người Tàu tôn thờ như một vị thần thánh.
Theo Trương Vĩnh Ký thì Bà Chiểu là một trong 5 bà vợ của ông Lãnh Binh đã
xây cái cầu ông Lãnh.Theo phương pháp kinh tế tự túc mà các cụ ngày xưa
thường áp dụng,ông đã lập ra 5 cái chợ,giao cho mỗi bà cai quản một cái : Bà
Rịa (Phước Lễ),Bà Chỉểu (Gia-Định),Bà Hom (Phước Lâm),Bà Quẹo (phía Quán
Tre) và Bà Điểm (phía Thụân Kiều).Riêng chợ Bà Điểm gần làng Tân thới quê
hương của Cụ Đồ Chiểu,tác giả Lục Vân Tiên,thi phẩm đầu giường của đồng bào
Nam bộ là nơi bán trầu ngon có tiếng ở Miền Nam.Món trầu là đầu câu
chuyện,cho nên bao nhiêu chuyện,hay dở gì cũng do miếng trầu trao cho nhau
mà sinh ra cả :

Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư!

Từ Bà Chiểu chúng ta trở lại Saigon để rẽ về Phú Nhuận ,qua Cầu Kiệu hay là
Cầu Xóm Kiệu là nơi xưa kia trồng rất nhiều hành kiệu.Phú-Nhuận(giàu sang và
thuần nhã) là nơi còn nhiều cổ tích như: Lăng Đô-đốc Võ Di Nguy,mất tại cửa
bể Thị Nại năm 1801.Lăng Trương Tấn Bửu và lăng Võ quốc Công tức là hậu quân
Vũ Tính,nơi đây vua Gia-Long có cho trồng 4 cây thông đưa từ Huế vào để tỏ
lòng mến tiếc.Võ Tánh là một trong Gia-Định tam hùng mà dân chúng nhắc tới
trong những điệu hò giao duyên.Theo thường lệ :
Người con gái lên tiếng trước :
Nghe anh làu thông lịch sử,
Em xin hỏi thử đất Nam-Trung :
Hỏi ai Gia-Định tam hùng,
Mà ai trọn nghĩa thủy chung một lòng ?

Người con trai liền đáp lại :

Ông Tánh,Ông Nhân cùng Ông Huỳnh Đức,
Ba Ông hết sức phò nước một lòng
Nổi danh Gia-Định tam hùng:
Trọn nghĩa thủy chung có Ông Võ Tánh,
Tài cao sức mạnh,trọn nghĩa quyên sinh,
Bước lên lầu bát giác thiêu mình như không!

Về phía Tân Sơn Hòa có Lăng Cha Cả là một cổ tích kiến trúc Việt Nam xưa
nhất ở vùng Saigon.Nơi đây mai táng Đức Giám Mục Bá-Đa-Lộc,mất tại cửa Thị
Nại năm 1799.

Rời khỏi ngoại ô Saigon chúng ta thuê một chiếc thuyền con về vùng Lái-Thiêu
(tức là ông Lái gốm họ Huỳnh đã thiêu nhà vì say rượu) để thăm vườn trái :

Ghe anh Nhỏ mũi tráng lường
Ở trên Gia-Định xuống vườn thăm em.

Nơi đây quy tụ rất nhiều trái ngon đặc biệt như : dâu da,thơm,bòn bon,mít tố
nữ,măng cụt và nhất là sầu
riêng (Durion) là giống cây từ Mã-Lai đưa vào Cây Sầu riêng thân cao lá
ít,trái có gai bén nhọn kinh khủng,cho nên trời chỉ cho phép nó rụng khi đêm
khuya thanh vắng mà thôi!Đồng bào Nam-bộ liệt nó vào hàng đầu trong các loài
trái,vì nó có đủ năm mùi hương vị đặc biệt như quả lê Trung hoa.Những người
xa lạ phải chịu nhẫn nại một thời gian mới thông cảm và khi đã thông cảm rồi
thì thèm muốn như mê say,chỉ trừ anh học trò thi rớt:

Có anh thi rớt trở về
Bà con đón hỏi nhiều bề khó khăn
Sầu riêng anh chẳng buồn ăn,
Bòn bon,tố nữ anh quăng cùng đường!

Tại vùng Lái Thiêu,có một ngôi nhà thờ cổ kính xây từ thế kỷ XVIII trên ngọn
đồi xinh tươi,chung quanh có nhiều lò gốm,lò sành và một trường dạy học cho
trẻ em câm điếc với một phương pháp riêng biệt.
Đến Búng chúng ta không quên đi thăm chùa Phước Long ở vùng An-Sơn,có ông
huề thượng thâm nho,thường ra nhiều câu đối bí hiểm cho những khách nhàn du
:

Rượu áp sanh(absinthe) say chí tử

Có người đã đối lại như sau :

Bóng măng cụt mát nằm dài

Trong chùa ông huề thượng có ghi hai câu :

Cúng bình hoa,tụng pháp hoa,hoa khai kiến Phật.
Dâng nải quả,tu chánh quả,quả mãn thông Thần

(sưu tầm bài viết của ông Tân Việt Điêu trong Văn hóa nguyệt san số 33 năm
1958)

Tên gọi Saigon từ đâu?
Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất
nhiều thì giờ và công sức.
Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó
có 3 thuộc loại quan trọng hơn. Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới
đây:

Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống):


Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis
Garnier ( người bị giặc Cờ Đen phục kích chết ).Theo Aubaret, Histoire et
description de la Basse-Cochinchine và Garnier,Cholen, thì người Tàu ở miền
Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778
và đặt tên cho thành phố đó là Tai-ngon hay Ti-ngan.Sau dó, người Việt bắt
chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.
Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả
thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn!
Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.
Tại sao? Vì lịch sử chứng minh rằng Saigon có trước, rồi người Tàu mới đọc
theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất
Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vở "Luỹ Sài
Gòn"(theo Hán-Việt viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất
hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam . Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán "Côn"
được dùng thế cho "Gòn". Nếu đọc theo Nôm là "Gòn", còn không biết đó là Nôm
mà đọc theo chữ Hán thì là "Côn".
Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Saigon! Thì làm gì phải đợi đến
1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên
Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.

Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor.

Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự "nghe nói" như sau:

"Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam
chỉ bông gòn .Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông
gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết
nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận".

Pétrus-Trương Vĩnh Ký- Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs,
trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon , Imprimerie Coloniale 1885.

Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết
thuyết này là "của" Trương Vĩnh Ký , mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết
tiếp "Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi
sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của
tên đó".
Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ "Cây Gòn" (Kai Gon)
hay "Rừng Gòn" (Prey Kor) mà ra.
Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn.
Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm
được dấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sàigòn, hay sự đắc dụng của củi
gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký . Ngay vào thời của Trương
Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng
của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sàigòn không có phát triển hay thay đổi gì
cho lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có
dấu vết gì của một rừng gòn ở Sàigòn.

Sài Gòn từ Prei Nokor
Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện
nay được coi như là "most likely".
Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình
Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố 1 danh sách đôi chiếu 187 địa danh Việt Miên ở
Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài
Gòn là Prei Nokọr
Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm
1623,một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn
mượn xứ Prei Nokor (Saigon) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu
thuế.
Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine,
có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ (Sài Gòn Hạ).
Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo
tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng",Prei hay
Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã
mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành"Sài",
Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "Gòn".
Từ Prei Nokor …mà thành SàiGòn thì thật là …dễ sợ !
Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất
dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc "sai" ra
"sê" theo giọng Pháp nên Saigon được viết với hai dấu chấm trên chữ i.

Saigon …muôn thuở là Sàigòn !
Ca dao - Tục ngữ Sài Gòn

Saigon là Hòn ngọc Viễn Đông, là một thành phố lớn nhất Việt Nam. Những nơi
như Saigon được mệnh danh là Kẻ Chợ, đã là Kẻ Chợ ắt có chợ, mà phải là ngôi
chợ lớn, khách Lục tỉnh lên thăm Saigon, ra vào chợ Saigon hẳn không quên.
Chợ Saigon được đồng bào Hậu Giang so sánh với ngôi chợ tỉnh nhà:

Chợ Saigon cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi măng.
Giã em xứ sở vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.

Người con gái ở đô thành tiêm nhiễm nếp sống Tây phương, chàng trai xa nàng
khỏi sao thắc mắc, lo nàng ở lại chẳng vuông tròn nên phải ra vô, nàng vuông
tròn chàng yên tâm về xứ sở.

Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,
Chợ Saigon xa, chợ Mỹ cũng xa.
Viết thư thăm hết mọi nhà,
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em.

Saigon và Mỹ Tho, hai nơi cách nhau trên sáu chục cây số, nay tuy thật gần
những xưa thật xa,vì phương tiện di chuyển đâu có dồi dào như nay, chàng và
nàng dù đã yêu nhau, nhưng mỗi lúc tới thăm đâu có dễ dàng, đôi bên cùng bận
làm ăn buôn bán, nàng ở chợ Saigon, chàng ở chợ Mỹ Tho. Nhớ nhung nhau, chỉ
biết tin thư thăm hỏi, lấy giấy thay lời. Chàng yêu nàng vì duyên, vì tình,
tình yêu chân thật, đâu thấy nàng giàu mà ham hoặc thấy nàng nghèo mà chê.

Chợ Saigon đèn xanh, đèn đỏ,
Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu.
Lấy anh em đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em.

Chợ Saigon với những hàng quảng cáo đèn màu xanh đỏ, chàng trai quê lên nhầm
lẫn đó là đèn tàu. Sự lầm lẫn thị giác này có thể có được, nhưng lầm về yêu
đương, chàng đâu có lầm. Chàng lấy nàng đâu có kể sang giàu, vì tiền tài bao
nhiêu cũng có thể hết, duy tình nghĩa mới bền lâu, như người xưa đã nói:

Theo vàng bỏ ngãi ai hơi,
Vàng thời đã hết, ngãi tôi vẫn còn.

Chính vì nghĩa mới bền lâu, nên khi xa người nghĩa, người con trai đứng ngồi
không yên:

Chim quyên xuống đất tha mồi,
Tôi xa người nghĩa đứng ngồi không yên!
Giấy tây bán mấy,
Mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì?

Mến thương nàng, đem nàng so sánh với các nàng Lục tỉnh, cô gái Saigon thật
hơn:

Nội trong lục tỉnh Nam kỳ,
Mấy ai được nết nhu mì như em.
Hai hàng lụy ngọc ướt nhèm,
Làm sao cho đặng anh với em giao hòa.

Sự ước vọng, lòng mong mỏi của chàng là được cùng nàng giao hòa!
Chợ Saigon ngày nay ta vẫn gọi là chợ Bến Thành, nhưng Bến Thành trước đây
là bến tàu và hàng ngày thường 10 giờ thì tàu đến bến này:

Mười giờ tàu lại Bến Thành,
Súp lê còi thổi bộ hành lao xao.

Sao lại mệnh danh Bến Thành? Phải chăng đây là bến của đô thành Saigon hay
của Gia Định thành? Còn khách bộ hành lao xao vì muốn ngắm tàu Tây.

Anh ngồi quạt quán Bến Thành,
Nghe em có chốn anh đành quăng om!
Anh ngồi quạt quán Bà Hom,
Hành khách chẳng có, đá om quăng lò.

Chàng trai ngồi quạt quán ở Bến Thành với bình trà Huế, được tin người mình
thương đã có nơi chốn, chàng tỏ buồn rầu quẳng cả bình trà đi! Kể cũng đáng
buồn, tưởng được cùng người thương thưởng thức bình trà (om) ngon, ngờ đâu
nàng là hoa có chủ, chàng đành ôm hận, trút mối giận vào om, cái bình trà vô
tội.

Nhắc đến Bến Thành, quên sao được thành Tây:

Dân đất Bắc,
Đắp thành Tây.
Đông thật là đông,
Sầu Nam vời vợi.

Câu này gồm đủ đông, tây, nam, bắc! Dân đất Bắc phải chăng những người dân
miền Bắc bị đưa vào Nam làm dân phu,đắp thành cho người Tây? Số dân phu ắt
nhiều lắm, Đông thật là đông. Sự đông đúc này quả là một mối sầu vời vợi cho
nước Nam, cho dân Nam! Nước mất nhà tan, thân làm nô lệ, phải đi đắp thành
cực khổ cho Tây để chúng dựa vào thành trì đô hộ đồng bào mình. Người miền
Bắc bị đi dân phu hằng than thở:

Nhà tan nước mất ai ơi,
Cái thân nô lệ sống đời cu ly!

Người dân than thân như vậy, nhưng vẫn có bọn mũ cao áo dài hà hiếp dân để
nịnh bợ quân thù! Thật đau đớn nhưng những kẻ mãi quốc cầu vinh, cõng rắn
cắn gà nhà, có bao giờ chúng nghĩ đến Sầu Nam vời vợi. Và
trong khi sống đời cu ly đi đắp thành Tây, đã biết bao nhiêu người bỏ thây
cùng công việc, ngày xưa đâu đã có máy móc, kỹ thuật xây dựng đắp hoàn toàn
công ở sức người.
Đắp thành Tây rồi xây soái phủ cho Tây, người dân Nam trong cảnh căm hờn
muốn nói không ra, đành gởi tâm tình vào ca dao tục ngữ:

Trên thượng thơ bán giấy
Dưới Thủ Ngữ treo cờ.
Kìa Ba còn đứng trơ vơ!
Nào khi núp bụi, núp bờ,
Mũi Di đánh dạo bây giờ bỏ em.
Thượng thơ, xưa chính là soái phủ miền Nam ở góc đường Tự Do và Gia Long
ngày nay. Nơi ấy có bán ấn chỉ cho dân, trong Nam quen gọi là bán giấy. Thủ
Ngữ là nơi thủy quân Pháp đóng,cọ dựng cột cờ. Con người ái quốc trông hai
nơi này căm gan sôi ruột! Ai đã khéo đặt ra cau ca dao trên để kích thích
lòng căm hờn của người dan Việt, đã nhắc đến tượng Gambotta ở vườn Tao Đàn,
gọi một cách nhục nhã là Ba Tượng một người Pháp gọi là Ba,ai là dân Việt ắt
thấy nhục vong quốc này. Nếu câu ca dao chỉ có ba dòng đầu có thể gợi sự
nghi ngờ của người Pháp, bởi vậy phải thêm hai hàng sau gắn vào, mượn lời
tình nhân oán trách tình nhân che dấu ý kín của câu hát. Tuy đây là lời tình
nhân oán trách tình nhân, nhưng cũng là lời đồng chí oán trách đồng chí, đã
cùng nhau núp bụi ngồi bờ, đã cùng nhau đánh dạo ở mũi Di, vậy mà quên nhau,
về đầu thú người Pháp để cầu công danh phú quý.
Pháp chiếm Việt Nam, một mặt dân Việt Nam căm hờn, một mặt một số cô gái
Việt Nam kém ý thức, vì hoàn cảnh đã sánh duyên với Pháp trở thành me Tây.
Lính Pháp lấy me trong thời gian ở đất Việt, rồi anh lính trở về Pháp, cô me
Tây ở lại nước Việt lại lấy chồng, đậng một anh lính khác, chẳng khác chi
các nàng Giao chỉ sau này trong thập niên 60 cho đến năm 1975 sánh duyên
cùng các chú lính Mẽo:
Saigon mũi đõ,
Gia Đinh súp lê.
Giã hiền thê ở lại lấy chồng,
Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây.
Thuyền,tàu Saigon hồi đó sơn mũi đỏ để phân biệt với thuyền tàu lục tỉnh,
như vậy thực dân tiện bề kiểm soát.
Thuyền anh ra cửa bể như rồng lên mây, câu này muốn nói khi anh lính Tây đã
ra cửa bể rồi, anh tha hồ được tự do, đến bến mới anh tha hồ kết duyên cùng
người mới.
Về các cuộc hôn nhân Việt Pháp, lúc tiễn đưa, chúng tôi đã từng nhắc tới một
câu trong ca dao hôn nhân dị chủng, xin phép được nhắc lại như sau:
Còi súp lê một anh còn than thở,
Còi súp lê hai anh nức nở vắn dài.
Còi súp lê ba, tàu ra biển Bắc,
Nước mắt anh nhỏ ra, anh rút mù xoa anh chậm,
Tình nghĩa vợ chồng ngàn dặm không quên.
Cuộc tiễn đưa ắt phải xảy ra tại bến tàu Saigon, và có anh chàng Tây đã thút
thít vì phải xa vợ, anh bảo rằng ngàn dặm không quên, có thật hay chăng anh
ra cửa bể như rồng lên mây? Sao có sự mâu thuẫn giữa hai câu thơ trên, hay ý
tại ngôn ngoại, chỉ có sự mâu thuẫn trên hình thức, còn thực ra thì ngàn dặm
có đời nào mà không quên đối với những lứa đôi dị chủng, nhất là trong cuộc
chắp nối giang hồ.
Saigon nơi có đô hội lớn, phố xá rộng rãi, cây cao và rậm mát:
Đường Saigon cây to bóng mát,
Đường Chợ Lớn hạt cát nhỏ dễ đi.
Đường Saigon có đúng cây to bóng mát, còn đường Chợ Lớn có lẽ trước đây với
đất phù sa của đồng bằng Cửu Long, cát nhỏ dễ đi chăng!Dưới thời Pháp thuộc,
đường Saigon cũng như đường Chợ Lớn đều đã rải đá và sau này tráng nhựa...
Ngày nay, với thời gian đường đã hư hỏng dù rải đá hay tráng nhựa, mà chính
quyền có ít chú ý tới sửa chữa, nên có thể có người than:

Đường Saigon ổ gà đi xóc,
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.

Ca dao Saigon có những câu rất ngộ nghĩnh, nhắc tới địa danh một cách khéo
léo:

Chị Hươu đi chợ Đồng Nai,
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.

Trong bài này chúng ta bắt gặp bốn con vật ăn cỏ là Hươu, Nai, Nghé, Bò với
hai địa danh là Đồng Nai, Bến Nghé.
Dưới đây là câu ca dao nhắc tới các chợ khác ngoài chợ Bến Thành:

Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau chợ Vải, mua trầu chợ Dinh.
Sáng mai đi chợ Gò Vấp,
Anh mua một xấp vải đem về.
Cho con hai nó cắt, con ba nó may,
Con tư nó đột, con năm nó viền.
Con sáu đơm nút, con bảy vắt khuy;
Anh bước ra đi,
Con tám núi, con chín trì,
Ớ em mười ơi!
Sao em để vậy còn gì áo anh?

Ca dao Saigon hẳn phải còn nhiều, biết tới đâu xin tỏ tường tới đó, những
điều chưa biết xin nhờ sự chỉ giáo của người biết.

(Trích tác phẩm "Hương Nước Hồn Quê" – Toan Ánh )
Tứ Đại Hào Phú đất SaiGon xưa.

Đất Sài Gòn - Gia Định ngày xưa xuất hiện những tay giàu có nổi tiếng cho
đến ngày nay vẫn được truyền tụng về những huyền thoại “ giàu nức đố đổ vách

Tên cầu, tên rạch, tên khu vực nào đó có từ Bà rất nhiều. Như: rạch Bà Bướm
có tên từ 1902 ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 chảy vào sông Sài Gòn, nay
nằm trong khu chế xuất Tân Thuận. Sông Bà Cả Bảy chảy qua hai xã Trung Lập
Thượng và Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi dài 15 km từ ranh giới với Tây Ninh đến
sông Láng Thé. Bà Hom vừa là khu vực phường 13, 14, quận 6 giáp ranh với Tân
Bình và Bình Chánh, vừa là chiếc kênh ở xã Tân Tạo. Bà Tàng, vừa là các rạch
ở phường 7, quận 8, cũng là tên chiếc cầu bắc qua rạch Lào trên đường Phạm
Thế Hiển. Rồi Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà
Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp... cũng là cầu, là rạch, là tên riêng vùng đất. Như
tên Bà Khắc là chiếc cầu xưa ở vùng Cầu Kho quận 1. Khắc trong tiếng Nam Bộ
còn gọi là Khấc, để cầu khỏi trơn trợt.
Trong bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh có câu:

Trên cây Da Còm, nỡ để ông già gùi đội
Dưới đường Cầu Khắc, chi cho con trẻ lạc loài.
Chiếc cầu Bà Khắc (hay Khấc) này thời nay không còn nữa.
Nhiều tên đường cũng tên bà, như đường Bà Huyện Thanh Quan trên địa bàn
phường 6, 7, 9 quận 3, hồi Pháp có tên là Rue Nouvelle, đến năm 1920 đổi
thành Pierre Fladin. Năm 1955 mới có tên Bà Huyện Thanh Quan đến ngày nay.
Bà Ký là đường trên địa bàn phường 9, quận 6. Bà Lài là đường nối từ đường
Phạm Văn Chí với Lò Gốm, nay tên đường mới là Đặng Thái Thân. Bà Lê Chân ở
Tân Định. Năm 1906 có tên là Frostin. Đến 19-10-1955 đổi lại thành đường Bà
Lê Chân. Bà Triệu nằm sau Bệnh viện Chợ Rẫy, thời Pháp có tên là Merlande.
Năm 1955 mới đổi thành Bà Triệu... Chắc là còn nhiều "bà" nữa mà người viết
chưa có vinh hạnh làm quen xin mọi người tìm thêm nữa.
Cũng lạ, khi đặt tên cho cái rạch, con sông, chiếc cầu, hay địa danh một
vùng đất gắn với một bà nào đó, thì có cả ca dao, câu hát, câu ví dí dỏm.
Nhưng, với cánh đàn ông thì thiệt là khô khan, chả thơ phú, câu vè, câu đố
nào. Dù sao, có bà thì phải có ông, bởi thiếu ông nghe như trống trải trong
lòng vậy.
Ở Sài Gòn địa danh mang tên năm ông sau đây, cứ nhắc tới thì cả nam, phụ,
lão, ấu ai cũng rành.
Đầu sổ là Ông Lãnh. Gắn liền với Ông Lãnh là chiếc cầu. Dạ, Cầu Ông Lãnh,
rồi chợ Cầu Ông Lãnh, và phường Cầu Ông Lãnh (Nói nhỏ: chỗ này hồi trước bụi
đời dữ lắm nghen, nay thì đỡ nhiều rồi). Đúng là có cầu, có chợ, có phường
100%, nhưng thử hỏi cắc cớ: vậy Ông Lãnh là ai vậy, thưa bà con, thì nghe
chừng ngắc ngứ lắm!Có giả thuyết cầu này do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng
(1798 - 1866) đóng quân ở đồn Cây Mai, Thủ Thiêm và tại đình Nhơn Hòa, quận
1 gần chiếc cầu. Vả lại,năm 1885, Trương Vĩnh Ký có viết rằng chiếc cầu gỗ
do ông lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh binh Thăng này, chớ
không phải ai khác. Cũng có người bảo, cầu này ở cạnh một ông lãnh sự, nên
đặt chết tên luôn. Nghe chừng chuyện này không thuyết phục mấy.
Hai là Ông Thượng. Người Sài Gòn trọng tuổi một chút nghe đến vườn Ông
Thượng thì biết ngay là Công viên văn hóa Tao Đàn thuộc quận 1 bây giờ. Chớ
hỏi bọn trẻ,chưa chắc hiểu vườn Ông Thượng ở đâu. Vả lại, Ông Thượng là tên
dân gian gọi tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt những thập niên 20 và 30 của
thế kỷ 19. Nghe nói, vườn Ông Thượng hồi đó hay có gánh hát đến biểu diễn,
cả cải lương lẫn hát bội, và Nguyễn Đình Chiểu hồi nhỏ cũng hay đến đây coi
tuồng hát bội.
Ba là Ông Tố. Giồng Ông Tố là vùng đất thuộc quận 2 hồi năm nẳm, ở vùng này
còn nhiều cọp beo và nhiều ve lắm, nên có câu:
Coi cọp, xuống Thị Nghè
Ăn ve, lên Ông Tố.
Ve mà nướng lên ăn cũng thơm như cào cào, châu chấu vậy. Không rõ ông Trương
Vĩnh Tố có làm quan chức gì, chỉ biết ông ở gần đấy và khu đất cao (gọi là
giồng)có lẽ là của ông chăng?
Bốn là Ông Tạ. Là chợ mang tên một thầy thuốc nam nổi tiếng Trần Văn Bỉ (còn
gọi là Tạ Thủ). Chợ Ông Tạ còn là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 của
quận Tân Bình. Nói thêm: Dân ghiền thịt chó nghe đến chợ Ông Tạ là gợi ngay
đến các hàng thịt chó nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám treo lủng lẳng cả
chục con thui vàng rực, coi bắt mắt lắm.
Năm là Ông Thìn. Cầu Ông Thìn bắc qua sông Cần Giuộc, nối hai xã Đa Phước và
Quy Đức, huyện Bình Chánh trên tỉnh lộ 50. Dân gian truyền rằng Ông Thìn là
tên người lái đò đưa khách sang sông. Cầu Ông Thìn được bắc dã chiến năm
1925, nay đã nâng thành cầu đúc dài 162 m.
Có cái tên ông rất nổi tiếng ở Sài Gòn này. Đó là Lăng Ông (dân thường gọi
là Lăng Ông Bà Chiểu). Đây là lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt, được xây trên
khuôn viên khá rộng 18.500 m2. Nghe rằng tác giả công trình này về sau xây
lăng Tự Đức ở Huế. Ngày 16-11-1988,Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Lăng Ông
là di tích kiến trúc nghệ thuật. ở lăng có bốn cột gỗ chạm rồng rất đẹp ở
chánh điện. Cổng tam quan có cây thốt nốt tạo vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch.
Ở Sài Gòn, còn có Chùa Ông là chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường) tại xã
Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức.
Tên đường chỉ duy nhất có Ông ích Khiêm. Gắn với tên ông còn có rạch, cầu
Ông Buông ở quận 6 (dài độ 2.800 m từ ngả ba rạch bến Trâu và Tân Hóa tới
rạch Lò Gốm);rạch Ông Cái ở quận 2, rạch Ông Cốm, Ông Đồ ở Tân Túc, Bình
Chánh, rạch Ông Điền từ đất Cần Giuộc đổ vào sông Nhà Bè, rạch Ông Đội ở
quận 7, rạch Ông Mưu ở Bình Chánh; rạch Ông Nghĩa ở xã An Thới Đông, Cần Giờ
từ rừng lá đến sông Lòng Tàu.Có cầu Ông Lớn bắc qua kinh Tàu Hủ; cầu Ông
Nhiêu, cầu Ông Thìn, cầu Ông Tiều...Rồi đập Ông Hiền ở xã Bình Hưng dài đến
ba cây số.
Quả tình, gắn với tên ông thì còn nhiều lắm, nhưng xin tạm dừng ở đây.
Nguyễn Trí Đức
Nhà thờ THỦ ĐỨC-Thánh đường trên 100 tuổi.

Từ chợ Thủ Đức, lên một con dốc thoai thoải, bên trái đường là một ngôi
thánh đường màu hồng đậm nằm lọt trong rừng cây xanh um tùm, đó là nhà thờ
Thủ Đức có trên trăm tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguy nga ban đầu.
Tương truyền, giáo dân vùngphụ cận Thủ Đức rất sùng đạo nhưng trong vùng
không có nhà thờ. Mỗi chủ nhật,người dân phải cùng nhau đến nhà thờ Lái
Thiêu để dự lễ. Khi đó vùng Thủ Đứcbây giờ đang là rừng rậm, cọp beo rất
nhiều, việc đi lại hết sức khó khăn, nguyhiểm. Năm 1880, linh mục Boutier
được bổ nhiệm làm cha sở họ Phong Phú - ThủĐức. Ông là một kiến trúc sư có
tài và nhà thờ Thủ Đức hiện nay là một trongnhững công trình kiến trúc do
ông thiết kế. Nhà thờ Thủ Đức được xây dựng theo kiến trúc Gothique. Nhìn từ
ngoài vào, tất cả các cửa chính và cửa sổ của nhà thờ đều có hình vòm nhọn,
tạo cho công trình vẻ cao ráo, nhẹ nhàng. Hai hàng cột chính trong thánh
đường không cầu kỳ như kiến trúc Roman nhưng vẫn đẹp nhờ những đường nét
trang trí thanh thoát phần đỉnh cột. Vòm trần nhà thờ có hình nhiều quả trám
chụm lại, tạo cảm giác thánh đường rộng và cao vút. Các cửa sổ nằm sát mái
gắn kính màu sáng có hình hoa hồng, vừa là nơi lấy ánh sáng vừa là điểm nhấn
trang trí. Suốt chiều dài tường hai bên nhà thờ trang trí rất nhiều tượng gỗ
diễn tả các tích trong kinh thánh.Phong cách kiến trúc Gothique khiến nhà
thờ Thủ Đức mang đậm vẻ thâm nghiêm nhưng hết sức lộng lẫy và gần gũi. Năm
1931, nhà thờ được mở rộng ra hai bên.Năm 1935, nhà thờ một lần nữa được nới
rộng thêm và có hình dáng như hiện nay.Điều đáng nói là tất cả các phần nới
thêm không hề phá vỡ kiến trúc vốn có của ngôi thánh đường mà còn khiến nó
đẹp và bề thế hơn. Nhà thờ Thủ Đức có khuôn viên rất rộng, khoảng trên sáu
ngàn mét vuông. Khu vườn quanh nhà thờ còn nhiều cây cổ thụ tuổi ngót nghét
bằng tuổi ngôi thánh đường. Khu rừng cây tạo cho nhà thờ một không gian
thoáng mát, màu sơn hồng đậm của thánh đường được màu xanh mát của cây lá
tôn lên càng nổi bật.
Được biết, ngoài nhà thờ Thủ Đức, linh mục Boutier còn là người vẽ thiết kế
nhà thờ Huyện Sĩ . Hai ngôi thánh đường có chung kiến trúc Gothique nhưng
mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng.

Nhà thờ Huyện Sĩ.
Thủ Dầu Một

Thủ Dầu Một là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương, cách Sài Gòn khoảng 20 km về
phía bắc.Trước 1975, thị xã thuộc quận Châu Thành.
Nguồn gốc tên gọi
Có hai giả thuyết:
1. Trong thế kỷ 17-18, vùng Bình Dương-Lái Thiêu là nơi định cư của nhiều
dân triều Minh chạy trốn triều Thanh,phần đông làm nghề gốm, ít học vấn. Họ
gọi vùng đất nầy là Thụ Dầu Mục hoặc Thú Dầu Mục, vì vùng này có mọc nhiều
cây có tên địa phương là Thù du mộc .Dân Bình Dương gọi hai loài thực vật,
một cây ngắn ngày là bụp giấm (Hibiscuss abdarffa) và cây thầu dầu (Ricinus
communis) bằng cùng một tên là cây Thù du. Đây là nguyên nhân có từ Thủ Dầu
Một thuộc tỉnh Bình Dương.
2. Có giải thích khác là nơi có cây Dầu Một, là "cây dầu đứng một mình ở đầu
con đường". Không hợp cách đặt tên của miền Nam. Trường hợp này sẽ gọi là:
ngã ba, ngã tư Cây Dầu,nếu có đất gò thì gọi Gò Dầu.

Bụp giấm.
Thầu Dầu
Lái Thiêu với người Sài Gòn xưa

Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo, cưới vợ Lái Thiêu (Ca dao)
Năm xưa, có bao chàng trai người Minh Hương bỏ tiền ra mua cho được chiếc
giường lèo (giường bằng gổ, có chạm trỗ) với ước mong cưới được những cô con
gái Việt hương sắc ở Lái Thiêu ? Không ai biết. Có điều tôi biết chắc là
người Sài Gòn xưa mong cuối tuần đi Lái Thiêu đổi gió và ăn trái cây, nhứt
là cứ độ từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa trái cây ở Lái Thiêu chín rộ.
Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài
Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Đất Bình Dương
nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Phần với đồng bằng sông
Cửu Long nên thế đất bằng phẳng hơi dốc, có độ cao trung bình 20-25m so với
mặt biển, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Và Lái
Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn
cây trải rộng trên diện tích 1,250 ha.
Thuở trước, Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12 năm
1899 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ
tỉnh Biên Hòa. Đến tháng 10 năm 1956 tỉnh Bình Dương được thành lập, bao gồm
tỉnh Thủ Dầu Một và một phần tỉnh Bình Long, có 5 quận, tỉnh lỵ là Phú
Cường. Người Bình Dương trong lịch sử của mình đã làm nên di sản văn hóa
miệt vườn “đặc trưng miền Đông” và làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đồ
gốm và tranh sơn mài, tiếng tăm vang lừng cả nước cho tới ngày nay.
Lái Thiêu cách Sài Gòn khoảng 20 km, thuở xưa là nơi nghỉ cuối tuần tuyệt
diệu “dành riêng” cho người Sài Gòn. Lái Thiêu còn nổi tiếng là điểm hò hẹn
của các lứa tuổi… Lái Thiệu tuyệt vời như thế nhưng hồi đó đâu phải người
Sài Gòn nào cũng biết thưởng thức Lái Thiêu đâu!
Qua khỏi cầu Bình Triệu, theo Quốc lộ 13 đi khoảng 20 phút chúng ta sẽ đi
vào Lái Thiêu, một vùng đất vườn cây xanh tốt, mát lạnh (trung bình 26 độ,
mùa tết 24 độ C), không khí trong lành. Vào trong làng, sâu vào là những nhà
vườn, nơi đây có sông có rạch đưa nước len lỏi vào từng góc vườn, có những
con đường đất đỏ quanh co theo các lùm cây rợp bóng trái trĩu trên đầu…
Người Sài Gòn đến Lái Thiêu một phần vì tiếng đồn “Sầu riêng Lái Thiêu”.
Quả không sai! Nói đến Lái Thiêu không thể không nhắc cái tên “Sầu riêng Lái
Thiêu”. Trái sầu riêng ở đây được liệt vào hàng ngon, bổ nhứt và đắt giá
nhứt. Sầu riêng trồng được ở Lục Tỉnh nhưng trái không ngon bằng sầu riêng
trồng ở Lái Thiêu.
Người Pháp gọi trái sầu riêng là Durian, hay Durion. Người Việt mình gọi là
sầu riêng, và phải chăng tiếng “sầu riêng” do ta đọc trại từ tiếng
“Djoerian” của người Malaysia mà ra chăng? Trái sầu riêng không giống trái
mít như có người lầm tưởng!
Cây sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus, hay Durio Capparis thuộc
họ thảo mộc Malvacées hay Bombacacerae, cùng họ với cây gòn- gạo, cây bông
vải. Bổ tách trái sầu riêng ra, bên trong có nhiều múi như trái gòn, trái
bông vải.
Cây sầu riêng nguyên thủy mọc ở rừng Malaysia, người ở đây gọi là cây
Djoerian. Người Tàu sang Malaysia buôn bán, họ mang hột về trồng tại Ấn Độ,
Thái Lan, Cambodia. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, có một số cố đạo truyền
giáo Gia Tô theo vô xứ Lái Thiêu, và những nhà truyền giáo nầy đã mang nhiều
giống cây trái lạ từ các xứ khác vào đây, trong đó có cây sầu riêng.Người
Lái Thiêu kể lại, vào năm 1890 có cố đạo người Pháp tên là Cernot đem hột
sầu riêng từ xứ Nam Dương về trồng ở họ đạo Tân Quy. Có lẽ đây là cây sầu
riêng đầu tiên của Lái Thiêu?
Cây sầu riêng cao lớn tới 20m. Lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái
to, vỏ có gai rất nhọn. Trái cho nhiều múi, mỗi múi có từ 1 đến 5 hột như
hột mít. Hột có bao bọc một lớp cơm mềm, màu trắng vàng óng như màu mỡ gà,
giống như múi mít mật, mít ráo.
Sầu riêng chín có mùi rất đặc biệt, gọi là mùi sầu riêng. Mùi xuất phát từ
lớp cơm sầu riêng, bay xuyên qua vỏ tỏa ra ngoài. Mùi sầu riêng mạnh hơn mùi
mít, người thích thì khen là thơm, ai không ưa thì cho là mùi “khó chịu”.
Nói gì thì nói là hễ đã "chịu ăn" sầu riêng rồi thì thấy nó

ngon-bùi-béo-thơm và ghiền luôn ...
Cây sầu riêng trổ bông ba đợt trong một năm, cho 60 đến 90 trái. Từ khi trổ
bông đến khi trái đậu là 20 đến 25 ngày, và từ ngày trổ bông đến ngày kết
trái và chín là 5 tháng. Mùa sầu riêng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch.
Sầu riêng khi “chín mùi” thì tự nhiên ban đêm rụng xuống gốc. Chủ vườn không
ai để trái chín mùi cả, mà cắt sầu riêng trước khi chín, nhiều khi trái đem
đi bán hãy còn xanh là vậy.
Mua sầu riêng phải là “người chuyên môn” mới biết trái sầu riêng nào ngon.
Sầu riêng chín già bao giờ cũng ngon hơn trái non đem “dú ép” cho chín giả.
Trái già nhìn vỏ có màu vàng đậm, gai nở cách xa nhau, gay to và đều. Trái
vỏ còn xanh thì phần nhiều ruột chưa chín hết, cơm mỏng và không mềm. Cho
nên khi mua,có người đòi người bán khoét một lỗ - gọi là thử: coi màu sắc,
coi cơm cứng hay mềm, nếm ngọt lạt ... Vây mà nhiều lúc vẫn bị lầm!
Có người cho rằng sầu riêng ăn rất bổ, giúp nhuận tràng, ăn vô thấy hết mệt
nhọc.Những người mà da khô hay nứt nẻ, có gai, nhất là phụ nữ, ăn nhiều sầu
riêng sẽ làm cho da nhẵn mịn. Ngày xưa phụ nữ ở Malaysia thường lấy cơm của
trái sầu riêng và mỡ của trái bơ làm thuốc xoa bóp cho da trở nên mịn, đẹp,
chắc và bóng mịn.
Măng cụt Lái Thiêu cũng là trái cây níu kéo người Sài Gòn.
Măng cụt loại trái cây được xem là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới, trái
có hình dáng đẹp dễ thương và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Trái măng cụt chín
có màu tím sẫm nhìn bắt mắt, bổ ra bên trong màu trắng tinh gợi cảm, hương
thơm dịu mát quyến rủ, và bạn có thể ăn no mà không sợ đầy bụng.
Măng cụt Lái Thiêu trồng theo kỷ thuật cách 6-7m/cây theo hình vuông, tàn
cây không được giáp nhau nên phải tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Măng cụt
được trồng từ hột cũng có đặc tính giống như cây mẹ, độ 8 - 10 tuổi mới cho
trái. Cây măng cụt trổ bông thay lá vào tháng 2, tháng 3. Mùa trái chín từ
tháng 5 đến tháng 7.
Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì măng cụt (Garania Mangostana Linn)
là 1 trong 10 “siêu trái cây”, vì măng cụt là sự kết hợp hoàn hảo về nhiều
mặt như:hương vị thơm ngon đặc sắc, hình dáng và màu sắc đẹp mắt, giàu dưỡng
chất, có khả năng chống oxy hóa và giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh
tật. Vỏ măng cụt được xắt lát, sấy khô, rồi nghiền thành bột trị bệnh kiết
lỵ.
Măng cụt không chỉ có ở Lái Thiêu miền Đông, mà còn được trồng vùng Lục Tỉnh
như Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, và trong đó Bến Tre măng cụt
trồng xen trong vườn dừa lão. Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 4,500 ha
đất trồng măng cụt, chiếm 77% diện tích cả nước vì ở Bến Tre cây măng cụt
phát triển rất tốt.
Giai thoại kể rằng vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất
hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến
lập nghiệp ở Lái Thiêu, có gia đình của một người đàn ông họ Lục làm nghề
gốm. Con trai của ông là Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người
Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra. Hàng ngày, cô gái thường chèo ghe, chở
mắm, khô đến bán cho lò gốm.Gia đình hai bên biết được, đều ngăn cấm nhưng
hai người vẫn quyết tâm tìm đến nhau. Cuối cùng, mối tình của họ đã phải kết
thúc bằng hai cái chết bi thương.Sau đó, trên mộ hai người mọc lên một loài
cây lạ, trái của nó có vỏ ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong thì thơm ngon
Măng cụt Lái Thiêu
đến lạ lùng. Người dân địa phương đã đặt tên cây là sầu riêng để tưởng nhớ
tới mối tình chung thuỷ của đôi trai gái và Lái Thiêu cũng nổi danh về trái
cây từ đó.
Cây sầu riêng cao trên 20m, trái nặng từ 2 – 5kg, khi chín tự rụng xuống.
Điều kỳ lạ là trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm nên không hề có trường hợp
rơi vào đầu người. Người cho đó là do sự linh nghiệm của chàng trai Minh
Hương và cô gái Lái Thiêu.
***
Đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài
Gòn - Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Lái Thiêu là một
trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trái.
Lái Thiêu xưa là nơi hò hẹn của người Sài Gòn. Lái Thiêu là nơi người Sài
Gòn cuối tuần đi đổi gió.
Lái Thiêu giờ đây ngày nào cũng phải đón khách, và đang chịu sự hủy hoại môi
trường!
Lái Thiêu của người Sài Gòn xưa giờ đây phải chăng chỉ còn là kỷ niệm để nhớ
để thương? Tiếc thay!
Tác giả: Nam Sơn Trần Văn Chi











Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen